Những tác nhân 4 mùa gây dị ứng thời tiết

Dị ứng là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch của cơ thể khi gặp các tác nhân lạ, có rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng trong đó có dị ứng thời tiết. Mối liên hệ giữa các triệu chứng dị ứng và tình hình thời tiết phụ thuộc vào những tác nhân khiến bạn phát bệnh.

Những tác nhân 4 mùa gây dị ứng thời tiết Những tác nhân 4 mùa gây dị ứng thời tiết

Dị ứng là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch của cơ thể khi gặp các tác nhân lạ, có rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng trong đó có dị ứng thời tiết. Mối liên hệ giữa các triệu chứng dị ứng và tình hình thời tiết phụ thuộc vào những tác nhân khiến bạn phát bệnh.

Sau đây là một vài tác nhân phổ biến:

  • Thời tiết khô, gió: Gió thổi phấn hoa vào không khí, gây dị ứng từ khoảng cách rất xa.
  • Những ngày mưa hoặc ẩm ướt: Độ ẩm làm cho nấm mốc phát triển, cả trong nhà và ngoài trời. Mạt bụi cũng phát triển mạnh trong không khí ẩm ướt. Nhưng nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa, những ngày mưa ẩm lại khiến bạn dễ chịu vì phấn hoa sẽ bị nước mưa giữ lại, giảm sự phát tán trong không khí.
  • Không khí lạnh: Nhiều người bị hen suyễn sẽ thấy không khí lạnh là nguy cơ khiến bệnh trở nặng, đặc biệt là khi họ phải ở ngoài đường nhiều.
  • Nhiệt độ cao: Ô nhiễm không khí thường tồi tệ nhất vào những ngày hè nóng bức, trong đó có ozone và khói bụi là tác nhân gây dị ứng nghiêm trọng đối với nhiều người.

Ngoài ra, đặc điểm thời tiết của mỗi mùa trong năm là điều kiện phát triển của những tác nhân dị ứng khác nhau, làm khổ nhiều người theo những cách khác nhau.

1. Những tác nhân gây dị ứng thời tiết vào mùa xuân

vicare.vn-nhung-tac-nhan-4-mua-gay-di-ung-thoi-tiet-body-1

Mùa xuân kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3, cây cỏ vào mùa này thường rất đẹp, nhưng đó cũng là thời điểm ác mộng trong năm đối với những người bị dị ứng, khi thực vật giải phóng phấn hoa.

  • Phấn hoa: là tác nhân gây dị ứng lớn nhất trong mùa xuân. Các loài thực vật cây cỏ giải phóng những hạt phấn nhỏ vào không khí, theo gió đi xa hàng km, để thụ tinh cho cây khác. Khi phấn hoa lọt vào mũi, miệng của một người bị dị ứng, sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể: nhận diện phấn hoa là yếu tố nguy hiểm và giải phóng các kháng thể để tấn công chúng. Điều đó dẫn đến việc giải phóng chất hóa học có tên là histamines vào máu. Histamines sẽ kích hoạt tình trạng sổ mũi, ngứa mắt và các triệu chứng khác quen thuộc của dị ứng.

Nói chung có rất nhiều loại cây gieo rắc phấn hoa vào mùa xuân, ví dụ: cây tùng, cây bách, cây thông, cây dương, cây bạch đàn, cây liễu, ... Ngoài ra còn có các loài cỏ như: cỏ Bermuda (cỏ dùng để trải sân bóng), cỏ may, cỏ roi ngựa, cỏ linh lăng, cỏ ngọt, ...

2. Những tác nhân gây dị ứng thời tiết vào mùa hè

Dị ứng mùa hè bắt đầu khi những cơn mưa tháng tư xuất hiện và kéo dài hết tháng sáu.

  • Phấn hoa

Vẫn là thủ phạm gây dị ứng lớn nhất, mùa hè là mùa thụ phấn chính của các loại cây bụi và cỏ. Từng khu vực có những loại cây bụi và cỏ mọc khác nhau, nhưng các hạt phấn nhỏ bay theo gió đi rất xa sẽ khiến bạn bị dị ứng dù quanh khu vực bạn sinh sống không có cỏ mọc.

  • Sương khói ô nhiễm

Ô nhiễm không khí mùa hè có thể làm cho các triệu chứng dị ứng tệ hơn. Một trong những nhân tố phổ biến nhất là lớp khí ozone ở gần mặt đất, nó được tạo ra trong bầu khí quyển từ hỗn hợp ánh sáng mặt trời kết hợp với khí thải của xe hơi, khí thải từ nhà máy. Mùa hè với nguồn ánh sáng mặt trời mạnh mẽ và gió tạo ra những đám mây ozone bao quanh các thành phố. Thói quen đốt rơm rạ của nông dân cũng là một nguyên nhân làm tăng khói ô nhiễm.

  • Những loại côn trùng có nọc

Vào mùa hè, các loại côn trùng phát triển mạnh (ví dụ như: ong mật, ong bắp cày, ong vò vẽ, kiến ​​lửa và các côn trùng khác), khi chúng đốt hay chích vào cơ thể người sẽ giải phóng nọc, rất dễ gây dị ứng cho nhiều người. Trong trường hợp bị dị ứng nọc côn trùng nghiêm trọng, có thể dẫn tới đe dọa tính mạng (ví dụ sưng to đường thở gây tắc nghẽn, sốc phản vệ).

