Nguyên nhân khiến máu kinh nguyệt có màu đen

Một số trường hợp máu kinh nguyệt màu đen nâu, gặp ở ngày đầu hoặc ngày cuối của kỳ kinh. Cùng HoiBenh tìm hiểu những nguyên nhân và hướng xử lý khi gặp phải máu kinh nguyệt có màu đen qua bài viết sau đây.

Nguyên nhân khiến máu kinh nguyệt có màu đen Nguyên nhân khiến máu kinh nguyệt có màu đen

Kinh nguyệt của phụ nữ thường là máu ở dạng lỏng, màu đỏ (đỏ tươi hoặc đỏ sẫm). Tuy nhiên, một số trường hợp máu kinh nguyệt màu đen nâu, gặp ở ngày đầu hoặc ngày cuối của kỳ kinh. Hiện tượng này có thể hoàn toàn bình thường nhưng cũng có thể là do bệnh lý. Cùng HoiBenh tìm hiểu những nguyên nhân và hướng xử lý khi gặp phải máu kinh nguyệt có màu đen qua bài viết sau đây.

Nguyên nhân khiến máu kinh nguyệt có màu đen

Nguyên nhân thường gặp nhất khiến kinh nguyệt có màu đen là do máu kinh nguyệt được tạo ra ít, không đủ số lượng để chảy ra ngoài được mà bị ứ đọng trong tử cung hoặc âm đạo một thời gian trước khi được chảy ra ngoài.

Cũng có thể do kinh nguyệt cũ của kì kinh trước bị giữ lại trong tử cung hoặc âm đạo do bức chắn màng trinh và chỉ được chảy ra ngoài cùng với chu kì kinh nguyệt mới ở tháng sau. Hemoglobin trong máu bị giáng hóa khiến màu sắc của máu thay đổi từ màu đỏ trở thành màu đen hoặc nâu.

Hầu hết hiện tượng máu kinh nguyệt có màu đen thường gặp nhất vào những ngày đầu và ngày cuối của một chu kì. Tại thời điểm này, lớp niêm mạc tử cung bong lên khá ít và không đồng đều, dẫn đến lượng máu không nhiều dễ đọng lại và đổi màu. Điều này là hoàn toàn bình thường, không cần phải điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, không loại trừ một số trường hợp máu kinh nguyệt có màu đen là do bệnh lý.

Rối loạn nội tiết tố sinh dục trong cơ thể

Rối loạn nội tiết lại làm giảm sản sinh estrogen khiến kinh nguyệt ra ít và có màu đen. Ngoài ra, điều này còn khiến hoạt động của tĩnh mạch kém đi, kinh nguyệt không lưu thông dẫn đến dồn ứ và tích tụ lâu ngày khiến máu kinh nguyệt bị thay đổi về màu sắc.

Tình trạng máu kinh có màu đen với số lượng ít, liên tục, không có máu đỏ tươi, thời gian ra máu đen kéo dài trên 7 ngày tức là chị em đang gặp phải chứng rong kinh. Rong kinh có thể là do có sự rối loạn nội tiết sinh dục gây ra.

Tình trạng này thường gặp ở các bé gái tuổi dậy thì, hoạt động nội tiết của trục dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng chưa hoàn thiện hoặc có thể bắt gặp ở một đối tượng khác là phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, buồng trứng bắt đầu suy giảm chức năng dẫn đến rối loạn hoạt động nội tiết hoặc rong kinh cũng có thể gặp ở nữ giới bị suy buồng trứng sớm.

Nếu tình trạng rong kinh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt, chị em nên đến gặp bác sĩ điều trị, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nội tiết sinh dục để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hoặc nếu cần phải nạo niêm mạc tử cung.

vicare.vn-nguyen-nhan-khien-mau-kinh-nguyet-co-mau-den-body-1

Trường hợp máu kinh nguyệt có màu đen xen kẽ các chu kì bình thường có thể là do một số thói quen sống bị thay đổi như: rối loạn nội tiết do căng thẳng kéo dài, ngủ không đủ giấc, thay đổi môi trường sống và làm việc, tăng hoặc giảm cân quá mức, sức khỏe bị giảm sút, sử dụng thuốc nội tiết tố (dùng thuốc tránh thai hàng ngày không đúng hoặc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp...).

