Nguyên nhân, triệu chứng bệnh tim mạch và cách điều trị
Tại Việt Nam, cứ 4 người thì có từ 1 đến 2 người có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Bệnh thường hình thành và phát triển âm ỉ rồi xuất hiện bất ngờ khiến bệnh nhân có thể không kịp thời kiểm soát, dễ dẫn đến tử vong. Hiểu về bệnh tim mạch và cách điều trị hiệu quả giúp người bệnh “chung sống” mạnh khỏe với căn bệnh này.
Nguyên nhân, triệu chứng bệnh tim mạch và cách điều trị
Nguyên nhân và các triệu chứng thường gặp của bệnh tim mạch
Nguyên nhân
Bệnh tim mạch là căn bệnh gây ra bởi các tổn thương ở trái tim, bao gồm các loại bệnh về mạch máu, nhịp tim, khuyết tật bẩm sinh. Bệnh tim mạch được coi là “sát thủ ẩn giật”, có thể xảy đến bất cứ khi nào, thậm chí gây tử vong rất nhanh chóng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tim mạch. Đa phần đều xuất phát từ thói quen sinh hoạt không lành mạnh: hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều muối, chất béo, giàu cholesterol, lười vận động, thừa cân, béo phì, căng thẳng. Ngoài ra, những người mắc huyết áp biến động, đái tháo đường, tuổi cao... đều có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tim mạch cũng có thể đến từ yếu tố di truyền. Trong gia đình bạn có người mắc bệnh tim mạch thì các thành viên khác cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Triệu chứng
Người mắc bệnh tim mạch sẽ bao gồm một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:
- Khó thở: Khó thở xuất hiện từ từ sau đó gia tăng dần lên khi người bệnh gắng sức làm một việc gì đó hoặc khi nằm xuống.
- Đau thắt ngực, cảm giác ngực như có cái gì đó bị đè nặng. Đây được coi là dấu hiệu cực kỳ điển hình của các bệnh tim mạch nói chung. Ngoài ra, triệu chứng này cũng xuất hiện ở các bệnh hô hấp hay thần kinh.
- Cơ thể tích nước: Biểu hiện mặt, bàn chân căng phù theo kiểu phù tím, phù mềm. Biểu hiện phù thường xuất hiện ở gan bàn chân trước tiên sau đó kèm theo gan to và tĩnh mạch cổ nổi.
- Mệt mỏi: Mắc bệnh tim mạch, người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức ngay cả khi thực hiện những công việc thường ngày, không quá nặng nhọc. Đây chính là hậu quả của việc thiếu máu đến tim, não và phổi.
- Ho dai dẳng, khò khè: Những bệnh nhân bị suy tim sung huyết thường gặp phải tình trạng này. Bởi vì, tim bơm máu không đủ để cung cấp cho cơ thể, khiến máu bị ứ lại hay còn gọi là ứ dịch. Khi dịch bị ứ trong phổi sẽ gây ho dai dẳng, khò khè, ho có thể kèm theo đờm trắng, chất nhầy đặc.
- Chán ăn, buồn nôn: Do dịch tích tụ ở gan ruột sẽ khiến người bệnh có cảm giác chán ăn, ăn ít, có cảm giác no thường xuyên và buồn nôn.
- Đi tiểu đêm nhiều lần là một dấu hiệu quan trọng để nhận biết suy tim.
- Nhịp tim bất thường: Với những người bị suy tim, tim thường đập nhanh hơn, cảm giác như đang chạy bộ, làm việc nặng. Tim đập nhanh hơn để bù đắp cho khả năng bơm máu đã bị suy giảm của tim.
- Lo lắng, căng thẳng, lòng bàn tay đổ nhiều mồ hôi cũng là dấu hiệu của bệnh tim mạch mà bạn nên lưu tâm.
- Chóng mặt, ngất xỉu thường gặp khi người bệnh bị rối loạn nhịp tim, máu đến não bị gián đoạn.