  • Những vi sinh vật ưa không khí ấm áp

Hai vi sinh vật điển hình của mùa hè là nấm mốc và mạt bụi. Nấm mốc yêu thích các khu vực ẩm ướt, như tầng hầm và phòng tắm, đồ đạc cũ (đệm ghế, sách báo), khi nó sinh sôi tạo ra các bào tử nấm mốc phát tán trong không khí và gây ra phản ứng dị ứng. Mạt bụi (ve bụi) phát triển mạnh ở nhiệt độ ấm và ẩm ướt, chúng thường làm tổ trên giường, vải vóc hoặc thảm, các chất thải của chúng bay vào không khí có thể khiến người bình thường hắt hơi, thở khò khè và chảy nước mũi.

3. Những tác nhân gây dị ứng thời tiết vào mùa thu

  • Cây cỏ cũng là nguyên nhân gây dị ứng lớn nhất vào mùa thu, những loại cây cỏ khiến bạn khó chịu vào mùa hè sẽ kéo dài đến mùa thu. Nhiều người bị hắt xì, chảy nước mũi khi hoa sữa nở.
  • Nấm mốc với nơi trú ngụ là các đám lá rụng sẽ tiếp tục phát triển và gây dị ứng. Những loại mạt bụi cũng từ các hốc điều hòa, quạt thông gió phát tán vào không khí. Trẻ em khi nhập học năm học mới rất dễ bị dị ứng vì nấm mốc và mạt bụi sinh sôi mạnh ở trường trong những tháng hè không ai dọn dẹp.
  • Không khí khô lạnh của những ngày cuối thu có thể khiến nhiều người không chịu nổi, nó khiến da và niêm mạc bị khô, ngứa, nổi mẩn.

4. Những tác nhân gây dị ứng thời tiết vào mùa đông

Mùa đông là mùa khó chịu của những người bị dị ứng với các tác nhân trong nhà, vì mọi người sẽ dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn.

  • Các hạt bụi, bào tử nấm mốc và các bộ phận côn trùng từ máy sưởi, điều hòa sẽ phát tán vào không khí. Chúng có thể bay vào mũi, bám trên da người và gây dị ứng, ngứa ngáy, khó chịu.
  • Vật nuôi, hầu hết mọi người không phải bị dị ứng với lông động vật, mà là với một loại protein có trong lớp vẩy sừng trên da, nước bọt hay nước tiểu của thú cưng, lông sẽ là công cụ vận chuyển các tác nhân dị ứng này.

5. Giải pháp cho người bị dị ứng thời tiết

vicare.vn-nhung-tac-nhan-4-mua-gay-di-ung-thoi-tiet-body-2

Không có cách nào để tránh khỏi thời tiết nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm các triệu chứng dị ứng. Nguyên tắc cơ bản là tránh hoặc giảm thời gian tiếp xúc với các nguồn gây dị ứng. Cụ thể:

  • Theo dõi tình hình thời tiết: Chú ý thời gian thụ phấn của những cây có phạm vi 30-50km xung quanh nơi bạn ở, hoặc những cây trồng ngay trước cửa nhà. Theo dõi chỉ số ô nhiễm không khí được cập nhật hàng ngày. Nếu những yếu tố có thể gây dị ứng cho bạn tăng cao, hãy dành ít thời gian ở bên ngoài hơn.
  • Chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bị dị ứng: Nếu hàng năm bạn thường bị dị ứng vào cùng một thời điểm giống nhau, hãy ghi nhớ và tìm biện pháp để đối phó. Bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ về việc dùng thuốc dị ứng sớm khoảng 2 tuần trước thời điểm bị hắt hơi, ho hoặc ngứa thường niên. Bằng cách đó, bạn có thể ngăn chặn chúng trước khi chúng bắt đầu.
  • Vệ sinh môi trường sống: Bạn không thể thay đổi những gì xảy ra bên ngoài môi trường, nhưng có thể kiểm soát các điều kiện vệ sinh trong nhà: định kỳ lau chùi, dọn dẹp đồ dùng, vệ sinh nhà ở để tránh tích bụi, sử dụng điều hòa không khí để lọc nấm mốc và phấn hoa, sử dụng máy hút ẩm để tránh sự phát triển của nấm mốc và mạt bụi, và quan trọng là phải thường xuyên vệ sinh những thiết bị này để tránh biến chúng thành các ổ gây dị ứng.
  • Đi khám để có chẩn đoán đúng từ bác sĩ. Không được phép tự đoán những triệu chứng dị ứng và tự điều trị, thay vào đó bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra chính xác những nguyên nhân gây ra các triệu chứng. Từ đó có được cách điều trị và phòng bệnh hiệu quả nhất.

Dị ứng thời tiết là căn bệnh có thể gặp phải quanh năm, điều bạn có thể làm là tìm cách chung sống hòa bình với căn bệnh này, có chế độ ăn uống lành mạnh, lên kế hoạch tập luyện để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

(HoiBenh chuyền ngữ từ Webmd)

Xem thêm:

  • Khi bị dị ứng thời tiết lạnh và ngứa thì phải làm sao?
  • Cách xử lý và đề phòng dị ứng thời tiết