Những điều cần biết về dọa vỡ tử cung, thai phụ không được bỏ qua
Dọa vỡ tử cung là triệu chứng lâm sàng sắp dẫn tới vỡ tử cung. Nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời trong giai đoạn sớm có thể phòng ngừa được nguy cơ dẫn đến vỡ tử cung. Do đó, chị em nữ giới cần nắm được những dấu hiệu dọa vỡ tử cung để phát hiện kịp thời.
Những điều cần biết về dọa vỡ tử cung, thai phụ không được bỏ qua
Dọa vỡ tử cung là gì?
Dọa vỡ tử cung là biểu hiện báo hiệu nguy cơ vỡ tử cung ở thai phụ. Đây là tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp, xảy ra trong quá trình mang thai ở những tháng cuối và chuyển dạ đẻ. Vỡ tử cung có thể phòng ngừa nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời khi có dấu hiệu dọa vỡ, từ đó tránh được nguy cơ tử vong cho mẹ và thai nhi.
Nguyên nhân dẫn đến dọa vỡ tử cung ở thai phụ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dọa hoặc vỡ tử cung ở thai phụ, nguyên nhân có thể là do người mẹ hoặc do thai nhi.
Nguyên nhân từ người mẹ:
- Khung chậu của người mẹ hẹp, méo mó sẽ làm đầu thai nhi không chui lọt để ra ngoài dẫn đến nguy cơ vỡ.
- Có khối u ở cổ tử cung, đoạn dưới cổ tử cung, ở đường sinh dục dưới, khối u này sẽ chặn đường ra của thai nhi.
- Đã đẻ nhiều lần nên tử cung mỏng, các cơn co mạnh gây nguy cơ vỡ, rách lớp cơ đoạn dưới tử cung.
- Có vết mổ cũ ở tử cung nên vết sẹo tử cung trở thành nơi yếu nhất, cơn co tử cung mạnh có thể sẽ làm toác vết mổ, gây vỡ tử cung.
Nguyên nhân từ thai nhi:
- Thai nhi quá to nên không chui lọt qua khung chậu của người mẹ.
- Thai nhi bị dị dạng có đầu to quá mức nên không qua được khung chậu.
- Thai nằm trong tử cung theo tư thế không bình thường như thai nằm ngang, thai không cúi đầu cũng không ngửa mặt, thai đưa mặt ra trước nhưng cằm lại quay về phía xương cùng của người mẹ làm cho thai không chui qua khung chậu để ra ngoài.
- Các thủ thuật, kéo thai, xoay thai, cặp và kéo trong điều kiện không thuận lợi, không đúng quy định.
Các dấu hiệu dọa vỡ tử cung biểu hiện thế nào?
Dọa vỡ tử cung thường xảy ra trong giai đoạn chuyển dạ sinh nở. Cũng có những trường hợp dọa vỡ trong những tháng cuối trước khi chuyển dạ nhưng rất ít. Nếu các mẹ bầu chú ý theo dõi, thì cũng có thể phát hiện được các dấu hiệu chứng tỏ tử cung sắp bị vỡ.
Đáy tử cung cao lên so với rốn
Khi thực hiện siêu âm chúng ta sẽ thấy rõ tử cung bị chia làm hai khối, thắt ở giữa như hình quả bầu nậm. Chỗ thắt ở giữa này được gọi là vòng Bandl, lúc tử cung gần dọa vỡ, vòng Bandl sẽ đẩy lên cao so với rốn và thấy rõ.
Các cơn co tử cung ngày càng tăng mạnh
Thông thường vào những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm nhận được các cơn co tử cung để chuẩn bị cho sự sinh nở. Thế nhưng, nếu các cơn co thắt này ngày càng mạnh và nhanh, đồng thời xuất hiện các cơn đau quằn quại thì đây là chính là dấu hiệu dọa vỡ tử cung.
Khi xuất hiện các dấu hiệu trên mà không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến vỡ. Nếu cơn co tử cung ngày một dồn dập, hiện tượng đau tăng lên dữ dội rồi tự nhiên giảm đau thì rất có thể tử cung đã bị vỡ.
Cách xử lý nhanh khi có dấu hiệu dọa vỡ tử cung
Khi đang chuyển dạ cần theo dõi thật sát sao để phát hiện sớm nguy cơ vỡ tử cung. Cần thông báo đến bác sĩ những dấu hiệu mình đang gặp phải để từ đó bác sĩ có cách xử lý kịp thời.
Nếu nguy cơ vỡ tử cung xảy ra cao thì phải chuyển mổ lấy thai và hồi sức thật nhanh. Nếu không có điều kiện mổ tại chỗ cần phải chuyển lên tuyến trên thật nhẹ nhàng và nhanh chóng hoặc mời tuyến trên về mổ lấy thai để đảm bảo an toàn tính mạng cho thai phụ và thai nhi cũng như tránh nguy cơ vỡ tử cung.
Phòng tránh dọa vỡ tử cung thế nào?
Phòng tránh dọa vỡ tử cung là yếu tố vô cùng quan trọng, bởi nếu thai phụ phòng nguy cơ vỡ tử cung tốt sẽ hạn chế tỷ lệ vỡ tử cung và tỷ lệ tử vong do vỡ tử cung ở thai phụ và thai nhi.
Đối với thai phụ:
- Để phòng tránh nguy cơ dọa hoặc vỡ tử cung, tất cả thai phụ phải thực hiện khám và theo dõi thai định kỳ.
- Phải đăng ký đẻ tại cơ sở y tế có cán bộ y tế chuyên khoa dõi đỡ đẻ hoặc các khoa sản tại bệnh viện.
- Trường hợp có nguy cơ vỡ tử cung cao như khung chậu hẹp, sẹo mổ tử cung, đẻ nhiều lần cần được thực hiện việc sinh đẻ tại các bệnh viện có chuyên khoa sản để được can thiệp kịp thời để tránh nguy cơ vỡ.
- Mọi thai phụ nên thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, không nên đẻ dày quá và không đẻ nhiều lần vì tử cung nhão cũng dễ dọa vỡ. Các trường hợp đã mổ sinh thì nên có thai lại cách nhau thời gian an toàn nhất là 5 năm.
Đối với cán bộ đỡ đẻ:
- Phải theo dõi thật kỹ lưỡng các sản phụ đang chuyển dạ để tiên lượng được các ca đẻ khó và gửi đi tuyến trên kịp thời nếu gặp ca khó.
- Cán bộ y tế phải thật cẩn thận khi sử dụng thuốc tăng co oxytoxin vì dùng trước khi thai được đưa ra ngoài có thể gây dọa vỡ hoặc vỡ tử cung.
- Không được thực hiện kéo thai, xoay thai hoặc cặp kéo foocxep nếu chưa được huấn luyện, chưa có chỉ định và không đủ điều kiện kỹ thuật để thực hiện.
Xem thêm:
- Vỡ tử cung - tai biến sản khoa đe dọa đến tính mạng cả mẹ lẫn con
- Vỡ tử cung dễ gặp ở 3 tháng cuối thai kỳ, đe dọa tính mạng mẹ và bé