Những bệnh viêm nhiễm phụ khoa chị em thường mắc phải nhất

Khỏe trong - đẹp ngoài là niềm mơ ước của tất cả chị em phụ nữ. Vì thế, chị em cần trang bị những kiến thức cơ bản về các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa để có cách điều trị kịp thời, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Cùng Vicare điểm tên những bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gặp nhất trong bài viết dưới đây.

Những bệnh viêm nhiễm phụ khoa chị em thường mắc phải nhất Những bệnh viêm nhiễm phụ khoa chị em thường mắc phải nhất

Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa phổ biến nhất

Bệnh viêm âm đạo

Là bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa phổ biến nhất (có tới 90% chị em phụ nữ trên thế giới từng bị viêm âm đạo tại một thời điểm nào đó trong đời). Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị nhiễm vi khuẩn gây viêm, ngứa, rát. Nguyên nhân gây viêm nhiễm âm đạo có thể do vi khuẩn, nấm, vi khuẩn, vi trùng có trong nước hoặc môi trường. Những vi khuẩn này khi xâm nhập vào âm đạo sẽ lây lan nhanh và rộng do gặp môi trường lý tưởng (ẩm ướt).

Khi bị viêm âm đạo, chị em thường có biểu hiện điển hình như: Ngứa; khí hư ra nhiều/đặc - có màu vàng hoặc mùi hôi; âm hộ nóng rát. Người bị nặng có thể ảnh hưởng tới đường tiết niệu gây tiểu rắt, tiểu buốt do vi khuẩn đi sâu qua âm đạo, tấn công vào bên trong.

Ai cũng có thể mắc bệnh này nhưng đối tượng nguy cơ cao là những người đã quan hệ tình dục hoặc đang trong độ tuổi sinh con. Ngoài ra, những người vệ sinh vùng kín không đúng cách (vệ sinh quá sạch, quá sâu làm mất độ cân bằng pH trong âm đạo giúp vi khuẩn dễ xâm nhập hoặc vệ sinh chưa kĩ,...) đều khiến bệnh có thể phát sinh dễ dàng.

Triệu chứng viêm âm đạo rất điển hình và dễ nhận biết. Do đó ngay khi có hiện tượng, chị em cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, sử dụng dung dịch phụ khoa có độ pH phù hợp với môi trường pH ở âm đạo (pH sinh lý ở âm đạo dao động từ 4-6). Ngoài ra nếu bệnh tiến triển nặng cần đi khám và dùng các loại thuốc uống/đặt để tránh bệnh lây lan vào các khu vực bên trong.

>> Xem thêm: Bệnh Viêm âm đạo

Viêm cổ tử cung

Là tình trạng cổ tử cung bị viêm nhiễm do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,... Biểu hiện của bệnh là khí hư ra nhiều, không trong (dạng dịch nhầy), có màu vàng/xanh và có mùi hôi/tanh. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm cổ tử cung bao gồm:

  • Nạo phá thai nhiều lần/nạo phá thai không an toàn
  • Quan hệ tình dục không lành mạnh (nhiều bạn tình, quan hệ thô bạo,...)
  • Vệ sinh không đúng cách (thụt rửa quá sâu, dùng dung dịch không phù hợp,...)

Viêm cổ tử cung cần được điều trị sớm để tránh vi khuẩn/nấm lây lan sâu vào buồng tử cung/buồng trứng gây viêm nhiễm toàn bộ hệ thống sinh sản. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến nghiêm trọng có thể gây tắc vòi trứng, thậm chí kéo dài có thể gây vô sinh.

>> Xem thêm: Viêm cổ tử cung dạng nhẹ và cách điều trị

Viêm lộ tuyến tử cung

Theo BSCK1 Bùi Thị Thu Hà (Khoa Chăm sóc trước sinh – Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh), lộ tuyến cổ tử cung là tổn thương lành tính ở cổ tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Thuật ngữ này chỉ hiện tượng các tế bào trong ống cổ tử cung phát triển lan ra bên ngoài và thường do các nguyên nhân sau gây nên:

  • Sinh đẻ nhiều lần
  • Quan hệ tình dục nhiều/mạnh
  • Viêm nhiễm âm đạo/cổ tử cung
  • Độ pH sinh lý ở âm đạo xáo trộn thất thường (do sử dụng dung dịch vệ sinh, do ăn uống, ...)

Viêm lộ tuyến cổ tử cung ảnh hưởng tới khả năng mang thai/sinh con do làm thay đổi môi trường âm đạo, cổ tử cung – những yếu tố tác động trực tiếp tới khả năng thụ thai. Những chất dịch do viêm có thể chứa các vi khuẩn không thuận lợi cho hoạt động của trứng/tinh trùng. Thậm chí bệnh có thể gây tắc vòi trứng do khu vực viêm lộ tuyến tử cung là địa điểm lý tưởng cho các loại vi trùng roi âm đạo, nấm, ... khu trú và phát triển.