Việc đổi từ thuốc tránh thai sang đặt vòng, cấy que hoặc tiêm thuốc... cũng gây ra rối loạn hormone tạm thời, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt có màu đen và ít. Nếu nguyên nhân là do điều này, các chị em chỉ cần theo dõi 1-2 chu kỳ, kinh nguyệt sẽ tự cải thiện khi cơ thể quen dần với biện pháp tránh thai mới.

Niêm mạc tử cung bị tổn thương

Chu kì kinh nguyệt trước đây của chị em rất đều đặn, màu sắc và số lượng máu kinh bình thường tuy nhiên gần đây chu kì đột ngột không đều máu kinh có màu đen, mỗi đợt hành kinh kéo dài hơn trước, điều này có thể gợi ý cho bệnh lý polyp tử cung hoại tử, u xơ tử cung, lao sinh dục hoặc thậm chí là ung thư tử cung.

Hoặc chu kỳ kinh nguyệt vẫn đều đặn nhưng với số lượng ít và máu đen sau khi tiến hành các can thiệp thủ thuật như: nạo hút thai, nạo niêm mạc tử cung... rất có thể đây là dấu hiệu dính buồng tử cung hoặc dính một phần niêm mạc ở cổ tử cung. Những trường hợp này khá nghiêm trọng, chị em phụ nữ nên cẩn thận chú ý theo dõi và đến khám thường xuyên sau khi can thiệp thủ thuật, làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, tìm các điểm bất thường và điều trị sớm.

Cấu tạo cổ tử cung nhỏ/hẹp

Một số phụ nữ có cổ tử cung hẹp hơn bình thường khiến máu kinh không thông, kinh nguyệt có màu đen, chu kì kéo dài nhiều ngày, rong kinh.

Viêm nhiễm phụ khoa

Viêm vùng chậu, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm thân tử cung hay viêm phần phụ... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nhiễm có thể là do vệ sinh chưa tốt, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ nhiều người hoặc do can thiệp thủ thuật như nạo hút thai không đảm bảo vô trùng, còn sót rau.

Tình trạng viêm nhiễm có triệu chứng chảy máu âm đạo dễ nhầm với chu kì kinh nguyệt, máu màu nâu hoặc đen, có mùi hôi và thường kèm theo sốt hoặc đau bụng dưới. Ngoài ra, khi máu kinh nguyệt có màu đen kèm với những cơn đau bụng dữ dội khi hành kinh có khả năng mắc lạc nội mạc tử cung cao.

vicare.vn-nguyen-nhan-khien-mau-kinh-nguyet-co-mau-den-body-2

Do vết sẹo mổ lấy thai

Sau khi mổ lấy thai, chu kỳ kinh nguyệt trở lại sau một thời gian, chu kỳ lặp lại đều đặn nhưng thời gian hành kinh kéo dài hơn trước do máu kinh nguyệt màu đen ra dai dẳng vào những ngày cuối của kì kinh.

Điều này có thể được giải thích là do vết mổ tử cung, phần bên trong niêm mạc tử cung đã tạo thành sẹo, máu kinh bị ứ đọng tại vết mổ này, phải mất một vài ngày mới chảy ra hết nên số ngày hành kinh bị kéo dài.

Hiện nay, số lượng phụ nữ gặp phải hiện tượng này khá nhiều do tỉ lệ sinh mổ ngày càng tăng cao, một số trường hợp ảnh hưởng đến cuộc sống, khó có con trở lại hoặc viêm nhiễm thường xuyên, do đó cần phẫu thuật sửa hoặc xóa sẹo mổ.

Ra máu màu đen liên quan đến thai nghén

Người phụ nữ bị chậm kinh, sau đó ra máu âm đạo với số lượng ít, có màu nâu đen có thể không phải là máu kinh nguyệt bình thường mà là máu báo có thai, khi đó không cần phải điều trị. Tuy nhiên khi chậm kinh lâu ngày, sau đó ra máu màu đen kèm theo đau bụng dưới thì rất có thể là triệu chứng thai ngoài tử cung hoặc dọa sảy thai, sảy thai, thai chết lưu... rất nguy hiểm cần phải được phát hiện và xử trí kịp thời.

