Những điều cần biết khi tiêm chủng cho trẻ
Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là những mũi tiêm nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm như Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Bại Liệt, Sởi... Tuy nhiên trước khi ti...
Những điều cần biết khi tiêm chủng cho trẻ
Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là những mũi tiêm nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm như Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Viêm gan B, Bại Liệt, Sởi... Tuy nhiên trước khi tiêm phòng các bậc phụ huynh cần phải lưu ý những điều dưới đây.
Trước khi tiêm chủng
- Theo Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật và Y tế dự phòng thuộc Viện vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, trước khi đưa bé đến cơ sở y tế để tiêm phòng thì cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúpbác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo quá bó chặt, ủ ấm quá nhiều.
- Không cho trẻ ăn, bú quá no trước khi tiêm phòng, tuy nhiên cũng không để trẻ đói để tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng, chuẩn bị đủhồ sơ sức khỏe của bé, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.
- Nếu trẻ có bệnh gì hiện tại nên thông báo cho nhân viên y tế ngay trước khi tiêm.
- Đến thời điểm cần tiêm phòng, nếu bé đang bệnh, đặc biệt là đang sốt thì hoãn tiêm. Ngoài ra, với những trẻ đang có tình trạng dị ứng, có phản ứngở lần tiêm phòng trước, trẻ có kích động, có vấn đề về não, thần kinh, những trẻ đang có suy giảm miễn dịch mắc phải (nhiễm HIV) hay bẩm sinh, tạm thời (đang uốngthuốc ức chế miễn dịch: gamma globulin, corticoid... trong vòng 3 tháng), trẻ có truyền máu trong vòng một năm, trẻ đã tiêm vaccin trong vòng 4 tuần thì cũng hoãn tiêm.
- Trong tiêm phòng, 2 loại vắc - xin sống không nên tiêm gần quá 4 tuần (lao, sởi, thủy đậu...). Ngoài ra, không chống chỉ định tiêm các loạivaccin chung với nhau. Tuy nhiên, việc tiêm nhiều hơn 1 mũi vaccin ngoài việctăng đau đớn cho trẻ, khi có tình trạng phản ứng xảy ra, rất khó theo dõi dị ứnglà do vaccin nào. Vì vậy, tốt nhất nên tiêm 1 vaccin/mỗi lần tiêm. Khi có nhữngtrường hợp đặc biệt: nhà xa, ghép tạng... sẽ có thể chỉ định dùng từ 2 vắc - xin phù hợp trở lên.
Một số phản ứng xảy ra sau khi tiêm
Theo Bác sĩ Bùi Xuân Vĩnh (Sức khỏe và Đời sống) cho biết sau khi tiêm chủng, có thể xảy ra một số phản ứng sau đây:
1. Phản ứng tại chỗ
Phản ứng này luôn xảy ra sau khi tiêm phòng. Một số trẻ cảm thấy đau nơi tiêm, cảm giác đau đó thường kéo dài từ 1 vài giờ đến 1 ngày, có thể làm các trẻ nhỏ quấy khóc. Một số trẻ khác lại thấy nổi cục lên ở nơi tiêm. Cục này thường nhỏ bằng hạt đậu, có khi viêm tấy đỏ, và có thể tồn tại tới 2-3 tuần mới tiêu tan. Cũng có trẻ lại bị mẩn ngứa xung quanh nơi tiêm, có thể kéo dài từ 3 tới 6 ngày. Những phản ứng này có thể xảy ra trong 5-10% số các trẻ tiêm phòng và thường là tự khỏi.
2. Phản ứng toàn thân
Sốt là chứng hay gặp nhất. Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 39 độ), kèm theo tình trạng vật vã, quấy khóc, những trẻ lớn có thể kêu nhức đầu. Chứng sốt này hay thấy hơn cả trong các trường hợp tiêm phòng bệnh thương hàn, tiêm phòng bệnh ho gà. Cũng có trường hợp, sau khi tiêm phòng sau tới 5-12 ngày, trẻ mới bị sốt: thông thường chứng sốt muộân này xảy ra sau khi tiêm phòng bệnh sởi, đôi khi tiêm phòng bệnh quai bị. Tuy nhiên, tất cả các chứng sốt nói trên đều khỏi trong 1-2 ngày, và thường là tự khỏi.
3. Phản ứng ngoài da
Ban mề đay, ngứa toàn thân, đôi khi có thể xảy ra ở một số trẻ có tiền sử hay bị dị ứng, và có thể tồn tại từ 3 đến 6 ngày. Ngoài ra, tình trạng phát ban (ban đỏ, gần giống như ban sởi, nhưng nhẹ hơn) có thể xảy ra 2-10% trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubêôn. Ban này thường xuất hiện trong khoảng từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12 sau khi tiêm phòng, có thể kèm theo sốt nhẹ, và thường tự khỏi không cần dùng thuốc. Chỉ có một số trường hợp ban mề đay, nếu gây khó chịu nhiều cho trẻ.
