Những ai dễ bị bệnh xương khớp?
Bệnh về xương khớp không chỉ xảy ra ở người già, khi cơ thể đang trong quá trình lão hóa. Vậy, những ai dễ bị bệnh xương khớp, liệu đó có thể là bạn!
Những ai dễ bị bệnh xương khớp?
Rất nhiều người cho rằng các bệnh về xương khớp thường chỉ xảy ra ở người già, khi cơ thể đang trong quá trình lão hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, bất cứ độ tuổi nào cũng có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp. Thông qua bài viết dưới đây, quý bạn đọc của HoiBenh sẽ nhận ra những ai dễ bị bệnh xương khớp? Và liệu rằng chính bạn cũng đang thuộc nhóm dễ mắc phải các bệnh về xương khớp không?
1. Người béo phì
Người béo phì ngoài những nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, rối loạn chuyển hóa thì bệnh xương khớp cũng là một trong những nguy cơ có thể mắc. Khi cơ thể thừa cân, dẫn đến lười vận động, nhiều năng lượng thừa, mất cân bằng cơ thể. Ngoài ra, do hệ xương phải chống đỡ trọng lượng lớn của cơ thể một thời gian dài, xương dễ dàng bị thoái hóa, dễ nứt gãy khi bị tác động, nhất là các khớp háng, gối và cổ chân. Mật độ xương ở người béo cao hơn so với người bình thường, khi không được phơi nắng giàu vitamin D, thì chất lượng xương sẽ giảm. Hơn nữa, người béo phì thường ăn nhiều chất đạm, chất béo gây tăng acid uric dẫn đến bệnh gút, triệu chứng là viêm khớp cấp tính, đau nhức, tái phát nhiều lần. Một số bệnh phổ biến về xương khớp ở người béo phì đó là thoái hóa khớp, gút, biến dạng khớp...
2. Người có công việc ngồi nhiều, ít vận động
Các công việc văn phòng khiến bạn phải ngồi tới cả ngày trời, không được vận động thường xuyên, khiến xương bị yếu, giòn và dễ gãy hơn. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng đau mỏi, nhức vai, lưng và hầu hết đều bị xem nhẹ. Dẫn đến khi tình trạng nghiêm trọng hơn đồng nghĩa việc điều trị càng trở nên khó khăn. Cùng với lý do đó, những người làm việc suốt tại văn phòng, nơi kín ánh nắng mặt trời khiến thiếu hụt vitamin D làm giảm mật độ xương. Các bệnh thường gặp ở người công sở, có công việc ngồi nhiều đó là đau thắt lưng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau gáy, thoái hóa khớp,...
3. Gia đình có tiền sử bệnh xương khớp
Trong gia đình nếu có các thành viên mắc bệnh xương khớp như viêm khớp dạng thấp, bệnh loãng xương, đau xương, ...thì các thành viên còn lại cũng có nguy cơ mắc phải cao. Đây là các bệnh có tính di truyền. Vì vậy, nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh xương khớp, bạn nên đi kiểm tra thường xuyên nếu có dấu hiệu đau, nhức xương không do chấn thương hoặc nguyên nhân nào khác.
4. Người cao tuổi
Viêm khớp hay những bệnh về xương là chuyện khó tránh khỏi, khi quá trình lão hóa cơ thể bắt đầu tăng mạnh, chức năng vận động suy giảm, xương trở nên yếu và dễ gãy hơn. Chính vì vậy, cần cẩn trọng khi người cao tuổi muốn tập luyện thể dục thể thao hay di chuyển nhiều, không mang vác vật nặng hay làm việc nhọc. Thời tiết thay đổi thất thường cũng là một yếu tố khiến triệu chứng đau nhức xương nặng hơn và trở nên mạn tính. Cần đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ để điều trị kịp thời các bệnh về xương khớp. Sẽ rất khó khăn nếu chức năng vận động cơ thể không hoạt động bình thường.
Các bệnh về xương khớp có thể phòng ngừa và tránh khỏi nếu bạn có chế độ luyện tập thể dục đều đặn ít nhất trên 30 phút mỗi ngày, thói quen sống lành mạnh, tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu canxi, tránh lười vận động hoặc ngồi quá lâu. Chúc bạn khỏe!