Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ
Vào mùa đông hay mùa hè, nếu bố mẹ không biết cách giữ nhiệt cơ thể thích hợp cho trẻ thì trẻ sẽ dễ bị viêm phổi. Viêm phổi thông thường nếu không chữa trị dứt điểm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt có thể dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ là gì?
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ
Vào mùa đông hay mùa hè, nếu bố mẹ không biết cách giữ nhiệt cơ thể thích hợp cho trẻ thì trẻ sẽ dễ bị viêm phổi. Viêm phổi thông thường nếu không chữa trị dứt điểm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt có thể dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ là gì? Các bạn hãy cùng HoiBenh tìm hiểu thông tin qua bài viết sau đây.
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ
Viêm phổi xảy ra khi các tác nhân gây bệnh vượt qua hàng rào bảo vệ của cơ thể và xâm nhập vào đường hô hấp. Từ đó, bạch cầu sẽ bắt đầu tấn công tác nhân gây bệnh. Với trẻ em bệnh viêm phổi càng đáng lo ngại hơn, bởi sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu hơn so với người trưởng thành. Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm phổi ở trẻ như:
Vi khuẩn
Nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị viêm phổi là do vi khuẩn S.pneumonia chiếm tới khoảng 30-50% trường hợp. H.influenzae type b là nguyên nhân vi khuẩn đứng hàng thứ 2 chiếm khoảng 10-30%, tiếp theo là S.aureus và K.pneumonia.
Virus
Nguyên nhân do virus hợp bào đường hô hấp (RSV) tiếp theo là virus cúm A, B, á cúm, metapneumovirus ở người và adenovirus. Nhiễm virus đường hô hấp ban đầu cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi do vi khuẩn thứ phát hoặc đôi khi cũng gặp những trường hợp viêm phổi phối hợp giữa virus và vi khuẩn trên trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển.
Ký sinh trùng, nấm
Mặc dù rất hiếm trường hợp ký sinh trùng gây viêm phổi nhưng trong một số hoàn cảnh đặc biệt các loại ký sinh trùng và nấm như histoplasmosis toxoplasmosis và candida cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ.
Do hệ hô hấp và miễn dịch cùng sức đề kháng của trẻ em còn non yếu cộng với việc thời tiết lạnh khiến các loại vi khuẩn, virus cùng các loại ký sinh trùng và nấm dễ dàng lây lan và xâm nhập gây bệnh.
2. Triệu chứng của bệnh viêm phổi
Ở trẻ sơ sinh gồm các triệu chứng:
- Ho là triệu chứng thường gặp nhất của viêm phổi
- Nhịp thở nhanh, lồng ngực rút lại, cánh mũi phập phồng
- Ngoài ra trẻ có thể bị sốt cao
- Trẻ quấy khóc nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú
Ở trẻ lớn, các triệu chứng thường gặp là:
- Cảm giác khó thở, thở nhanh (hơn 60 lần trong một phút đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, hơn 50 lần một phút với trẻ 2 tháng đến 12 tháng tuổi và hơn 40 lần một phút với trẻ 1-5 tuổi), có dấu hiệu rút lõm lồng ngực.
- Trẻ bị sốt, có khi sốt cao tới 39-40 độ C, có thể xảy ra hiện tượng co giật.
- Trẻ bị ho, ho có đờm hoặc ho khan.
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, ngủ li bì.
- Trẻ có thể bị đau đầu, đau ngực, và đau bụng. Ngoài ra có trẻ còn bị nôn, tiêu chảy.
3. Điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ
Phương pháp thông thường sử dụng trong điều trị viêm phổi là dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh hay được sử dụng là amoxicillin, liều cao để điều trị viêm phổi cộng đồng. Khi amoxicillin không đáp ứng hoặc trẻ bị dị ứng dòng beta lactam, kháng sinh nhóm macrolid như azithromycin là kháng sinh được dùng thay thế. Điều trị phối hợp (ampicillin và hoặc gentamicin hoặc cefotaxime) thường được sử dụng trong điều trị ban đầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Đối với trường hợp trẻ bị viêm phổi nặng phải nhập viện, trẻ sẽ được làm kháng sinh đồ để xác định vi khuẩn gây bệnh, từ đó chọn lựa kháng sinh để điều trị phù hợp. Đặc biệt là trong viêm phổi do nhiễm khuẩn bệnh viện, việc xác định vi khuẩn là rất quan trọng.
Trong trường hợp cấp cứu, trẻ sẽ phải thở oxy.
Bệnh sẽ lui sau khoảng 5 đến 7 ngày điều trị kháng sinh. Trong quá trình dùng kháng sinh, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa hoặc nôn do tác dụng phụ của kháng sinh gây ra.
4. Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi
- Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ chỉ định cho trẻ bị viêm phổi.
- Cung cấp cho trẻ bị viêm phổi một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không cần kiêng cữ để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể bé chống trọi lại bệnh tật. Thức ăn cho bé viêm phổi cần chế biến mềm, lỏng và dễ tiêu hóa.
- Đảm bảo môi trường sống của trẻ được thoáng mát nhưng ấm áp và vệ sinh sạch sẽ. Tạo điều kiện cho trẻ được nghỉ ngơi nhiều để nâng cao sức khỏe và khả năng phục hồi, giảm tiêu hao năng lượng, bảo vệ hoạt động của tim phổi và tránh bội nhiễm.
- Nên đưa trẻ đi khám đúng lịch hẹn để biết rằng thuốc kháng sinh có tác dụng cho trẻ hay không để sớm có cách điều trị tốt hơn cho trẻ.
Trên đây là những thông tin HoiBenh muốn chia sẻ tới bạn đọc, đặc biệt là các mẹ đang chăm con nhỏ. Các bậc phụ huynh hãy lưu ý tất cả những bất thường của trẻ và đưa trẻ đi khám định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời và có hướng điều trị sớm.