Những điều cần biết về viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm gây nhiều phiền hà trong ăn uống, đau nhức khó chịu ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh, do đó người bệnh cần được tìm ra nguyên nhân chính xác để điều trị hiệu quả.

Những điều cần biết về viêm khớp thái dương hàm Những điều cần biết về viêm khớp thái dương hàm

Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm

Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng co thắt cơ và mất cân bằng ở khớp nối giữa xương hàm dưới và xương sọ, nó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống nhai.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm như: nhiễm khuẩn, sau chấn thương cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, hoặc viêm - thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm..., trong đó viêm - thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm thường gặp sau chấn thương mạn tính hoặc sau hội chứng rối loạn chức năng khớp thái dương hàm. Hội chứng này thường gặp ở nữ giới từ 20 - 40 tuổi. Nguyên nhân rất phức tạp, bao gồm các bệnh lý liên quan đến hệ thống nhai như hệ cơ, dây chằng, xương (xương hàm trên, dưới và xương thái dương), răng và khớp thái dương hàm. Trạng thái stress thường xuyên, tật nghiến răng cũng là những nguyên nhân phối hợp. Nếu hội chứng trên tồn tại dai dẳng thì hậu quả sẽ dẫn đến tình trạng viêm - thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm.

Bệnh viêm khớp thái dương hàm cũng có thể do bị trật đĩa khớp (giữa lồi cầu và ổ khớp) hoặc sau nhổ răng, đặc biệt là nhổ răng số 7, 8. Ngoài ra, nó cũng xảy ra do răng mọc lệch, mọc chen chúc làm sai khớp cắn. Theo các thống kê cho thấy, viêm khớp thái dương hàm thường là khớp sau cùng bị tổn thương do thoái hóa khớp, khớp khuỷu, khớp gối. Thường nguyên nhân này chủ yếu gặp ở người trưởng thành, đặc biệt ở người cao tuổi có nhiều khớp xương bị thoái hóa. Ngoài ra, bệnh có thể gặp ở một số trường hợp viêm khớp do sang chấn tâm thần gây co thắt cơ hàm, mặt hoặc cắn chặt răng.

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-viem-khop-thai-duong-ham-body-1

Biểu hiệu của bệnh viêm khớp thái dương hàm

Bệnh viêm khớp thái dương hàm gây ra tình trạng đau khớp có thể ở một bên, đôi khi cả hai bên mặt. Thông thường, người bệnh chỉ đau nhẹ, tự nhiên khỏi, nhưng đôi khi bệnh phát triển đến giai đoạn đau liên hồi, nhất là lúc nhai và hàm dưới khó cử động.

Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm khớp thái dương hàm là:

  • Gây ra tiếng kêu khi mở miệng hoặc nhai, há miệng khó khăn, đau tăng lên. Khi nhai đã xuất hiện tiếng kêu lục cục là bệnh đã ảnh hưởng đến khớp.
  • Đau hàm.
  • Đau nhức trong và xung quanh tai.
  • Bệnh nhân luôn cảm thấy khó nhai hoặc khó chịu trong khi nhai.
  • Đau nhức mặt.
  • Bị cứng khớp, làm cho bệnh nhân khó mở hoặc đóng miệng.
  • Nhức đầu.
  • Khi cắn khó chịu.
  • Cắn không đều

Bên cạnh đó người bệnh còn có cảm giác mỏi mặt, sưng mặt phía bên khớp thái dương hàm bị đau do cơ nhai hoạt động kéo dài liên tục làm cho phì đại cơ nhai. Một số trường hợp bệnh nhân có kèm theo triệu chứng đau tai, đau răng, đau đầu, ù tai, chóng mặt và có vấn đề thính giác.

Biến chứng đầu tiên của bệnh viêm khớp thái dương hàm là giãn khớp. Trường hợp bị giãn khớp rất dễ bị trật khớp, dính khớp. Các đầu khớp lúc này bắt đầu thoái hóa có hiện tượng dính giữa đĩa khớp với các đầu xương, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến thủng đĩa khớp. Trường hợp khi đã thủng đĩa khớp mà không biết và không điều trị thì có thể dẫn đến hiện tượng phá hủy đầu xương, làm xơ cứng khớp khiến bệnh nhân không thể há miệng được.

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-viem-khop-thai-duong-ham-body-2

Phương pháp điều trị

Để điều trị bệnh viêm khớp thái dương hàm, bác sĩ cần phải dựa vào triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Đầu tiên bệnh nhân sẽ được giảm đau khớp và đau cơ bằng các thuốc giảm đau (paracetamol, mobic, diclofenac) và kháng viêm (corticoid), thuốc giãn cơ (myonal). Ngoài ra, bệnh nhân còn được áp dụng thêm các phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp cơ, chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại. Cần ăn các loại thức ăn mềm, nhuyễn.

Nếu trường hợp đã xác định được nguyên nhân thì cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh để điều trị. Nếu phương pháp điều trị thích hợp thì sau khoảng từ 3 - 5 ngày, gần như bệnh dứt hẳn không mắc lại. Tuy vậy, nếu một số nguyên nhân phức tạp thì có những trường hợp điều trị kéo dài cả năm trời, thậm chí phải chung sống suốt đời với căn bệnh này. Do đó, tùy thuộc vào việc phát hiện bệnh sớm, người bệnh đến khám, điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh viêm khớp thái dương hàm

Để dự phòng viêm khớp thái dương hàm cần chú ý những cách sau:

  • Đối với những trường hợp răng mọc chen chúc, thưa hay lệch làm sai khớp cắn thì cần có biện pháp chỉnh hình răng để tái tạo khớp cắn tốt nhất.
  • Trong trường hợp bị mất răng, cần phải điều chỉnh phục hình răng để giữ khớp cắn ổn định.
  • Cần tránh các thói quen không tốt như: mút ngón tay (ở trẻ em), cắn móng tay, cắn môi, cắn bút... Những lúc bị căng thẳng, stress giải tỏa bằng các hình thức khác nhau như: chơi thể thao, đọc sách, bơi lội... và có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý để tránh thoái hóa khớp.
  • Tránh sử dụng các loại thức ăn quá mức ảnh hưởng đến cơ quai hàm.
  • Nên sử dụng các loại thức ăn mềm; Thực phẩm được cắt thành miếng nhỏ; Tránh thực phẩm dính hoặc dai; Tránh nhai kẹo cao su; Không mở miệng quá rộng trong khi ngáp.

Xem thêm:

  • Nguyên nhân gây đau khớp hàm khi nhai và cách điều trị
  • Mắc ung thư xương hàm vì bỏ qua dấu hiệu đau nhức răng
  • Bị đau và sưng ở bên trong má trái gần chỗ răng hàm là bệnh gì?