Những ai nên tiêm vắc xin phòng cúm?

Phần lớn các trường hợp bệnh cúm đều ở thể nhẹ và có thể tự hồi phục sau 5 - 7 ngày, tuy nhiên bệnh vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh do tình trạng sốt, mệt mỏi... kéo dài. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cúm mùa hay các hậu quả nghiêm trọng của bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin cúm. Vậy những đối tượng nào nên tiêm phòng vắc xin cúm?

Những ai nên tiêm vắc xin phòng cúm? Những ai nên tiêm vắc xin phòng cúm?

Hàng năm trên thế giới có khoảng 5- 10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm vi rút cúm mùa. Phần lớn các trường hợp bệnh cúm đều ở thể nhẹ và có thể tự hồi phục sau 5 - 7 ngày, tuy nhiên bệnh vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh do tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi và mệt mỏi kéo dài. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cúm mùa hay các hậu quả nghiêm trọng của bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin cúm. Vậy những đối tượng nào nên tiêm phòng vắc xin cúm?

Tính an toàn và hiệu quả của vắc xin cúm

Các vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, việc tiêm phòng vắc xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúm và giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70- 80%. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin cúm phụ thuộc vào tuổi tiêm và đáp ứng miễn dịch của người được tiêm vắc xin, sự giống nhau giữa thành phần vi rút của vắc xin, các vi rút hiện đang lưu hành. Ngoài ra tiêm vắc xin phòng cúm còn làm giảm chi phí cho chăm sóc y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bị bệnh.

Một số tác dụng phụ khi tiêm vắc xin cúm

vicare.vn-nhung-ai-nen-tiem-vac-xin-phong-cum-body-1

Vắc xin cúm rất ít tác dụng phụ. Trong một số trường hợp có thể gặp như:

  • Vắc xin cúm có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, đau khớp, tiêu chảy, sốt, chán ăn, chóng mặt. Trẻ em có thể quấy khóc đau, sưng, đỏ, cứng, ngứa chỗ tiêm.
  • Ít gặp các triệu chứng như sưng hạch cổ, nách, bẹn, mày đay, triệu chứng giống cúm.
  • Rất hiếm gặp các triệu chứng như dị cảm, giảm cảm nhận xúc giác, cảm giác tê hay đau yếu cánh tay, đau dọc đường đi của dây thần kinh.
  • Một số tác dụng không mong muốn khác không rõ tần suất và chưa chứng minh được liên quan đến việc tiêm vắc xin như co giật, viêm não tủy, viêm thần kinh, hội chứng Guillain- Barre, giảm tiểu cầu...

Những ai nên tiêm phòng vắc xin cúm?

Những người nên tiêm vắc xin cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ xuất hiện biến chứng của bệnh cúm như:

  • Tất cả trẻ em từ 6 tháng- 5 tuổi, người trên 65 tuổi.
  • Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên mắc bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa, bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
  • Phụ nữ có thai.
  • Những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao như nhân viên y tế, người sống chung với người có nguy cơ bị biến chứng do cúm, người đi du lịch giữa các nước và các vùng trong một nước.
  • Những người sống trong các nhà dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn.

Những đối tượng sau không nên tiêm phòng cúm

Trẻ em dưới 06 tháng tuổi.

Người có tiền sử dị ứng với tiêm phòng cúm trước đó, người có dị ứngvới protein trứng hoặc với các thành phần khác của vắc xin.

Người từng bị hội chứng Guillian-Barre trong 06 tuần sau khi tiêm cúm.

Nên hoãn tiêm cúm khi đang bị sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính. Có thể chờ cho đến khi tình trạng tốt hơn mới nên đi tiêm phòng cúm.

Thời điểm tiêm phòng vắc xin cúm

vicare.vn-nhung-ai-nen-tiem-vac-xin-phong-cum-body-2

Vì chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm vào khoảng tháng 9 và tháng 10 hàng năm.

Tuy nhiên, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm, thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Đối với trẻ em nên tiêm 2 mũi khi tiêm lần đầu (mũi thứ 2 cách mũi 1 ít nhất 4 tuần). Người lớn và trẻ đã từng chủng ngừa cúm thì mỗi năm tiêm 1 mũi.

Một số biện pháp phòng bệnh cúm các bạn nên biết

Ngoài tiêm vắc xin phòng cúm thì các bạn cũng cần áp dụng các biện pháp sau đây để phòng bệnh cúm một cách hiệu quả nhất:

Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

Khi ho hoặc hắt hơi các bạn cần che miệng, giữ khoảng cách an toàn, tránh tiếp xúc với người nhiễm khuẩn hô hấp cấp, mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người có nguy cơ cao mắc cúm.

Tăng cường tập thể dục,thể thao, rèn luyện sức khỏe, ăn uống điều độ, nhiều rau xanh và trái cây giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Đặc biệt tránh tiếp xúc gia cầm bị bệnh ốm chết hoặc đi vào vùng có dịch, tuyệt đối không ăn các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín. Khi có dấu hiệu bị cúm phải đi khám kịp thời và cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.

Như vậy qua bài viết trên các bạn đã biết được những đối tượng nào nên và không nên tiêm phòng cúm. Vắc xin cúm có hiệu quả cao trong việc phòng bệnh cúm, tuy nhiên không phải tất cả mọi người tiêm phòng cúm thì sẽ không bị cúm mà các bạn cần được tiêm nhắc lại đúng thời gian quy định. Ngoài ra các bạn nên có chế độ ăn uống sinh hoạt tập luyện hợp lý để phòng bệnh một cách tốt nhất.

Xem thêm:

  • Những điều cần biết về tiêm vắc xin cúm cho trẻ
  • Thông tin cần thiết cho tiêm vacxin cúm mùa
  • Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng vắc xin cúm?