Những điều cần biết về sinh thiết tế bào phát hiện ung thư vú

Ung thư vú là loại ung thư đứng đầu gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ. Bệnh xuất hiện khi có sự phát triển bất thường của các tế bào ung thư trong những mô ở ngực. Để phát hiện ung thư, người bệnh cần sinh thiết u vú để phát hiện ra những tế bào bất thường.

Những điều cần biết về sinh thiết tế bào phát hiện ung thư vú Những điều cần biết về sinh thiết tế bào phát hiện ung thư vú

1. Kỹ thuật sinh thiết tế bào phát hiện ung thư vú là gì?

Sinh thiết vú là kỹ thuật lấy một số mô tế bào u vú và soi dưới kính hiển vi để kiểm tra xem có tế bào ung thư vú hay không. Sinh thiết vú thường được thực hiện theo một vài phương pháp như cắt một phần hoặc toàn bộ khối u cộng với việc lấy rộng ra xung quanh chân khối u để kiểm tra.

Thông thường, sau khi có kết quả chụp nhũ ảnh, siêu âm vú hoặc khám lâm sàng, bác sĩ nhận thấy có những bất thường ở vú thì mới quyết định xem có nên thực hiện sinh thiết hay không.

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-sinh-thiet-te-bao-phat-hien-ung-thu-vu-body-1

2. Một số phương pháp để thực hiện sinh thiết vú

Tùy vào tình trạng sức khoẻ và bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định cho siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để lựa chọn phương pháp sinh thiết phù hợp cho người bệnh. Thông qua chụp nhũ ảnh, bác sỹ sẽ xác định được vị trí chính xác cần lấy mẫu sinh thiết

Sinh thiết có thể được thực hiện bằng một số phương pháp sau:

  • Chọc hút khối u bằng kim nhỏ: Một cây kim nhỏ sẽ được chọc vào khối u để lấy ra mẫu tế bào hoặc chất dịch ở khối u để kiểm tra.
  • Sinh thiết lõi kim: Bác sĩ sẽ dùng loại kim có lõi rỗng và lấy ra một mẫu mô tế bào vú có kích thước khoảng bằng hạt gạo để kiểm tra.
  • Sinh thiết nhờ chân không: Bác sĩ sẽ dùng một đầu dò và sử dụng máy hút nhẹ để lấy ra một mẫu nhỏ của các mô vú. Cách này chỉ để lại vết sẹo nhỏ.
  • Sinh thiết qua mổ hở: Khi các phương pháp sinh thiết bằng kim không đủ cung cấp thông tin để chẩn đoán thì bác sĩ sẽ dùng phương pháp mổ hở rạch một đường nhỏ trên da và các mô vú để lấy đi một phần hoặc toàn bộ khối u.

3. Quy trình thực hiện sinh thiết vú như thế nào?

Thực hiện sinh thiết vú không cần gây mê. Các bác sĩ sẽ làm vệ sinh, sát trùng vùng bên vú cần sinh thiết và tiêm thuốc tê cho bạn. Tại đây, bác sỹ rạch một đường nhỏ trên vú, sau đó sử dụng máy siêu âm để đưa kim đến nơi cần lấy mẫu mô. Sau khi đã lấy được mẫu mô cần thiết, bác sĩ sẽ rút kim và băng ép vị trí sinh thiết để cầm máu. Vết sinh thiết này không cần khâu lại.

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-sinh-thiet-te-bao-phat-hien-ung-thu-vu-body-2

4. Sau khi thực hiện sinh thiết vú thì nên làm gì?

Kết quả có thể có ngay trong ngày làm sinh thiết hoặc đôi khi mất khoảng 2 -3 ngày, tuỳ thuộc vào lượng mô lấy ra và xét nghiệm. Nếu khối u chắc chắn lành tính, bác sĩ sẽ khuyên bạn tầm soát thường xuyên để kiểm tra rằng cục u đó không bị thay đổi.

Sau khi có kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ giải thích chi tiết tình trạng bệnh lý và sức khỏe, từ đó có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật hoặc đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Trong trường hợp không phát hiện tế bào ung thư nhưng kết quả sinh thiết chỉ ra u cục đó có thể phát triển trong tương lai thì lịch sàng lọc của bệnh nhân với ung thư vú có thể thay đổi, người bệnh cần sàng lọc thường xuyên hơn.

Đối với kết quả dương tính với tế bào ung thư, bác sĩ sẽ cần phải xác định rõ bản chất của ung thư và đưa ra hướng xử lý phù hợp để chữa trị.

Sau khi sinh thiết, các chị em phụ nữ có thể về nhà trong ngày và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên cần hoạt động thật nhẹ nhàng để tránh gây áp lực lên vị trí sinh thiết. Tình trạng thường gặp sau khi thực hiện phương pháp sinh thiết là xuất hiện vết bầm tím, đau nhức hoặc sưng nhẹ. Nếu thực hiện sinh thiết mổ hở sẽ được bác sĩ chỉ định may vị trí sinh thiết, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc vết thương sau sinh thiết.

Xem thêm:

  • 8 cách để phòng tránh căn bệnh ung thư vú
  • Khả năng chữa khỏi bệnh ung thư vú giai đoạn 2
  • Phẫu thuật cắt khối u ở ung thư vú là làm gì?