Nhận diện 6 “thủ phạm” khiến trẻ sơ sinh bị rụng tóc

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc là hiện tượng khá phổ biến, hầu hết các trường hợp rụng tóc này thường không nghiêm trọng, không cần thiết phải điều trị. Những bậc làm cha mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề rụng tóc này ở trẻ sơ sinh, mọi người nên tìm hiểu nguyên nhân để phòng ngừa hiện tượng này trong từng trường hợp cụ thể.

Nhận diện 6 “thủ phạm” khiến trẻ sơ sinh bị rụng tóc Nhận diện 6 “thủ phạm” khiến trẻ sơ sinh bị rụng tóc

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc là hiện tượng khá phổ biến, hầu hết các trường hợp rụng tóc này thường không nghiêm trọng, không cần thiết phải điều trị. Những bậc làm cha mẹ không cần quá lo lắng về vấn đề rụng tóc này ở trẻ sơ sinh, mọi người nên tìm hiểu nguyên nhân để phòng ngừa hiện tượng này trong từng trường hợp cụ thể.

6 nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị rụng tóc

  • Rụng tóc sinh lý ở trẻ sơ sinh: trong vài tháng đầu đời, tóc của nhiều trẻ sơ sinh rụng đi để thay thế bằng tóc vĩnh viễn.
  • Do chà xát hoặc ma sát: em bé có thể bị mất một mảng tóc ở phía sau đầu, điều này thường xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 3- 6 tháng tuổi. Đó là kết quả của ma sát trong quá trình bé xoay đầu thường xuyên vào bề mặt cứng, ví dụ như: nệm cũi, chiếu, giường hoặc ghế cho trẻ sơ sinh. Tóc bé sẽ mọc trở lại sau khi bé bắt đầu ngồi được.
  • Do tóc bị tác động lực mạnh: nếu tóc bị giữ, buộc quá chặt, lâu dần tóc sẽ bị gãy. Các đồ dùng gây rụng tóc có thể là băng đô, chun buộc tóc, khăn trùm đầu quá chặt. Tóc của trẻ sơ sinh cũng bị rụng có thể do chải tóc quá mạnh hoặc chải ngược chiều tóc mọc, các dụng cụ làm tóc quá nóng cũng có thể gây hư tổn cho tóc.
  • Do xoắn hoặc nhổ tóc: đây là một căn bệnh về tâm thần, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, được gọi là hội chứng nghiện giật tóc (trichotillomania). Việc xoắn, bứt tóc thường xuyên sẽ làm gãy những sợi tóc dài ngắn khác nhau, tóc bị mất tạo thành các khoảng nham nhở, lâu dần tạo ra các vệt hói. Trong một số trường hợp hiếm gặp, em bé có thể nhổ cả lông mày hoặc lông mi. Hiện tượng này có thể xảy ra cùng với thói xấu cắn móng tay, cắn môi, mút tay, và thói tự cấu mình. Ở trẻ lớn hơn, có thể xảy ra cùng với bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
  • Bị căng thẳng (stress): các nang tóc rất nhạy cảm với căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc, tóc bắt đầu rụng khoảng 3-4 tháng sau khi em bé trải qua những căng thẳng nghiêm trọng, ví dụ như: sốt cao, bị bệnh nặng hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do những khủng hoảng về cảm xúc, hoặc thay đổi chế độ ăn. Ở những người mẹ quá trẻ mang thai và căng thẳng, điều này có thể được truyền sang bé sơ sinh. Sau khi tóc ngừng rụng, tóc mới sẽ từ từ mọc lại. Có thể mất 6- 8 tháng để tóc mọc trở lại, toàn bộ chu kỳ mọc tóc kéo dài khoảng 12 tháng.
  • Bệnh nhiễm khuẩn da đầu: đây là nguyên nhân chính gây ra những mảng tóc rụng loang lổ, trong trường hợp này bé cần được khám và điều trị dứt điểm. Bác sĩ sẽ kê toa loại thuốc để điều trị bệnh nhiễm khuẩn da đầu.
vicare.vn-nhan-dien-6-thu-pham-khien-tre-so-sinh-bi-rung-toc-body-1

Nhận diện các kiểu rụng tóc ở trẻ sơ sinh

Trường hợp rụng tóc bình thường ở trẻ sơ sinh

  • Mỗi trẻ sơ sinh được sinh ra với số lượng tóc khác nhau, đây được gọi là tóc máu. Tóc này sẽ rụng trong vòng 6 tháng đầu đời, đỉnh điểm rụng tóc lúc bé khoảng 3 tháng tuổi. Tóc máu sau đó được thay thế bằng tóc vĩnh viễn.
  • Tóc bình thường sẽ mọc trong khoảng bé từ 6- 12 tháng. Giai đoạn rụng và mọc tóc này ở trẻ sơ sinh là hoàn toàn bình thường.
  • Trong hầu hết trường hợp, rụng tóc ở trẻ sơ sinh không phải do sử dụng dầu gội, vì dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh là loại không chứa chất tẩy rửa mạnh, không gây kích ứng da đầu.

Cần cho bé đi khám bác sĩ nếu: Tóc bé không mọc lại khi đã 12 tháng tuổi, hoặc bạn có thắc mắc, lo lắng về vấn đề này.