Cách điều trị bệnh tim mạch hiệu quả
Các bệnh tim mạch thường gặp
Bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành là tình trạng các mảng xơ vữa, cholesterol tích tụ trong động mạch vành và gây hẹp, tắc động mạch vành - hệ thống mạch máu có chức năng nuôi dưỡng tim. Từ đó dẫn đến lượng máu đi đến tim bị suy giảm. Mảng xơ vữa, cholesterol tích tụ nhiều hơn và lớn dần khiến tim bị suy yếu. Bệnh nhân bị bệnh động mạch vành thường có cảm giác đau thắt ngực, đau nặng ngực khi làm việc nặng hoặc hồi hộp và có thể kèm theo cao huyết áp, đau đầu, chóng mặt, khó thở.
Tai biến mạch máu não - Đột quỵ
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ thường xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần não bị đột ngột dừng lại gây thiếu oxy, dinh dưỡng mô não, chết tế bào, khiến bệnh nhân gặp các di chứng nặng nề thậm chí là tử vong. Những người cao huyết áp và bị xơ vữa động mạch có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn những người khác.
Động mạch ngoại biên
Bệnh động mạch ngoại biên được biết đến với tình trạng các chất béo, canxi, mô sợi, cholesterol và các chất khác tích tụ, tạo thành các mảng bám. Những mảng này xuất hiện trong các động mạch đưa máu đến não, các cơ quan, các chi gây xơ vữa động mạch. Theo thời gian, các mảng bám này cứng lại, làm hẹp các động mạch, hạn chế dòng chảy của máu giàu oxy đến các cơ quan và các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh thường ảnh hưởng đến các động mạch ở chân hoặc các động mạch mang máu từ tim đến não, tay, thận, dạ dày.
Tim bẩm sinh
Trẻ bị tim bẩm sinh thường có các biểu hiện tím tái, khó thở, suy dinh dưỡng nặng và viêm phổi. Bên cạnh đó, một số trẻ bị tim bẩm sinh hầu như không có dấu hiệu nhận biết nào cho đến khi đi khám thì mới nhận ra.
Phình động mạch chủ bóc tách
Phình động mạch chủ bóc tách là một loại bệnh tim mạch thường xảy ra khi động mạch chủ cung cấp máu cho cơ thể bị yếu và phình ra ở một vị trí nào đó và dẫn đến bị rách. Vết rách này làm máu chảy nhiều và nhanh, khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng. Bệnh có nguy cơ tử vong rất cao, ở giai đoạn đầu tỷ lệ tử vong đã lên tới 95%.
Bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim là tình trạng cơ tim bị suy yếu, không có khả năng bơm đủ máu để cung cấp cho cơ thể. Khi mới mắc bệnh, bệnh nhân không có triệu chứng nào điển hình. Khi đến giai đoạn tiến triển nặng, bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: khó thở, ho, mệt mỏi, đau ngực, sưng chân, huyết áp cao, chóng mặt,..
Cách điều trị bệnh tim mạch
Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bệnh tim mạch dựa trên các yếu tố: tiền sử gia đình, các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh (hút thuốc, tiểu đường, béo phì, căng thẳng, huyết áp cao), làm các xét nghiệm máu, thể chất, chụp X-quang, điện tâm đồ, siêu âm tim, CT scan tim, đặt ống tim...
Dựa trên kết quả khám và tình hình sức khỏe bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Thông thường, các bác sĩ sẽ đưa ra các phương hướng điều trị sau đây:
Nội khoa
- Sử dụng thuốc kháng sinh đối với các trường hợp nhiễm trùng tim.
- Các loại thuốc kiểm soát tương ứng với các loại bệnh tim mạch mà bệnh nhân gặp phải.
Ngoại khoa
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, các bác sĩ sẽ dùng đến các can thiệp thông qua các kỹ thuật y tế, phẫu thuật tim. Quá trình điều trị ngoại khoa có thể kết hợp với điều trị nội khoa.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học để hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh: chế độ ăn uống ít chất béo có hại, bổ sung rau, hoa quả mỗi ngày, tránh xa thuốc lá, bia rượu, tăng cường tập thể dục.
Xem thêm:
- Khi đau bụng không phải bệnh từ bụng mà là bệnh tim mạch
- Thông tin các bệnh lí về tim mạch và cách phòng chống
- Dấu hiệu của bệnh tim mạch bạn không được bỏ qua