Nhận diện sốt do viêm amidan
Viêm amidan là bệnh thường gặp trong tai mũi họng của trẻ em, tuy nhiên người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh nhưng với tỉ lệ ít hơn. Viêm amidan thường tái đi tái lại nhiều lần, dễ gây biến chứng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng làm việc và học tập của người bệnh.
Nhận diện sốt do viêm amidan
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Vũ Văn Soát - Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Viêm amidan là bệnh thường gặp trong tai mũi họng của trẻ em, tuy nhiên người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh nhưng với tỉ lệ ít hơn. Viêm amidan thường tái đi tái lại nhiều lần, dễ gây biến chứng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng làm việc và học tập của người bệnh.
1. Viêm amidan có mấy loại?
Amidan là một trong những cơ quan thuộc hệ miễn dịch của cơ thể, đây là một cấu trúc giống với thịt nhưng thực tế là các hạch bạch huyết nằm ở 2 bên ở phía sau họng và có tác dụng ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn. Amidan hoạt động mạnh từ độ tuổi 4 – 10 tuổi, sau đó khi đến độ tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan sẽ giảm dần.
Nguồn gốc của bệnh viêm amidan thường là do sự nhiễm khuẩn hay nhiễm virus quá tải sự ngăn chặn của amidan sẽ làm cho amidan bị sưng và viêm. Nếu amidan bị viêm tái phát nhiều lần, khả năng chống chọi với vi khuẩn bị yếu sẽ là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng khác. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em trên 5 tuổi, thường do vi khuẩn gây ra, viêm amidan có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị đúng.
Có 2 dạng viêm amidan thường gặp:
- Viêm amidan cấp tính
- Viêm amidan mạn tính: đợt bệnh kéo dài hơn viêm cấp.
2. Triệu chứng của bệnh viêm amidan
Viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ em vào mùa lạnh. Tuy nhiên, triệu chứng của viêm amidan rất dễ trùng với những bệnh hô hấp thông thường như: triệu chứng của bệnh viêm họng, viêm mũi họng nên dễ gây nhầm lẫn.
2.1 Viêm amidan cấp tính
- Trẻ sốt đột ngột nhiệt độ từ 38 đến 39 độ C, đặc biệt sốt kèm với dấu hiệu rét run người. Khi sốt trên 39.5 độ C thì cần đến bệnh viện ngay.
- Biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, ăn uống kém, chán ăn hoặc bỏ bú.
- Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu, táo bón.
- Khô, rát, nóng ở trong họng, sau đó là đau họng, có thể đau nhói lên đến tai, đau tăng lên khi nuốt và ho.
- Có thể kèm theo viêm mũi, chảy mũi, thở khò khè, ngủ ngáy, nói chuyện giọng mũi. Nếu viêm amidan lan xuống thanh quản, khí quản sẽ gây ho có đờm.
- Soi đèn nhìn thấy Amidan sưng đỏ, đôi khi bề mặt amidan có mủ là những chấm trắng, lâu dần biến thành một lớp mủ trắng phủ trên bề mặt amidan, hơi thở có mùi.
2.2 Viêm amidan mạn tính
- Sốt nhẹ hoặc viêm amidan không sốt, không rét run, không ớn lạnh nhưng rất thường hay sốt vặt, sốt về chiều (cần phân biệt với bệnh lao cũng gây sốt về chiều).
- Tổng trạng gầy yếu, da xanh, sờ vào da thấy lạnh, Cảm giác nuốt vướng ở cổ họng.
- Ho khan từng cơn, kéo dài và thường ho nhiều vào buổi sáng khi mới ngủ dậy
- Rát họng thường xuyên khiến giọng nói thay đổi
- Hơi thở hôi - triệu chứng của viêm amidan mạn tính điển hình, dù có vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày thì hơi thở vẫn có mùi hôi khó chịu.
- Trẻ em thở khò khè, ngủ ngáy to, có thể gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.
3. Trẻ bị viêm amidan thường sốt mấy ngày?
Tùy vào từng loại viêm amidan cũng như giai đoạn bệnh của mỗi người mà viêm amidan sẽ có các triệu chứng khác nhau. Có trẻ bị sốt cao, có trẻ chỉ sốt nhẹ nhưng bên cạnh đó cũng có những trẻ viêm amidan không sốt.
Để có thể khẳng định chính xác bệnh viêm amidan sốt mấy ngày sẽ khỏi là rất khó. Một con số ước lượng thống kê của các bác sĩ thì trung bình bệnh viêm amidan sẽ gây sốt từ 1- 4 ngày. Khoảng 70% bệnh nhân sẽ hết sốt trong khoảng 3 - 4 ngày điều trị đúng và kịp thời.
Ngược lại, nếu không điều trị hoặc điều trị sai cách thì bệnh sẽ rất dễ tái phát, sốt kéo dài hoặc hết sốt rồi lại tái sốt trở lại... dần dần dẫn đến tình trạng viêm amidan mãn tính. Thời gian bị bệnh đợt cấp thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.
XEM THÊM:
- Viêm amidan cấp thường gặp ở tuổi nào?
- Vị trí và vai trò của amidan - Vì sao trẻ hay bị viêm amidan?
- Viêm amidan mạn tính thường gặp ở tuổi nào? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị