Nhớ những điều này để hết bí tiểu sau sinh
Bí tiểu sau sinh là tình trạng hay gặp ở các sản phụ, kể cả sinh thường và sinh mổ. tần suất mắc phải từ 1.7 – 17 %. Cần hiểu rõ tình trạng bệnh bí tiểu sau sinh để có biện pháp phòng tránh cũng như điều trị tích cực, giúp cho sản phụ giải phóng được những cảm giác khó chịu.
Nhớ những điều này để hết bí tiểu sau sinh
Bí tiểu sau sinh là gì?
Thông thường sau sinh được khoảng từ 6 - 8 tiếng, tất cả sản phụ đều đã đi tiểu ít nhất là một lần. Nếu sau khi sinh đã 6 giờ, nước tiểu vẫn còn lưu lại trong bàng quang với thể tích lớn hơn 150 ml mà sản phụ vẫn chưa đi tiểu thì gọi là chứng bí tiểu sau sinh.
Bí tiểu sau sinh không chỉ gây đau chướng bụng dưới mà còn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu, ảnh hưởng đến sự phục hồi tử cung sau khi sinh hoặc dẫn đến mất máu nhiều sau khi sinh. Bí tiểu sau sinh tuy không gây nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu về vận động và cảm giác cho người mẹ.
Bà bầu nào dễ mắc phải bí tiểu sau sinh?
- Quá trình chuyển dạ kéo dài
- Mổ lấy thai khi sản phụ chưa bắt đầu vào chuyển dạ
- Hỗ trợ sinh bằng kiềm hoặc giác hút
- Gây tê ngoài màng cứng trong đẻ không đau
- Chấn thương âm, hộ tầng sinh môn.
- Căng bàng quang quá mức trong suốt quá trình chuyển dạ
- Sinh con to.
Nguyên nhân bí tiểu sau sinh
- Sau khi mất sức quá nhiều để vượt cạn, lớp cơ mất khả năng co bóp hoặc giảm khả năng cảm nhận của bàng quang, tê liệt thần kinh dẫn đến mất phản xạ, đi tiểu khó khăn dẫn đến bí tiểu.
- Tầng sinh môn của sản phụ bị rách lúc sinh, vết rách đau hoặc khi đi tiểu vết thương bị kích thích làm cho càng đau hơn, dẫn đến hạn chế phản xạ co bóp lớp cơ đường tiểu dẫn đến bí tiểu.
- Do quá trình sinh nở của sản phụ kéo dài, thai nhi chèn ép lên bàng quang quá lâu gây ra phù nề bàng quang và đường tiểu.
- Sản phụ mắc chứng thiếu máu hoặc trong và sau khi sinh bị mất máu quá nhiều hoặc bị những biến chứng nghiêm trọng.
- Sản phụ bị nhiễm trùng hệ tiết niệu trước hoặc sau khi sinh làm cho ống dẫn tiểu phù nề, xung huyết cũng là nguyên nhân dẫn đến bí tiểu sau sinh.
Biểu hiện bí tiểu sau sinh
- Cảm giác căng tức và khó chịu vùng bụng dưới. Cảm giác mắc tiểu nhưng không tiểu được.
- Khó khăn trong việc đi tiểu: tiểu ngắt quãng, chậm tiểu khi bắt đầu, tiểu không hết. Rỉ nước tiểu do bàng quang quá căng.
- Khám bụng vùng dưới rốn ngoài khối cầu tử cung co hồi tốt còn có một khối cầu khác đó là cầu bàng quang, nhấn vào cảm giác căng tức.
Nguyên tắc xử trí bí tiểu sau sinh
- Tập đi tiểu để tạo lại phản xạ đi tiểu.
- Dùng kháng sinh chống nhiễm trùng
- Dùng thuốc kháng viêm giúp hỗ trợ chống phù nề, ngăn chèn ép vào cổ bàng quang.
- Hỗ trợ tăng trương lực bàng quang, phục hồi khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường.
Tập đi tiểu để tạo phản xạ
- Dùng vòi sen nước ấm xịt vào vùng bụng dưới và cửa mình để kích thích cảm giác buồn tiểu.
- Hơ cô bé trên một chậu nước ấm.
- Sản phụ có thể lấy một chậu nước ấm sau đó ngồi xổm, ngâm toàn bộ vòng 3 trong khoảng 10 phút.
- Đặt sonde tiểu, tháo kẹp mỗi 4 giờ/lần, khi tháo nước tiểu, người mẹ tự rặn tiểu qua sonde, kết hợp chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Thời gian đặt sonde tiểu kéo dài 3 - 4 ngày.
- Ngoài ra, một số biện pháp theo kinh nghiệm dân gian cũng có thể mang lại hiệu quả tốt. Dùng củ hành tươi giã nát, chia thành 2 phần, bọc lại, sau nóng, luân phiên đắp lên rốn (ngay huyệt thần khuyết), có tác dụng chữa khó tiểu.
Hỗ trợ bàng quang giúp phản xạ tiểu trở lại bình thường
- Nên đi tiểu thường xuyên mỗi 2 - 3 giờ để ngăn ngừa bàng quang quá đầy.
- Nếu bạn cảm thấy bàng quang chưa trống, đưa khung xương chậu ra sau và hướng thân người ra trước trên bồn cầu và rặn tiểu lại.
- Ấn nhẹ trên xương mu của bạn, vùng trên bàng quang.
- Đi tiểu trong một vòi nước ấm hoặc khi đang tắm.
- Cho nước chảy trên nền nhà giúp kích thích phản xạ tiểu của bạn.
Dùng thuốc hỗ trợ điều trị bí tiểu sau sinh
- Yêu cầu nữ hộ sinh hoặc bác sĩ cho dùng thuốc giảm đau nếu đau là nguyên nhân khiến bạn tiểu khó.
- Dùng thuốc kháng sinh phổ rộng như Cephalexin, Zinnat, Augmentin... bằng đường uống, liên tục trung bình trong 7 ngày.
- Thuốc chống phù nề như alphachymotrypsin.
- Thuốc dùng hỗ trợ tăng cường trương lực và co bóp bàng quang: dùng trong 4 - 5 ngày.
- Ngoài ra, kết hợp các vitamin B1, Vitamin B6, vitamin B12 nhằm tăng cường sức khỏe.
Cách dự phòng bí tiểu sau sinh
Trong quá trình chuyển dạ
- Khuyến khích người mẹ tự tiểu trong suốt quá trình chuyển dạ (nữ hộ sinh nên ghi nhận vào hồ sơ về thời gian tiểu và lượng nước tiểu ước tính).
- Nếu sản phụ không tự tiểu được, bác sĩ hoặc điều dưỡng cần đặt sonde tiểu mỗi 4 giờ, ghi nhận lượng nước tiểu.
Ngay sau sinh
- Khuyến khích sản phụ sau sinh vận động sớm, tự đi tiểu, không nên lo sợ đau đớn đối với vết may tầng sinh môn.
- Tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên.
- Uống nhiều nước vào ban ngày (khoảng hai lít), không nên đính tiểu.
- Vệ sinh vùng âm hộ sạch sẽ bằng nước sạch hoặc nước rửa vệ sinh phụ khoa. Luôn luôn giữ khô vùng âm hộ, tránh nhiễm trùng vết may tầng sinh môn.
- Sản phụ sau khi sinh được 8 tiếng, nếu đã cố gắng đi tiểu nhưng không tiểu được cần báo cho bác sĩ để được kiểm tra và có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Nên đi tiểu thường xuyên mỗi 2 - 3 giờ để ngăn ngừa bàng quang quá đầy.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp phục hồi sức khỏe sau sinh cũng như cung cấp sữa mẹ cho con bú được đầy đủ.
- Thư giãn tinh thần thoải mái.
- Đối với phụ nữ gây tê giảm đau ngoài màng cứng nên lưu sonde tiểu sau khi ngừng thuốc hoặc đặt sonde cho đến khi sản phụ di chuyển được. Ghi lại thời điểm rút sonde tiểu và lần đi tiểu đầu tiên sau sinh.
- Nếu sản phụ có rách tầng sinh môn phức tạp hoặc sang chấn đường sinh dục đáng kể, nên lưu sonde tiểu từ 12 - 24 giờ.
- Sau mổ lấy thai nên lưu sonde tiểu tối thiểu 12 giờ, ghi lại thời điểm rút sonde tiểu và lần đi tiểu đầu tiên sau sinh.
Tư thế ngồi tiểu
- Ngồi nghiêng về phía trước với đôi chân đặt trên mặt bằng phẳng.
- Hai chân xa nhau với khuỷu tay đặt trên đùi.
- Hãy để cho phần bụng phình ra và thư giãn
- Giữ tâm lí thoải mái khi đi vệ sinh, thư giãn hơi thở
- Không vội vàng.
Xem thêm:
- Sẹo mổ sau sinh hình thành như thế nào?
- Quan hệ sau sinh bị đau: Bạn đã biết nguyên nhân chưa?
- Kiêng cữ sau sinh như thế nào mới đúng khoa học?