Nhịp tim bao nhiêu là bình thường?

Nhịp tim là một trong những chỉ dấu quan trọng phản ánh sức khỏe của chúng ta. Nó đo lường số lần mà tim co bóp hoặc đập trong mỗi phút và có thể phản ánh/cảnh báo tình trạng sức khỏe của cơ thể. Vậy nhịp tim bao nhiêu là bình thường?

Nhịp tim bao nhiêu là bình thường? Nhịp tim bao nhiêu là bình thường?

Nhịp tim là một trong những chỉ dấu quan trọng phản ánh sức khỏe của chúng ta. Nó đo lường số lần mà tim co bóp hoặc đập trong mỗi phút.

Tốc độ của nhịp tim thay đổi tùy theo tuổi, hoạt động thể chất và nhiều yếu tố khác. Nhìn vào nhịp tim, người ta có thể xác định được các vấn đề về sức khỏe và từ đó đánh giá được tình trạng huyết áp của bạn. Cùng Vicare.vn tìm hiểu các thông tin về nhịp tim để có cách theo dõi/bảo vệ sức khỏe phù hợp.

1. Nhịp tim bình thường ở người trưởng thành

Nhịp tim bình thường được tính lúc tim đang nghỉ ngơi, thư giãn. Ở người trưởng thành, nhịp tim dao động từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút (1-2 lần đập/giây).

Nhịp tim thấp đối với một người trưởng thành có thể cho thấy tim hoạt động hiệu quả hơn và chức năng tim cũng khỏe mạnh hơn. Ví dụ, một vận động viên chuyên nghiệp có thể có nhịp tim lúc nghỉ ngơi bình thường gần 40 nhịp mỗi phút.

vicare.vn-nhip-tim-bao-nhieu-la-binh-thuong-body-1
Bảng đo nhịp tim bình thường dựa trên số tuổi

Trẻ từ 10 tuổi trở lên sẽ tính nhịp tim của người trưởng thành (tim đập/co bóp từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút). Vận động viên trưởng thành thường là mốc lý tưởng về hiệu quả tim, thở và cơ bắp, có thể có nhịp tim nghỉ ngơi thấp tới 40 nhịp mỗi phút.

2. Cách đo nhịp tim của bạn

Để đo nhịp tim, chỉ cần kiểm tra mạch của bạn. Bạn cần dùng 2 ngón tay phải (bao gồm ngón tay trỏ và ngón tay giữa) đặt vào cổ tay trái, vị trí mặt trong cổ tay và 1/3 phía ngoài và đếm số nhịp đập trong 15 giây rồi nhân kết quả với 4 để tính nhịp tim đập trong một phút. Bạn cũng có thể tiến hành đo nhịp tim ở những vị trí khác như là cổ (dưới hàm) bằng cách đặt ngón tay trỏ và giữa lên cổ ở phía bên của khí quản hoặc có thể đo ở bẹn hoặc ngực.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại máy đo nhịp tim tại nhà/đeo tay đang được bán trên thị trường và làm theo hướng dẫn để biết được tim mình đang đập/co bóp như thế nào.

Thời điểm đo thích hợp nhất là khi bạn vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, nằm yên trên giường và không vận động.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim

  • Tuổi tác: Nhịp tim của bạn sẽ chậm hơn khi bạn già đi
  • Cấp độ hoạt động và thể dục: Trạng thái vận động càng mạnh, càng nhanh thì nhịp tim càng cao.
  • Hút thuốc: Những người hút thuốc có nhịp tim cao hơn so với những người không hút thuốc.
  • Có bệnh tim mạch, cholesterol cao hoặc tiểu đường: Đây là các bệnh mà bệnh nhân đều có nhịp tim cao hơn so với mức nhịp tim trung bình.
  • Nhiệt độ môi trường: Khi nhiệt độ (độ ẩm) tăng cao, tim bơm máu kém hơn nên số lần tim đập trở nên tăng lên (tăng 5 – 10 nhịp/ phút so với bình thường.
  • Vị trí cơ thể: Nghỉ ngơi, ngồi hoặc đứng, nhịp tim thường là như nhau. Một số người bệnh bị hạ huyết áp tư thế đứng, nhịp tim sẽ tăng lên khi họ đứng dậy đột ngột (khoảng 15 – 20 giây đầu tiên) và trở lại bình thường sau vài phút.
  • Cảm xúc: Khi bạn tức giận hay vui mừng nhịp tim đều có thể tăng lên nhanh chóng và giảm xuống khi bạn bình tĩnh trở lại.
  • Thể trạng: Nhịp tim sẽ cao hơn ở những người bị béo phì (nhưng không quá 100 nhịp/phút).
  • Thuốc men: Các thuốc ức chế adrenaline (chất làm tăng nhịp tim) như thuốc chẹn beta làm chậm nhịp tim trong khi thuốc trị bệnh cường giáp (basedow) làm tăng nhịp tim.
vicare.vn-nhip-tim-bao-nhieu-la-binh-thuong-body-2

4. Nhịp tim tối đa

Để đạt được thể lực tốt hơn, một người nên để nhịp tim mục tiêu ở mức 50 đến 85% nhịp tim tối đa của họ.

Nhịp tim tối đa của nam giới = 220 - số tuổi của người đó: Ví dụ, một người nam 30 tuổi thì nhịp tim tối đa anh ta có thể chịu được là = 220 - 30 = 190 nhịp/ phút.

Nhịp tim tối đa của nữ giới = 226 - số tuổi của người đó: Ví dụ như trên, người nữ 30 tuổi thì nhịp tim tối đa cô ta có thể chịu được là = 226 - 30 = 196 nhịp / phút .

Giả sử nhịp tim tối đa của bạn là 190 nhịp/ phút, khi bạn khởi động trước khi chơi thể thao, nếu thấy nhịp tim trong khoảng 120-130 nhịp/phút thì bạn đang khởi động ở mức phù hợp, nếu nhịp tim cao hơn, các bạn đang khởi động quá sức, như vậy chơi thể thao sẽ mau xuống sức hơn. Trong ví dụ này, tập luyện chính ở cường độ nhịp tim khoảng 160 nhịp/phút sẽ cho thời gian vận động bền bỉ và hiệu quả nhất.

5. Nhịp tim bất thường

Nhịp tim được coi là bất thường nếu nhịp tim nghỉ ngơi đập trên 100 nhịp một phút (nhịp tim nhanh) hoặc nếu bạn không phải là vận động viên chuyên nghiệp và nhịp tim nghỉ ngơi của bạn dưới 60 nhịp mỗi phút (nhịp tim chậm). Đặc biệt nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác, chẳng hạn như ngất xỉu, chóng mặt hoặc khó thở - hãy tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ hoặc đi khám để kiểm tra. Mặc dù nhịp tim có một phạm vi rộng nhưng nhịp tim cao hoặc thấp bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề về sức khỏe.

vicare.vn-nhip-tim-bao-nhieu-la-binh-thuong-body-3
Nhịp tim bất thường có thể là dầu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe

6. Duy trì nhịp tim bình thường

Nhịp tim được duy trì ở mức bình thường là điều kiện quan trọng để bảo vệ trái tim và sức khỏe của bạn. Những việc bạn nên làm là tập thể dục vừa sức và đều đặn, giảm căng thẳng, có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, tránh hút thuốc lá, kiểm soát cân nặng hợp lý, thường xuyên khám định kì để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe tim mạch.

Như vậy, đối với từng người sẽ có nhịp tim khác nhau ở từng thời điểm và có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim. Chúng ta nên theo dõi chỉ số này thường xuyên để có thể nắm bắt tốt nhất tình hình sức khỏe của bản thân - nhất là đối với người cao tuổi. Theo dõi nhịp tim, bạn có thể rèn luyện cho mình một trái tim khỏe mạnh cũng như phòng chống được các căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là bệnh về tim mạch.

Xem thêm:

Khám tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Người bị bệnh rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?

Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?

Khó thở, nhịp tim nhanh có phải bị suy tim không?