Những điều cần biết về sảy thai
Sảy thai mà một tình huống đáng tiếc mà không mẹ bầu nào mong muốn. Thông thường, hiện tượng dễ xảy ra trong giai đoạn đầu thai nghén. Bất kì ai mang thai cũng có nguy cơ phải đối mặt với việc sảy thai. Mặc dù đây là hiện tượng không báo trước và khó tránh, nhưng bạn vẫn có thể phòng trừ sảy thai với những nguyên nhân chủ quan.
Những điều cần biết về sảy thai
Cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Sảy thai là gì?
Sảy thai là thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung và chấm dứt thai kỳ trước khi thai có thể sống được một cách độc lập bên ngoài tử cung. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sảy thai là thai bị tống xuất ra khỏi buồng tử cung trước tuần thứ 22 của thai kỳ hoặc trọng lượng thai nhỏ hơn 500 gam. Sảy thai sớm là sảy thai trước 12 tuần và sảy thai muộn là từ 12-20 tuần.
Người ta phân loại hiện tượng này thành 2 dạng:
- Sảy thai tự nhiên: đột nhiên xảy ra ở người có thai bình thường.
- Sảy thai liên tiếp: sảy thai tự nhiên từ 3 lần liên tiếp trở lên. Người phụ nữ có tiền sử sảy thai liên tiếp chỉ có cơ hội đẻ con sống là 50%, nguy cơ đẻ non cao hơn 20% so với người bình thường.
Các con số cần lưu ý về sảy thai
- Sảy thai xảy ra trước khi người phụ nữ biết được mình có thai: 22-75%.
- Sảy thai khi đã nhận biết được mình có thai: khoảng 12%.
- Khoảng 80% trường hợp sảy thai xảy ra trong 3 tháng đầu.
Triệu chứng sảy thai
Nhiều phụ nữ có thể không hay biết mình sảy thai nếu việc này xảy ra trong vài tuần đầu của thai kỳ do phôi thai rất nhỏ, hầu như không thể nhìn thấy và không cảm thấy điều gì bất thường. Hiệp hội Sản Hoa Kỳ thống kê có khoảng 50-75% hiện tượng sảy thai xảy ra ngay sau khi thụ thai. Mỗi phụ nữ sẽ có một triệu chứng sảy thai khác nhau. Một số dấu hiệu báo động sảy thai thường gặp nhất là:
- Chảy máu (có thể ít hoặc nhiều) có thể có màu nâu hoặc đỏ tươi, có thể vón cục.
- Đau bụng hoặc đau nhức vùng thắt lưng, tuy nhiên hiện tượng này cũng hay gặp khi cơ thể điều chỉnh để thích nghi với sự phát triển bào thai. Nếu cảm giác đau nghiêm trọng và dai dẳng hơn bình thường, hãy nghĩ đến tình huống xấu nhất.
- Chuột rút (khá mạnh và đau hơn bình thường)
- Đột ngột mất đi các cảm giác mang thai như: hết ốm nghén, ngực không căng, đầu ngực bớt sưng đau, không buồn nôn vào buổi sáng nữa. Tuy nhiên đối với thai kì khỏe mạnh thì cảm giác mang thai vẫn tự giảm nhẹ vào tuần thứ 13. Đây cũng chính là thời gian nguy cơ sảy thai giảm.
- Chất nhầy âm đạo màu trắng hồng, có thể có mô thai đóng cục.
Sảy thai diễn ra như thế nào?
Khi sảy thai, cơ tử cung co thắt sẽ làm cho cổ tử cung mở, nhau thai trong tử cung được đẩy một phần hoặc toàn bộ qua đường âm đạo. Thông thường bắt đầu bằng việc ra máu kèm các huyết khối và mô. Thậm chí không có máu vì phôi thai vẫn chưa bám vào thành tử cung. Quá trình này có thể xảy ra nhanh trong vài giờ hoặc có thể kéo dài vài ngày, lâu hơn là 1-2 tuần
Yếu tố nguy cơ cao gây sảy thai cần chú ý
- Vợ chồng cao tuổi. Theo thống kê, người phụ nữ từ 35-45 tuổi có 20% nguy cơ sảy thai và tỉ lệ này tăng lên 50% với phụ nữ trên 45 tuổi.
- Tiền sử sảy thai trước đây.
- Tiếp xúc khói thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy.
- Thai phụ mắc đái tháo đường, béo phì.