Máu kinh nguyệt có màu đen ảnh hưởng như thế nào?

Chu kì kinh nguyệt ở nữ giới là yếu tố quan trọng và có liên hệ mật thiết với hoạt động sinh sản. Chu kì kinh nguyệt đều đặn giúp quá trình tái tạo niêm mạc ở thành tử cung diễn ra một cách liên tục, kích thích sản sinh hormone sinh dục nữ giúp buồng trứng phát triển, quá trình phóng noãn diễn ra bình thường. Nếu chu kỳ kinh nguyệt vẫn đều đặn, số lượng máu và thời gian hành kinh vẫn bình thường, máu kinh nguyệt có màu đen ở những ngày đầu và cuối hành kinh là hiện tượng bình thường, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như quá trình thụ thai.

Tuy nhiên khi chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên không đều, kinh nguyệt có màu đen kèm theo các triệu chứng khác: thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày, máu kinh có mùi hôi, đau bụng dưới dữ dội hoặc kinh nguyệt thay đổi sau thủ thuật can thiệp vào tử cung... đó có thể là dấu hiệu bệnh lý, khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cao, vô sinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, khi kinh nguyệt có màu đen bất thường liên quan đến sự xáo trộn nội tiết tố, làn da của chị em sẽ trở nên xanh xao, suy nhược cơ thể, kém sắc, ngoài ra còn giảm ham muốn tình dục do thiếu hormone.

Kinh nguyệt có màu đen phải làm sao?

  • Khi gặp phải hiện tượng kinh nguyệt có màu đen, đầu tiên các chị em đừng quá lo lắng, hãy chăm sóc cơ thể mình như bình thường, giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thay băng mỗi 3-4 tiếng.
  • Theo dõi tình trạng này sau 2-3 chu kì, nếu máu màu đen vẫn xuất hiện hoặc kèm theo các triệu chứng khác, chị em nên đến gặp bác sĩ phụ khoa để được thăm khám xác định nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị nội khoa bằng thuốc

Thường sử dụng trong trường hợp kinh nguyệt có màu đen do rối loạn nội tiết tố dẫn đến bế kinh, tắc kinh. Những thuốc này thường cho tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giúp máu kinh lưu thông dễ dàng.

vicare.vn-nguyen-nhan-khien-mau-kinh-nguyet-co-mau-den-body-3

Điều trị ngoại khoa

Sử dụng các kỹ thuật xâm lấn nhằm điều trị triệt để các bệnh phụ khoa, giải quyết tận gốc nguyên nhân gây kinh nguyệt có màu đen. Sau khi các bệnh lý được điều trị khỏi, máu kinh sẽ trở về màu sắc bình thường.

Biện pháp phòng tránh kinh nguyệt có màu đen

  • Khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng/lần hoặc khám ngay khi xuất hiện những biểu hiện bất thường.
  • Không quan hệ tình dục trong ngày hành kinh: do cổ tử cung mở rộng, bộ phận sinh dục nhạy cảm hơn nên dễ tổn thương, viêm nhiễm.
  • Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp (chỉ sử dụng 1 lần trong 1 chu kì kinh nguyệt), không tự ý dùng thuốc bổ sung nội tiết sinh dục do tác dụng phụ của các thuốc nội tiết rất nhiều. Khi cần thiết sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Giữ tâm trạng luôn luôn thoải mái: điều này sẽ giúp kỳ hành kinh diễn ra suôn sẻ hơn.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên, uống đủ nước và tránh ăn các loại gia vị, thực phẩm chứa nhiều đường. Xây dựng cho mình một chế độ ăn đa dạng và cân bằng giữa: đường, mỡ, đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất sẽ giúp chị em có một cơ thể khỏe mạnh và gián tiếp hỗ trợ chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
  • Mặc đồ lót thoáng mát, sạch sẽ giúp hạn chế viêm nhiễm phụ khoa.
  • Không nạo hút thai bừa bãi, nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn khi chưa sẵn sàng có con.

Xem thêm:

  • Kinh nguyệt màu đen sau khi phá thai phải làm sao?
  • Kinh nguyệt màu đen là dấu hiệu của bệnh gì?