Những điều cần biết về xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR - Erythrocyte Sedimentation Rate)

Xét nghiệm tốc độ máu lắng, còn được gọi là xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu, không để chẩn đoán tình trạng cụ thể, mà để xác định tình trạng viêm của cơ thể. Bác sĩ sẽ xem xét kết quả xét nghiệm máu lắng cùng với các kết quả xét nghiệm khác để có thể chẩn đoán bệnh.

Những điều cần biết về xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR - Erythrocyte Sedimentation Rate) Những điều cần biết về xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR - Erythrocyte Sedimentation Rate)

Xét nghiệm tốc độ máu lắng, còn được gọi là xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu, không để chẩn đoán tình trạng cụ thể, mà để xác định tình trạng viêm của cơ thể. Bác sĩ sẽ xem xét kết quả xét nghiệm máu lắng cùng với các kết quả xét nghiệm khác để có thể chẩn đoán bệnh.

Lý do cần thực hiện xét nghiệm tốc độ máu lắng

Khi cơ thể gặp phải tình trạng viêm, các tế bào hồng cầu sẽ bị dính vào nhau, tạo thành các khối. Sự vón cục này ảnh hưởng đến tốc độ lắng của hồng cầu trong ống máu.

Xét nghiệm này sẽ giúp xác định số lượng máu bị vón cục trong cơ thể: Các tế bào hồng cầu chìm xuống đáy ống nghiệm càng nhanh thì khả năng bị viêm càng cao.

Xét nghiệm tốc độ máu lắng có thể xác định sự hiện diện và đo lường tình trạng viêm, nhưng không giúp xác định nguyên nhân gây viêm. Đó là lý do tại sao xét nghiệm này hiếm khi được thực hiện một mình. Thay vào đó, bác sĩ sẽ kết hợp nó với các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng viêm.

Xét nghiệm tốc độ máu lắng được sử dụng để giúp chẩn đoán các tình trạng gây viêm, ví dụ như trong các bệnh sau:

  • Các bệnh tự miễn
  • Bệnh ung thư
  • Các bệnh nhiễm trùng

Xét nghiệm này cũng có thể giúp bác sĩ theo dõi tình trạng viêm, chẳng hạn như trong các bệnh:

  • Bệnh viêm khớp dạng thấp (RA)
  • Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm này trong các bệnh:

  • Một số loại bệnh viêm khớp
  • Một số bệnh về cơ bắp, chẳng hạn như viêm đa cơ

Những dấu hiệu cho thấy cần làm xét nghiệm tốc độ máu lắng

Trong trường hợp nếu bạn gặp các triệu chứng của tình trạng viêm như viêm khớp hoặc bệnh viêm ruột (IBD), bạn sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm này. Những triệu chứng viêm này bao gồm:

  • Đau khớp hoặc cứng khớp kéo dài hơn 30 phút vào buổi sáng
  • Đau đầu, đặc biệt là đau ở vai
  • Sụt cân bất thường
  • Đau vai, đau cổ hoặc đau vùng chậu
  • Các triệu chứng về tiêu hóa, ví dụ như: tiêu chảy, sốt, có máu trong phân hoặc đau bụng bất thường.
vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-xet-nghiem-toc-do-mau-lang-esr-erythrocyte-sedimentation-rate-body-1

Chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm tốc độ máu lắng

Xét nghiệm này hầu như không đòi hỏi phải chuẩn bị gì. Tuy nhiên, nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên báo với bác sĩ. Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và cần ngưng sử dụng trước khi làm xét nghiệm.

Các loại thuốc có thể khiến kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng cao bất thường bao gồm:

  • Androgen, chẳng hạn như testosterone
  • Estrogen
  • Thuốc tránh thai
  • Dextran, có tác dụng làm tăng thể tích tuần hoàn, điều trị khi huyết tương bị giảm
  • methyldopa, được sử dụng cho tăng huyết áp
  • Methadone (Methadose, Dolophine), thuốc giảm đau
  • Heroin

Các loại thuốc có thể gây ra kết quả xét nghiệm thấp bất thường bao gồm:

  • Aspirin hoặc các salicylat khác khi dùng ở liều cao
  • Cortisone
  • Prednisone
  • Thuốc điều trị động kinh, như acid valproic (Depakene), muối divalproex (Depakote), phenytoin (Dilantin)
  • Phenothiazin, thuốc chống loạn thần.

Cách tiến hành xét nghiệm tốc độ máu lắng

Đây là xét nghiệm máu đơn giản, chỉ mất khoảng một vài phút:

  • Đầu tiên, vùng da ở tĩnh mạch lấy máu sẽ được làm sạch.
  • Sau đó, bác sĩ đưa kim tiêm vào để thu lấy lượng máu nhất định.
  • Sau khi lấy xong, bác sĩ rút kim ra, cầm máu và sát trùng vị trí tiêm.

Mẫu máu lấy được để trong một ống nghiệm trong vòng một giờ. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ đánh giá quá trình hồng cầu chìm xuống đáy ống: tốc độ và số lượng hồng cầu chìm.

