Những điều cần biết về đẻ không đau tại Vinmec

Hiện nay, phương pháp đẻ không đau được nhiều bố mẹ lựa chọn. Vậy cụ thể quy trình kỹ thuật đẻ không đau là như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ những điều cần biết về đẻ không đau tại Vinmec để lý giải vì sao nhiều bố mẹ lựa chọn phương pháp này, đồng thời cũng là cơ sở để các bố mẹ hiểu rõ hơn trước khi đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp sinh nở.

Những điều cần biết về đẻ không đau tại Vinmec Những điều cần biết về đẻ không đau tại Vinmec

Khi sản phụ bước vào quá trình chuyển dạ, những cơn co tử cung với mức độ tăng dần về tần số và cường độ khiến sản phụ cảm thấy đau. Do đó, đã có nhiều phương pháp đẻ không đau để giúp sản phụ cảm thấy dễ dàng hơn khi sinh nở, trong đó, gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được áp dụng nhiều nhất.

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp gây tê theo vùng, thường được áp dụng để giúp giảm các cơn đau chuyển dạ. Thuốc tê được tiêm vào khoang ngoài màng cứng của sản phụ một cách ngắt quãng hoặc liên tục bằng kim điện tự động, với tốc độ rất nhỏ và ổn định đến khi em bé được sinh ra. Nhờ phương pháp này mà sản phụ sẽ được giảm đau, và quá trình sinh nở diễn ra nhanh và nhẹ nhàng hơn, em bé sinh ra cũng ít bị sang chấn hơn.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng có thể được áp dụng cho đối tượng nào?

Hầu hết các sản phụ đều có thể được áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên, phương pháp đẻ không đau này không được áp dụng đối với những đối tượng sau:

  • Sản phụ bị dị ứng với các loại thuốc dùng trong gây tê ngoài màng cứng.
  • Sản phụ có bất thường và đã từng bị rối loạn đông máu hoặc tiểu cầu quá thấp.
  • Sản phụ có tiền sử các bệnh lý về thần kinh hoặc tủy sống.
  • Sản phụ có các dấu hiệu bị nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng da vùng thắt lưng...
  • Sản phụ bị chảy máu nhiều, bị tụt huyết áp trước hoặc trong quá trình chuyển dạ, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ hoặc của con, do đó cần phải thực hiện cấp cứu.
vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-de-khong-dau-tai-vinmec1

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng được tiến hành như thế nào?

Để quá trình chuyển dạ diễn ra trong điều kiện lý tưởng nhất có thể và để thực hiện được phương pháp gây tê ngoài màng cứng, sản phụ cần đảm bảo có sức khỏe tốt và không có bất thường nào trong kết quả xét nghiệm máu. Khi cường độ của các cơn co tử cung trở nên mạnh hơn, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp gây tê ngoài màng cứng.

Để thực hiện kỹ thuật này, sản phụ sẽ được chỉ định nằm nghiêng về bên trái hoặc cũng có thể ngồi, đầu cúi, hai đầu gối co sát vào bụng sao cho phần lưng uốn cong để khe giữa hai đốt sống được mở rộng. Tại vị trí này, bác sĩ sẽ sát trùng và gây tê dưới da, sau đó sử dụng loại kim chuyên dụng chọc vào khe đốt sống, đồng thời luồn một ống nhựa nhỏ - gọi là catheter vào khoang ngoài màng cứng.

Thuốc gây tê và giảm đau sẽ được bơm vào khoang ngoài màng cứng thông qua ống catheter. Sau khoảng 10-15 phút, sản phụ sẽ thấy mất cảm giác đau từ bụng đến hai chân, cảm thấy hai chân nặng hoặc nhẹ bẫng. Bên cạnh đó, khi gây tê ngoài màng cứng, sản phụ cũng sẽ bị mất cảm giác buồn tiểu, do đó, một ống thông nhỏ (Sonde) được đặt để hỗ trợ việc tiểu tiện.

Bác sĩ chỉ tiến hành tất cả thủ thuật này khi sản phụ không có cơn co tử cung, đồng thời sản phụ cũng cần cố gắng không cử động trong quá trình thực hiện gây tê ngoài màng cứng.

Vì thuốc gây tê làm giãn mạch máu của người mẹ nên có thể tạm thời làm sản phụ hạ huyết áp và lượng máu đến bé bị giảm, khiến nhịp tim của bé giảm theo. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện, huyết áp của người mẹ và nhịp tim của trẻ luôn được theo dõi một cách chặt chẽ, mẹ cũng sẽ được truyền dịch để giữ huyết áp ổn định.

