Những điều cần lưu ý về bệnh chốc lở ở trẻ em

Chốc lở ở trẻ là một bệnh nhiễm khuẩn da, rất dễ lây, hay gặp ở trẻ em. Chốc lở thường xuất hiện trên mặt, nhất là quanh mũi và miệng của trẻ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho cha mẹ thông tin về những điều cần lưu ý về bệnh chốc lở ở trẻ em.

Những điều cần lưu ý về bệnh chốc lở ở trẻ em Những điều cần lưu ý về bệnh chốc lở ở trẻ em

Thực tế rằng, phần lớn các bé trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo có thể có nguy cơ mắc bệnh chốc lở da, chưa hết, căn bệnh này còn rất dễ lây lan và để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây bệnh chốc lở ở trẻ em

Tụ cầu khuẩn (Staphylococcus aureus) và liên cầu khuẩn (Streptococcus pyogene) là hai vi khuẩn có khả năng gây ra bệnh chốc lở ở trẻ em, trong đó tụ cầu khuẩn là phổ biến nhất. Sau khi xâm nhập vào cơ thể trẻ qua vết thương hở, vết côn trùng cắn..., hai vi khuẩn này gây ra nhiễm trùng và hình thành nên căn bệnh chốc lở.

Do khả năng dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác nên bệnh còn được gọi là “chốc lây”.

vicare.vn-nhung-dieu-can-luu-y-ve-benh-choc-lo-o-tre-em-body-1

2. Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh chốc lở

Thời điểm tiết trời nắng nóng là tiền đề để bệnh chốc lở dễ dàng phát tác và lây lan. Nhưng do không nhận biết được tình trạng bệnh nên nhiều cha mẹ nhầm lẫn chốc lở với rôm sảy hoặc thủy đậu.

Dấu hiệu đầu tiên để cha mẹ nhận biết con bị chốc lở là phát hiện những mụn nước nhỏ li ti ở khu vực tay chân, da đầu, bụng, lưng và nhanh chóng phát triển thành mụn mủ, khi mụn mủ vỡ ra hình thành vết trầy xước lan rộng toàn cơ thể. Trẻ mắc bệnh chốc lở thường quấy khóc, bỏ bữa và hay dùng tay gãi vùng da ngứa, do đó, việc phải mặc quần áo chật hoặc quá dày cũng như thời tiết càng nóng bức sẽ khiến trẻ vô cùng khó chịu.

3 thể bệnh chốc lở thường gặp ở trẻ nhỏ

- Chốc lở truyền nhiễm: Là thể bệnh hay gặp nhất, bắt đầu là một nốt mụn đỏ trên mặt, thường quanh mũi và miệng. Nốt mụn nhanh chóng vỡ ra, chảy dịch hoặc mủ và đóng vảy màu nâu. Cuối cùng vảy sẽ bong ra, để lại một vết đỏ mà không gây sẹo. Nốt mụn có thể ngứa nhưng không đau. Trẻ không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở vùng bị bệnh. Và do rất dễ lây nên chỉ cần đụng chạm hoặc gãi vào vết mụn cũng làm cho bệnh lây sang những nơi khác.

- Chốc lở dạng phỏng: Thường gặp nhất ở trẻ dưới 2 tuổi, với biểu hiện là những nốt phỏng nước chứa đầy dịch và không đau, thường ở thân mình, cánh tay và cẳng chân. Vùng da xung quanh nốt phỏng sẽ bị đỏ và ngứa nhưng không loét. Khi bị vỡ, các nốt phỏng sẽ đóng vảy màu vàng và có thể lâu liền hơn các dạng chốc lở khác.

- Chốc lở mụn mủ: Là thể nặng nhất trong đó nhiễm trùng thâm nhập sâu vào lớp bì gây mụn da, chứa nhiều dịch có mủ, vết loét sâu. Khi quan sát trên vết mủ có vảy dày, cứng màu vàng xám, trẻ cũng có triệu chứng sưng hạch ở quanh vết chốc lở như ở thể truyền nhiễm.

Tuy không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng bệnh chốc lở có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng với sức khỏe của trẻ. Đầu tiên là việc gây ra nhiều mụn, gây ngứa ngáy, khó chịu, tiếp đó là những vết loét sâu khi khỏi sẽ để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nguy hiểm hơn là bệnh có thể dẫn lối tới các căn bệnh khác như nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp hoặc viêm quầng, viêm mô bào sâu, viêm phổi, viêm hạch, viêm xương...

vicare.vn-nhung-dieu-can-luu-y-ve-benh-choc-lo-o-tre-em-body-2

3. Phương pháp điều trị bệnh chốc lở ở trẻ em

Việc tắm rửa sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh là rất cần thiết khi trẻ bị chốc lở. Cha mẹ làm sạch vùng da tổn thương bằng dung dịch NaCl 0,9% hay thuốc tím 1/10.000 hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh. Ngoài ra, cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc màu như xanh methylen... để giúp làm dịu những cơn đau, ngứa ngáy cho bé.

Chốc lở dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Do đó, cha mẹ cần kiểm soát và hạn chế việc trẻ gãi, cào cấu vào vùng da bị bệnh.

Để điều trị chốc lở, cha mẹ cũng có thể dùng mỡ/kem kháng sinh như axit fusidic ngày 2 lần (Fucidin, Foban) hoặc mupirocin (Bactroban). Trong trường hợp thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp thì dùng kháng sinh nhóm β-lactam, cephalosporin, macrolid, penicillin bán tổng hợp (Augmentin, Erythromycin, Cefixim...), chỉ dùng kháng Histamin nếu có ngứa: Phenergan, Loratadin...

Nếu bệnh tình liên tục tái diễn hoặc kéo dài ngày, kèm theo dấu hiệu trẻ sốt, nôn ói, không chịu ăn, liên tục quấy khóc, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

vicare.vn-nhung-dieu-can-luu-y-ve-benh-choc-lo-o-tre-em-body-3

4. Phòng ngừa bệnh chốc lở ở trẻ em

- Luôn để cơ thể trẻ được thoáng mát: nơi ở rộng rãi, quần áo vải bông mỏng thoáng, thấm mồ hôi, tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan.

- Chỉ nên cho trẻ vui chơi, học tập ở những nơi sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc với bụi bẩn, gần các vật cứng nhọn, hạn chế chơi gần vật nuôi, tránh côn trùng hoặc những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng.

- Tắm rửa, cắt tóc, cắt móng tay, thay quần áo thường xuyên cho trẻ.

- Cho trẻ uống đủ nước, nước trái cây và ăn rau xanh.

Với những thông tin HoiBenh cung cấp ở trên, hi vọng cha mẹ đã nắm rõ được những điều cần lưu ý về bệnh chốc lở ở trẻ em để có phương pháp phòng tránh cũng như sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời để bé luôn khỏe mạnh.