4. Tai biến thần kinh
Đây mới là các tai biến đáng quan tâm hơn cả. Một số ít trẻ sau khi tiêm phòng bệnh ho gà, có thể bị co giật (làm kinh) đôi khi kèm theo sốt cao. Các cơn co giật này có thể xảy ra trong khoảng từ 30 phút đến 3 ngày sau khi tiêm phòng. Phần lớn các trẻ này, qua điều tra, đã thấy có tiền sử có những cơn làm kinh từ trước khi tiêm phòng ho gà. Tỷ lệ các trẻ làm kinh là khoảng 0,6%, nghĩa là trong 1.000 trẻ em tiêm phòng ho gà, thì có khoảng 6 trẻ có thể lên cơn co giật (hầu hết đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đó). Đại đa số trường hợp nói trên đều qua khỏi; chúng tôi chưa gặp 1 trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng trong số các trẻ nói trên. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng việc tiêm phòng ho gà cho những trẻ đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đây, và cũng có thể miễn cho các trẻ này. Nếu xét thấy không thật sự cần thiết. Ở một số quốc gia, tình trạng này được coi là 1 "chống chỉ định" cho việc tiêm phòng ho gà.
Đặc biệt, một số ít trường hợp bệnh não có thể xảy ra, cũng ở những trẻ tiêm phòng ho gà mà đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đó. Những trẻ này thường nhỏ tuổi (dưới 6 tháng), sau khi tiêm có thể bị hôn mê, co giật, nôn ói... và có thể để lại di chứng sau này. Tuy nhiên số trẻ bị bệnh não này rất hiếm, theo 1 công trình nghiên cứu quốc tế thì chỉ chiếm 1 phần triệu số trẻ tiêm phòng nói trên. Đối với những trẻ này, dĩ nhiên nên cho miễn việc chích ngừa ho gà.
5. Hội chứng rên la kéo dài
Một số trẻ, thường ở lứa tuổi 3-6 tháng sau tiêm phòng khoảng 6-10 giờ, bổng phát ra những tiếng rên, có khi la hét to lên. Sự rên la này có thể xảy ra ở khoảng dưới 3% số trẻ tiêm phòng. Những tình trạng này có thể tự khỏi, nhưng nhiều khi thầy thuốc buộc phải dùng thuốc an thần để làm yên trẻ, và để gia đình an tâm. Tác giả đã có trường hợp phải dùng thuốc ngủ (Gerdenal) cho 1 trẻ la hét quá dữ. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp nói trên chỉ do ảnh hưởng của thuốc tới thần kinh của trẻ nên đều qua khỏi không gây biến chứng gì.
6. Viêm hạch
Ở một số trẻ nhỏ, sau khi tiêm thuốc phòng lao (BCG) có thể thấy nổi hạch ở nách, bên phía mới tiêm phòng: trẻ đã có hiện tượng "viêm hạch nách do tiêm phòng lao". Viêm hạch này có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng khoảng 3 đến 5 tuần, và có 2 loại: viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ.
Viêm hạch đơn thuần, là hạch nổi sưng to lên thường to bằng hạt đậu phộng (hột lạc), sờ vào hơi cứng, nhưng không có mủ ở trong, và thường sưng kéo dài khoảng 1 tháng rồi tự khỏi. Theo 1 thống kê quốc tế, thì tình trạng viêm hạch đơn thuần này có thể xảy ra ở khoảng 6-12% số trẻ tiêm phòng lao, và thường không gây khó chịu gì cho trẻ.
Loại viêm hạch hóa mủ gây phiền phức hơn: hạch sưng tấy lên, to dần, có khi bằng 1 quả chanh, ấn vào thấy lũng nhũng vì mủ ở trong. Hạch này có thể tự vỡ, mủ chảy ra, rồi sau khi được rửa sạch hàng ngày, sẽ khỏi dần. Tuy nhiên, cũng có 1 số trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật: mổ ra, nạo mủ, rồi băng lại. Dĩ nhiên, cũng phải rửa sạch hàng ngày. Loại viêm hạch hóa mủ này có thể xảy ra ở khoảng 0,1 đến 4,3% trẻ tiêm phòng lao, theo 1 thống kê quốc tế. Thông thường, ở những trẻ có viêm hạch như kể trên, tình trạng toàn thân vẫn tốt, trẻ không sốt, và vẫn có thể tăng cân đều đặn như mọi trẻ bình thường khác.
Những điều cần biết sau khi tiêm
Theo khuyến cáo sau khi tiêm bố mẹ nên để trẻ ngồi lại từ 15 đến 30 phút, để theo dõi xem trẻ có dị ứng với thuốc không. Khi về nhà, cũng nên theo dõi xem trẻ có bị sốt hay không, biểu hiện bên ngoài da, cử chỉ, quấy khóc, bú mẹ có bình thường, đi ngoài thế nào... Cha mẹ nên chườm mát cho trẻ nơi tiêm (không chườm nóng), cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng mát. Nếu trẻ sốt nhẹ thì có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt, thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Nếu sốt trên 38 độ thì dùng thuốc hạ sốt (đã có chỉ định của bác sĩ), hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.