Nguyên nhân dẫn đến sảy thai
Đa phần các trường hợp sảy thai không thể tìm ra nguyên nhân. Sảy thai thường xảy ra nhất trong những tuần đầu tiên và nguy cơ giảm xuống khi thai được 30 tuần. Các trường hợp khác có thể giải thích một phần tuy nhiên các nguyên nhân này đa phần vượt quá tầm sự kiểm soát của các cặp vợ chồng. Các nguyên nhân được nhiều người biết đến nhất là:
- Thai nhi bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Down), thiếu hoặc không có bộ phận quan trọng như não, tim...
- Trứng sau khi thụ tinh không làm tổ được trên thành tử cung.
- Bất thường nội tiết tố hoặc liên quan đến nhau thai.
- Mẹ mắc các bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, bệnh nội tiết: tuyến giáp hoặc các nhiễm trùng.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại, khói thuốc lá, rượu mạnh, cafein.
- Thai phụ cao tuổi (trên 35 tuổi)
- Va chạm mạnh (té ngã từ độ cao, tai nạn xe cộ, bạo hành)
- Tai biến khi chọc dò ối.
- Bất thường tử cung.
Hạn chế nguy cơ sảy thai
Mặc dù sảy thai hầu hết đến từ các nguyên nhân không thể ngăn ngừa, tuy nhiên việc tạo cho mình một thói quen sống tốt cũng hạn chế phần nào nguy cơ sảy thai
- Tránh rượu, cafein và nicotin.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất đầy đủ.
- Duy trì việc tăng cân hợp lí.
- Tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng mỗi ngày.
- Chế độ ăn uống khoa học.
- Giảm căng thẳng mệt mỏi, đảm bảo giấc ngủ.
- Tránh hoạt động nặng nhọc, mang vác đồ nặng
Làm gì khi bị sảy thai?
Không phải thai phụ nào sảy thai cũng phải nằm viện. Trường hợp không đau bụng, không ra máu nhiều có thể chỉ cần khám, xét nghiệm máu và siêu âm theo dõi nhằm đảm bảo rằng tất cả nhau thai trong tử cung đã được đẩy hết ra ngoài. Nếu nhau thai còn sót lại, tùy trường hợp bác sĩ có thể quyết định cho bạn về nhà chờ quá trình đào thải diễn ra tự nhiên hoặc có thể cần phải nong, nạo.
Trường hợp máu chảy nhiều, đau dữ dội và vượt khỏi tầm kiểm soát, hãy gọi xe cứu thương, bởi bạn cần can thiệp của bác sỹ ngay lập tức.
Khi tuổi thai lớn không thể nong và nạo được, cần phải nhờ các thủ thuật y tế để đưa thai ra ngoài.
Nên tránh lao động nặng, lái xe máy, xe đạp hoặc quan hệ tình dục ngay sau khi sảy thai. Nghỉ ngơi thoải mái và hãy chia sẻ với người thân yêu để bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Có thai lại sau khi sảy thai
Phần đông tâm lí của các cặp vợ chồng khi vừa sảy thai rất nôn nóng muốn có thai lại để bù đắp nỗi mất mát trong lòng. Về góc độ sinh lý, người phụ nữ hoàn toàn có thể mang thai trở lại sau khi sảy thai 4-6 tuần. Các trường hợp tình cờ bị sảy thai đa số sẽ không có nguy cơ bị tiếp, nhưng khi đã sảy thai 3 lần liên tiếp thì bạn nên chú ý nhiều hơn trước khi có thai trở lại.
Có ý kiến cho rằng phụ nữ nên tránh mang thai lại trong vòng 3 tháng sau khi sảy thai. Tuy nhiên điều này không hẳn là đúng với tất cả các trường hợp. Nếu đi khám và bác sỹ kết luận cơ thể bạn hoàn toàn khoẻ mạnh, việc mang thai vẫn có thể có khả năng diễn ra. Tuy nhiên thời gian tối thiểu nên là 6 tuần sau khi sảy thai. Bởi bác sĩ khuyên rằng phụ nữ nên quay lại bệnh viện để kiểm tra trong 6 tuần sau khi sảy thai, nhằm đảm bảo tử cung hồi phục. Lúc này, bác sỹ sẽ khuyên về thời điểm nên có thai trở lại.
Xem thêm:
- Sảy thai ư? Đừng quá đau buồn, bạn vẫn có thể có con sau này
- Mối liên hệ giữa ốm nghén và sảy thai khiến mẹ bất ngờ
- Điều trị chứng trầm cảm sau sảy thai như thế nào