Nhận biết viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh luôn là “cơn ác mộng” với tất cả các bà mẹ. Trẻ nhỏ từ 0-3 tháng tuổi khả năng miễn dịch còn rất thấp, hệ hô hấp còn non yếu nên nếu đã bị viêm phổi thì sau này sẽ rất dễ tái phát.
Nhận biết viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Cho đến nay mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác phòng bệnh và điều trị, viêm phổi vẫn là bệnh thường gặp ở trẻ em và viêm phổi được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt tỉ lệ này xảy ra nhiều với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi).
Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh mắc viêm phổi
Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi là do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn (các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm) hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ trong lúc trẻ chuẩn bị chào đời. Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ.
Thai nhi trong tử cung bị thiếu dưỡng khí cũng là một nguyên nhân gây ra viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Do đó, trong quá trình mang thai, người mẹ phải đi kiểm tra định kỳ, nhất là giai đoạn cuối, để phát hiện tình trạng này và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Một số trường hợp do phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn dẫn đến trào ngược thực quản dạ dày khiến sữa bị hít nhầm vào phổi, gây ra các triệu chứng trẻ bị thở gấp, nhiều khi trẻ còn hụt hơi, mắt có dấu hiệu tím tái, khi lượng sữa trẻ hít vào càng nhiều thì triệu chứng ở trẻ xuất hiện càng nặng, gây ra viêm phổi.
Dấu hiệu của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Theo kinh nghiệm thực tiễn, một trẻ sơ sinh khi bị viêm phổi có biểu hiện ban đầu là trẻ thường rất quấy, bởi khi đó trẻ cảm thấy khó chịu, dẫn đến trẻ quấy khóc hoặc khó ngủ.
Triệu chứng của bệnh ban đầu thường nghèo nàn, và không rõ ràng. Khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã nặng: Trẻ sốt trên 37,5 độ hoặc hạ thân nhiệt, li bì, thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút hoặc khó thở, đáp ứng kém với kích thích, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, chướng bụng, rút lõm lồng ngực, tím tái...
Cha mẹ có thể dễ dàng quan sát nhịp thở của trẻ bằng cách vén áo để quan sát sự di động của lồng ngực hoặc bụng. Cha mẹ phải quan sát lúc trẻ đã nằm yên hoặc ngủ, lúc trẻ đang quấy khóc không nên quan sát. Nếu trẻ có thở nhanh, sẽ thấy sự di động đó nhanh hơn những ngày trẻ bình thường.
Tóm lại, các dấu hiệu giúp sớm nhận biết viêm phổi ở trẻ sơ sinh rất mơ hồ, không giống nhau ở các trường hợp, vậy nên khi bạn gặp bất kỳ một dấu hiệu khác lạ nào ở trẻ, bạn cần đưa trẻ sớm đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị phù hợp.
Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ như thế nào?
Đầu tiên, cha mẹ cần bảo đảm giữ ấm cho trẻ, bằng cách sắp xếp nhiệt độ trong nhà, kiểm soát độ dày của quần áo, không để cho trẻ cảm thấy nóng và lạnh, điều này là vô cùng quan trong để giúp con phòng tránh bệnh tật.
Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng cho trẻ. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc để không lây nhiễm vi khuẩn cho trẻ. Cốc, thìa, chăn, áo, tã... của trẻ phải sạch, khô, vô trùng.
Nếu trẻ có triệu chứng ho, chỉ nên cho uống các loại thuốc ho được bào chế từ dược liệu đơn giản, phù hợp để làm thông thoáng đường thở (luôn hỏi bác sĩ trước khi cho trẻ uống). Không nên tự mua thuốc giảm ho cho bé vì phản xạ ho sẽ không thể thực hiện, trẻ không tống được chất đờm trong phế quản ra ngoài sẽ dễ bị bệnh nặng hơn.
Với trẻ quá bé, không tự hỉ mũi được, mẹ nên làm thông thoáng mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối loãng và hút, rửa mũi thường xuyên bằng dụng cụ phù hợp. Tránh để nước mũi không thoát được, chảy xuống họng sẽ càng gây ho, đờm.
Không chỉ riêng mùa đông mà ngay cả mùa hè, thu trẻ cũng rất dễ mắc viêm phổi bởi cha mẹ cho trẻ nằm điều hòa hoặc quạt không đúng cách. Trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm phổi nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ cần tự trang bị những kiến thức nhất định về bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh để chủ động phòng ngừa.