>> Xem thêm: Mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung, cần phải làm gì đầu tiên?

vicare.vn-nhung-benh-viem-nhiem-phu-khoa-chi-em-thuong-mac-phai-nhat-body-1

U xơ tử cung

U xơ tử cung là hiện tượng các cơ trong tử cung vón lại thành các khối u. Đa phần các khối u này lành tính, một số ít có thể tiến triển thành ung thư trong điều kiện đặc biệt. Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tử cung co giãn nhiều khiến các búi cơ thay đổi độ đàn hồi/ co giãn, xuất hiện các “sẹo”, khối u. U xơ tử cung hoàn toàn có thể chữa khỏi, hầu như không để lại di chứng nào nghiêm trọng.

>> Xem thêm: U xơ tử cung là gì? bị u xơ tử cung có nguy hiểm không? điều trị như thế nào?

Viêm ống dẫn trứng/vòi trứng/buồng trứng

Đây đều là các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa nguy hiểm và phổ biến hàng đầu hiện nay. Nếu vòi trứng/ống dẫn trứng bị tổn thương do tác động của vi khuẩn, nấm, vi trùng, ... có thể gây tình trạng ứ dịch, cản trở thụ thai, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống sinh sản. Bệnh nếu kéo dài không được điều trị triệt để có thể gây tắc vòi trứng/ống dẫn trứng/suy buồng trứng dẫn tới vô sinh/hiếm muộn.

Các đối tượng nguy cơ cao bao gồm: Nạo phá thai nhiều và nạo phá thai không an toàn; Vệ sinh sai cách; ...

>> Xem thêm: Viêm vòi trứng có nguy hiểm không?

Các phòng tránh bệnh viêm nhiễm phụ khoa hiệu quả

Vệ sinh vùng kín đúng cách

Vùng kín là khu vực đặc biệt nhạy cảm trên cơ thể người phụ nữ. Việc vệ sinh vùng kín quá sạch hay không sạch đều là nguyên nhân gây bệnh phụ khoa. Nếu vệ sinh quá sạch (rửa nhiều, thụt sâu) sẽ dễ làm vùng kín bị tổn thương. Ngược lại – nếu vệ sinh không đủ sạch sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nấm, vi khuẩn khu trú.

Ngoài ra, việc sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp là rất quan trọng. Độ pH sinh lý của âm đạo dao động từ 4-6, nếu sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH chênh lệch nhiều với mức này sẽ làm mất cân bằng pH cho âm đạo, gây khô/ẩm ướt quá mức – đều không tốt cho sức khỏe vùng kín.

Quan hệ tình dục lành mạnh

Quan hệ tình dục mạnh/thô bạo và có nhiều bạn tình là một trong những nguyên nhân gây bệnh phụ khoa. Các thói quen xấu này khiến vùng kín dễ tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm sinh sôi phát triển. Ngoài ra, bạn tình nhiều làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh lây qua đường tình dục. Cần vệ sinh vùng kín sau khi quan hệ để đảm bảo an toàn.

vicare.vn-nhung-benh-viem-nhiem-phu-khoa-chi-em-thuong-mac-phai-nhat-body-2

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Ngồi nhiều là một trong những nguyên nhân gây bệnh phụ khoa – đặc biệt với các chị em làm việc trong môi trường công sở. Ngồi nhiều khiến vùng kín bí bách, khí huyết khó lưu thông, lượng máu không đến được nhiều do không vận động – tạo môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn khu trú, gây bệnh.

Cần tìm cách vận động nhẹ nhàng/phù hợp (tăng cường đi bộ, đứng dậy vận động sau khoảng 30-45 phút ngồi làm,...) sẽ giúp cải thiện đáng kể “môi trường lành mạnh” cho vùng kín, giảm các bệnh phụ khoa.

Thăm khám định kì

Phụ nữ trong độ tuổi sinh con trước khi kết hôn/ sinh con rất nên khám phụ khoa để xác định các vấn đề của sức khỏe sinh sản, trong đó có các bệnh lý viêm nhiễm vùng kín/vòi trứng/ống dẫn trứng... Điều này giúp chị em có những chuẩn bị tốt nhất cho hành trình làm mẹ, đảm bảo sức khỏe của mẹ lẫn em bé.

Với chị em đang trong độ tuổi sinh sản, đã sinh con – vùng kín là khu vực dễ bị tấn công do những tổn thương cũ xuất hiện trong quá trình mang thai, sinh sản trong quá khứ (90% chị em phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có viêm nhiễm vùng kín – theo thống kê của Bộ Y tế). Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo chị em nên tìm hiểu và hình thành thói quen khám phụ khoa định kì – tối thiểu 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe.

Xem thêm:

Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai có nguy hiểm không?

Dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa sau khi phá thai