Sau khi em bé ra đời thì không cần gây tê ngoài màng cứng để giảm đau nữa, ống catheter cũng được rút ra và quá trình gây tê ngoài màng cứng kết thúc. Lúc này, sản phụ sẽ dần dần có lại cảm giác ở chân và bụng. Nếu muốn ngồi dậy, sản phụ cần được trợ giúp vì mất máu, tụt huyết áp, ... trong quá trình sinh nở có thể khiến mẹ bị choáng.

Gây tê ngoài màng cứng có hại không?

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng đã được chứng minh là phương pháp sinh nở an toàn cho cả mẹ và bé, các nguy cơ xảy ra là rất ít.

Tình trạng sản phụ bị khó thở là hiếm gặp, do người mẹ được thở oxy, đồng thời bão hòa oxy trong máu của mẹ luôn được theo dõi liên tục.

Có rất ít sản phụ thấy đau vùng lưng, tại vị trí gây tê ngoài màng cứng.

Một số rất ít trường hợp sản phụ sẽ thấy đau đầu sau khi sinh, lúc đó, cần báo cho nữ hộ sinh để thông báo cho bác sĩ gây mê hồi sức giảm đau có biện pháp điều trị.

vicare.vn-nhung-dieu-can-biet-ve-de-khong-dau-tai-vinmec2

Có nên gây tê ngoài màng cứng khi sinh thường?

Trong quá trình chuyển dạ, tùy vào ngưỡng chịu đau của mỗi người mà cảm giác đau sẽ khác nhau, ngưỡng chịu đau cao thì sản phụ sẽ trải qua cơn chuyển dạ một cách dễ dàng và thuận lợi. Tuy nhiên, ngưỡng chịu đau thấp thì sản phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi và có thể bị ngất, khiến cho quá trình sinh nở gặp nhiều khó khăn. Lúc này, sản phụ sẽ lựa chọn gây tê màng cứng trong sinh thường để giúp sản phụ giảm cơn đau.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng chỉ khiến sản phụ mất cảm giác từ vùng bụng đến chân, người mẹ vẫn hoàn toàn tỉnh táo và nhận biết được các cơn co tử cung xảy ra. Đặc biệt, sản phụ vẫn có thể rặn đẻ bình thường. Tuy nhiên, khi cổ tử cung đã mở được khoảng 7 - 8 cm, bác sĩ sẽ không thực hiện gây tê ngoài màng cứng cho mẹ vì cuộc chuyển dạ sẽ diễn ra rất nhanh, không kịp thời gian để thực hiện gây tê.

Vì mỗi cơ thể sản phụ đáp ứng với thuốc gây tê khác nhau nên trong một số trường hợp, sản phụ sẽ có quá trình chuyển dạ lâu hơn, ngược lại, một số khác thì gây tê ngoài màng cứng lại thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, những trường hợp thời gian chuyển dạ bị kéo dài thường rất ít, và cũng không có nguy cơ nào đáng lo ngại.

Khi cổ tử cung của sản phụ đã mở tối đa, đầu em bé cũng đã ra được phía bên ngoài, sản phụ sẽ được nữ hộ sinh hoặc bác sỹ sản khoa yêu cầu rặn thật mạnh khi có cơn co tử cung. Dù đã được gây tê ngoài màng cứng nhưng người mẹ vẫn có thể rặn được.

Ngoài ra, phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng không làm tăng nguy cơ sinh mổ của sản phụ. Và nếu người mẹ được chỉ định sinh mổ thì bác sĩ gây mê hồi sức sẽ bơm thêm thuốc gây tê và giảm đau qua ống catheter vào khoang ngoài màng cứng để đảm bảo rằng người mẹ sẽ đẻ không đau khi thực hiện mổ lấy thai.

Dù lựa chọn phương pháp nào, đẻ truyền thống hay đẻ không đau, thì tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, đội ngũ gồm các bác sỹ sản khoa, bác sỹ gây mê hồi sức giảm đau và các nữ hộ sinh luôn ở cạnh trong suốt quá trình chuyển dạ của người mẹ để đảm bảo em bé được sinh ra trong điều kiện tốt nhất có thể. Với những điều cần biết về đẻ không đau tại Vinmec, hy vọng bài viết đã phần nào giúp các bố mẹ yên tâm hơn khi lựa chọn dịch vụ đẻ không đau tại Vinmec. Và đây chắc chắn sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời đối với cả bố mẹ và bé.

Xem thêm :

  • Các chất diệt tinh trùng giúp kiểm soát sinh đẻ
  • Rong kinh rong huyết có ảnh hưởng như thế nào đến chị em độ tuổi sinh đẻ
  • Các sự lựa chọn trong việc kiểm soát sinh đẻ tự nhiên