Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng
Làm cha mẹ, ai mà không lo lắng khi con mình bị bệnh. Đặc biệt trong những ngày thời tiết, trẻ càng dễ mắc bệnh hơn do hệ miễn dịch còn non nớt, trong số các bệnh hay gặp phải kể đến bệnh tay chân miệng.
Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong thời điểm giao mùa bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng. Bài viết sau đây của Vicare sẽ cung cấp thêm những thông tin hữu ích về bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng là bệnh gì?
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ (thường là trẻ dưới 3 tuổi) và có khả năng phát triển thành dịch lớn.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn, hay giật mình.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do Vi rút Coxsakie. Bệnh có thể dễ dàng lây truyền qua đường miệng, qua việc tiếp xúc với dịch tiết từ trẻ bị bệnh khác như nước mũi, nước bọt,...
Chị Minh Nhật (HN) có gửi thắc mắc về cho Vicare:” Bé nhà tôi 2 tuổi, bị bệnh tay chân miệng mới phát hiện. Trong miệng bé nổi nhiều mụn nước, tay chân chỉ nổi chấm đỏ, mới dùng thuốc. Vậy đến khi nào bệnh mới khỏi?” Thông thường thì bệnh sẽ ủ trong thời gian 1-3 ngày, sau đó diễn biến lành tính và hồi phục sau 5-10 ngày, tuy nhiên một số tình huống bệnh diễn biến nặng khi có tổn thương viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu mắc bệnh, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được khám cụ thể và tư vấn phương pháp điều trị.
Bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, mà hướng bác sĩ tư vấn chỉ là điều trị các triệu chứng.
Tại sao lại gọi là bệnh tay chân miệng
Xuất phát từ việc bệnh có những mụn nước nhỏ ở tay, chân và miệng
Cách phòng ngừa bệnh
Bệnh tay chân miêng đến nay vẫn chưa có vắc xin hữu hiệu. Cách tốt nhất để phòng bệnh là giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé và môi trường xung quanh. Cho bé rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Lau rửa sàn nhà và đồ chơi cho bé cẩn thận bởi thói quen mút tay của trẻ nhỏ sẽ mang đến bệnh tật nếu tay bé chạm vào mầm bệnh.
Cách ly bé với những bé bị bệnh khác. Cho bé đeo khẩu trang khi đi vào vùng có dịch,...
Mỗi khi có thông tin dịch bệnh bùng phát, các bố mẹ hãy chú ý quan sát những biểu hiện bất thường ở con mình để phát hiện bệnh được kịp thời.
Các giai đoạn bệnh tay chân miệng bạn nên lưu ý
- Bệnh tay chân miệng được chia thành 4 cấp độ
1. Cấp độ 1: Trẻ có triệu chứng loét miệng, tổn thương da có thể điều trị tại nhà được bác sĩ chỉ định và tư vấn
2. Cấp độ 2: Bệnh nhân nên điều trị tại các cơ sở y tế. Bởi giai đoạn này bệnh ở giai đoạn nghiêm trọng với những triệu chứng như: Nôn, ngủ gà, lừ đừ, quấy khóc.
3. Cấp độ 3 - 4: Giai đoạn cần hồi sức cấp cứu, bệnh nhân ở hai cấp độ này đang trong tình trạng nguy kịch như: Phù phổi cấp, tím tái, ngưng thở, thở nấc.