Trường hợp trẻ sơ sinh bị rụng tóc sau gáy

  • Trẻ sơ sinh từ 3- 6 tháng tuổi thường bị rụng những mảng tóc phía sau đầu.
  • Trường hợp rụng tóc này thường là do ma sát do bé ngọ nguậy đầu khi cử động. Tóc bé sẽ mọc trở lại khi bé bắt đầu tự ngồi được. Điều này có thể mất 6 đến 12 tháng.
  • Trong trường hợp bé phải nằm liệt giường ví dụ, bé bại não nặng, hiện tượng này cũng có thể xảy ra.
  • Điều trị rụng tóc trong trường hợp này: Sau 1 tháng tuổi, hãy cho bé nằm sấp nhiều hơn. Tuy nhiên cần thận trọng, có sự giám sát của người lớn để tránh nguy cơ trẻ sơ sinh bị nghẹt thở. Nằm sấp cũng giúp phía sau đầu bé tròn hơn, không bị bẹt và giúp xây dựng sức mạnh trong cơ vai.
  • Ngoài ra còn có trường hợp bé rụng tóc sau gáy do thiếu chất, gọi là rụng tóc hình vành khăn. Trong trường hợp này, bé bị thiếu vitamin D là chủ yếu, ngoài ra có thể thiếu vitamin C, sắt, canxi. Biểu hiện khác ngoài rụng tóc có thể là bé hay quấy khóc, khó ngủ, chậm vận động. Khi được bổ sung đầy đủ các chất bị thiếu, bé sẽ mọc tóc trở lại.

Trường hợp trẻ sơ sinh bị rụng tóc do bị buộc chặt

  • Triệu chứng: Những sợi tóc gãy ra ở chân tóc hoặc giữa sợi tóc, hiện tượng này thường giống nhau ở hai bên đầu.
  • Nguyên nhân: Nếu tóc bị co kéo quá mạnh, cuối cùng nó sẽ bị gãy rụng ra khỏi da đầu. Ví dụ: thường thấy nhiều sợi tóc rụng ra cùng với bím tóc, dây buộc tóc, ghim cài, băng đô cài tóc, .... Tóc cũng có thể bị rụng vì chải tóc quá mạnh hoặc chải ngược chiều tóc mọc.
  • Điều trị tóc gãy rụng: thay đổi kiểu buộc tóc cho bé để tránh tóc bị co kéo mạnh, khi tránh các kiểu tóc buộc chặt, tóc sẽ trở lại bình thường sau một thời gian.

Trường hợp trẻ sơ sinh bị rụng tóc do nổi mụn trên tóc và trên da đầu

  • Nguyên nhân: Hầu hết các mụn nhọt là do nang lông bị tắc nghẽn, do sử dụng đồ dùng cho da đầu bé không phù hợp, do bị nhiễm khuẩn.
  • Điều trị: Ngừng sử dụng các loại thuốc mỡ hoặc dầu trên tóc, các sản phẩm nghi ngờ gây kích ứng da đầu. Dừng tạo kiểu tóc (làm đầu, buộc tóc chặt) vì điều này sẽ làm hỏng các nang lông tóc, khiến nó dễ bị nhiễm trùng. Rửa sạch thuốc mỡ hoặc dầu ra khỏi da đầu bằng xà phòng và nước. Thoa kem kháng sinh lên những nốt mụn nhọt, không sử dụng thuốc mỡ. Hầu hết các mụn nhọt sẽ hết sau khoảng 3 ngày.
vicare.vn-nhan-dien-6-thu-pham-khien-tre-so-sinh-bi-rung-toc-body-2

Trường hợp trẻ sơ sinh bị rụng tóc do căng thẳng

  • Triệu chứng: Rất nhiều tóc bị rụng ra, nhìn thấy được trên lược chải đầu, gối hoặc chăn đệm chỗ bé nằm. Tóc bị rụng từ tất cả các vị trí trên da đầu. Điều này làm tóc mỏng, lưa thưa, nhưng không có những vị trí hói hẳn.
  • Nguyên nhân: do trẻ sơ sinh bị căng thẳng nghiêm trọng, các nang tóc rất nhạy cảm với căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc, ví dụ như bé bị sốt cao một thời gian, bị bệnh nặng, do thiếu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do khủng hoảng cảm xúc, thay đổi chế độ ăn (chuyển từ bú mẹ sang bú bình, bắt đầu tập ăn dặm,...).
  • Thời gian rụng tóc: Bắt đầu rụng khoảng 3-4 tháng sau khi bị căng thẳng nghiêm trọng, và tiếp tục rụng nhiều hơn trong 3, 4 tháng tiếp theo nếu không giải quyết được nguyên nhân gây căng thẳng. Tuy nhiên sau khi ngừng rụng, tóc sẽ từ từ mọc lại. Không có cách để đẩy nhanh quá trình mọc tóc vì tóc sinh trưởng cần phải trải qua một quá trình.
  • Lời khuyên cho việc chăm sóc tóc trong trường hợp này: nâng niu mái tóc của bé. Gội đầu không quá một lần mỗi ngày với sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh. Chải tóc nhẹ nhàng khi cần để tránh tóc rối quấn vào nhau. Tránh tạo kiểu cho tóc. Không sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa, keo tạo hình, thuốc nhuộm, ... cho tóc bé vì giai đoạn này tóc rất yếu, dễ gãy rụng.

Hầu hết những trường hợp trẻ sơ sinh bị rụng tóc không có gì nghiêm trọng. Thông thường tóc sẽ không rụng hết sạch toàn bộ da đầu, và sau khoảng 6-8 tháng tóc sẽ mọc mới. Nếu được chăm sóc tốt, tóc mới mọc nhiều sẽ không còn dấu hiệu của rụng tóc. Nếu sau khoảng 12 tháng không thấy tóc mọc lại, bạn nên cho bé đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Seattlechildrens)

Xem thêm:

  • Trẻ sơ sinh có bị rụng tóc không?
  • Mẹ cần lưu ý gì khi trẻ sơ sinh rụng tóc sau gáy