Khi cơ thể bị viêm, có thể xuất hiện các protein bất thường trong máu. Những protein này khiến hồng cầu tụ lại, điều này làm cho chúng rơi nhanh hơn.

Bác sĩ của bạn có thể yêu cầu làm xét nghiệm C-reactive protein (CRP) cùng với xét nghiệm tốc độ máu lắng. Xét nghiệm CRP cũng đo viêm, nhưng nó giúp dự đoán nguy cơ mắc bệnh động mạch vành (CAD) và các bệnh tim khác.

Có nhiều phương pháp để đo tốc độ máu lắng: phương pháp Westergren, phương pháp Pachenkop, phương pháp Wintrobe, ...

Nguy cơ khi làm xét nghiệm tốc độ máu lắng

Tuy rất hiếm khi xảy ra các biến chứng khi lấy máu làm xét nghiệm, nhưng vẫn có thể có các vấn đề:

  • Chảy máu, từ nhẹ đến nặng
  • Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu
  • Khối máu tụ, hoặc bầm tím ở vị trí lấy máu
  • Nhiễm trùng
  • Viêm tĩnh mạch

Bạn có thể cảm thấy đau khi kim chọc vào da bạn, hoặc nhói một lúc sau khi lấy máu. Nếu là người sợ máu, bạn có thể thấy nôn nao khi làm xét nghiệm này.

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-xet-nghiem-toc-do-mau-lang-esr-erythrocyte-sedimentation-rate-body-2

Kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng

Kết quả xét nghiệm này được đo bằng số mm/giờ, các chỉ số như sau được coi là bình thường:

  • Phụ nữ dưới 50 tuổi có tốc độ máu lắng dưới 20 mm/giờ; trên 50 tuổi là dưới 30 mm/giờ.
  • Đàn ông dưới 50 tuổi có tốc độ máu lắng dưới 15 mm/giờ; trên 50 tuổi là dưới 20 mm/giờ.
  • Trẻ em có tốc độ máu lắng trong khoảng từ 0- 10 mm/giờ.

Nếu các chỉ số đo được càng cao, thì chứng tỏ mức độ viêm càng nặng.

Một kết quả tốc độ máu lắng bất thường không chẩn đoán bất kỳ bệnh cụ thể nào. nó chỉ xác định có tình trạng viêm trong cơ thể và cần làm thêm các chẩn đoán khác. Khi đó, bác sĩ sẽ khám để tìm các triệu chứng khác và yêu cầu kiểm tra thêm nếu kết quả xét nghiệm quá cao hoặc thấp.

Tuy nhiên có nhiều yếu tố có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm, chẳng hạn như:

Nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng cao

Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Mang thai
  • Thiếu máu
  • Cholesterol cao
  • Bệnh thận
  • Bệnh tuyến giáp
  • Một số loại ung thư, bao gồm ung thư hạch và đa u tủy. Kết quả xét nghiệm cao bất thường có thể do sự hiện diện của khối u ung thư, đặc biệt là nếu không tìm thấy tình trạng viêm.
  • Kết quả xét nghiệm cao hơn bình thường cũng liên quan đến các bệnh tự miễn, bao gồm: một số bệnh viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, tăng fibrinogen máu, viêm mạch dị ứng hoặc hoại tử, ...
  • Một số loại nhiễm trùng khiến kết quả xét nghiệm trở nên cao hơn bình thường là: nhiễm trùng xương; nhiễm trùng tim như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và viêm nội tâm mạc; thấp khớp; bệnh lao; ...

Nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng thấp

Kết quả xét nghiệm thấp có thể do các tình trạng:

  • Suy tim sung huyết
  • Hội chứng mệt mỏi mãn tính (CFS)
  • Hạ glucose máu, hoặc quá ít fibrinogen trong máu
  • Protein huyết tương thấp
  • Tăng bạch cầu
  • Bệnh đa hồng cầu
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm

Việc cần làm sau khi xét nghiệm tốc độ máu lắng

Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung: làm lại xét nghiệm này lần hai để xác minh kết quả đầu tiên, làm những xét nghiệm sâu hơn để xác định nguyên nhân cụ thể gây viêm, hoặc giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa để khám, chẩn đoán và điều trị đúng tình trạng bệnh.

Nếu bạn đang có bệnh lý viêm hoặc nhiễm khuẩn, các xét nghiệm sâu hơn cũng có thể giúp đo lường hiệu quả của các phương pháp điều trị những bệnh này.

Giá xét nghiệm tốc độ máu lắng tại Việt Nam

Đây là một xét nghiệm tương đối rẻ và có thể thực hiện ở nhiều bệnh viện khác nhau. Giá cho một lần xét nghiệm tốc độ máu lắng dao động từ 40.000 - 100.000 đồng, tùy từng cơ sở.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Healthline)

Xem thêm:

  • 5 cơ sở xét nghiệm máu được đánh giá cao ở Hà Nội
  • Xét nghiệm nhóm máu