Nguy cơ bỏng nặng từ những chất tẩy rửa sử dụng trong nhà
Các loại nước tẩy rửa nhà vệ sinh, nước rửa và thông bồn cầu, tẩy quần áo... được sử dụng khá phổ biến trong các gia đình. Thế nhưng, những chất tẩy rửa này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Bản chất của các loại chất tẩy rửa này có chứa hóa chất nên nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng rất lớn.
Nguy cơ bỏng nặng từ những chất tẩy rửa sử dụng trong nhà
Các loại nước tẩy rửa nhà vệ sinh, nước rửa và thông bồn cầu, tẩy quần áo... được sử dụng khá phổ biến trong các gia đình. Thế nhưng, những chất tẩy rửa này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Bản chất của các loại chất tẩy rửa này có chứa hóa chất nên nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng rất lớn. Theo đó, các loại chất tẩy rửa, đặc biệt là những loại chất tẩy rửa không có nguồn gốc rõ ràng khi tiếp xúc trực tiếp trên da thì có thể gây viêm da, khiến da bị viêm, sưng và gây bỏng da nghiêm trọng. Khi tiếp xúc lâu dài, nó có thể gây rối loạn sinh dục, khuyết tật ở thai nhi, ung thư...
Tại khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương (TP Hồ Chí Minh), các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bỏng do chất tẩy rửa ở nhiều cấp độ gây ra. Chẳng hạn như gần đây, bệnh viện đã điều trị cho một trường hợp bị bỏng nặng do bị nước tẩy bồn cầu bắn vào. Theo các bác sĩ, mặc dù bệnh nhân đã đến bệnh viện kịp thời nhưng do không sơ cứu ban đầu nên chất tẩy rửa ăn sâu vào mô, lớp mỡ của da khiến việc điều trị sau này khó khăn hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Lê Hồng Ngọc, khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, các chất tẩy rửa nhà vệ sinh thường là dung dịch axít, kiềm. Các hóa chất này khi bắn vào da sẽ gây bỏng nặng, tuy nhiên đa số người dùng lại rất chủ quan. Bên cạnh đó, đa phần những trường hợp bỏng trên đều do chất tẩy rửa vệ sinh thông thường, được người dân mua ở chợ để về chùi rửa trong nhà.
TS. BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, cho hay các ca bỏng chất tẩy rửa sau khi điều trị khỏi đều để lại sẹo. Bệnh nhân phải cắt lọc phần da thịt đã bị hoại tử và có thể phải tiến hành ghép da. Việc điều trị bỏng, sẹo do phỏng hóa chất đều mất thời gian lâu dài và khó khăn.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người dân nên cẩn thận khi sử dụng các hóa chất tẩy rửa trong gia đình. Theo đó, cần phải biết nồng độ hóa chất, khi sử dụng nên pha loãng; nên sử dụng găng tay, mang giày, đặc biệt là kính bảo hộ mắt, mặc quần áo che kín không để hở phần da; cẩn thận khi làm vệ sinh, tránh hóa chất văng vào người.
Đối với bỏng hóa chất, sơ cứu tại chỗ rất quan trọng. Khi bị chất tẩy rửa bắn vào người, người dân nên rửa ngay và rửa liên tục trong vòng 15-30 phút dưới vòi nước, không dùng bất kỳ chất dung hòa nào. Việc dội nước liên tục như vậy sẽ làm trôi và pha loãng hóa chất còn đọng lại trên vết thương và phản ứng nhiệt sẽ giảm đi trong quá trình hóa chất tiếp xúc với mô. Tuyệt đối không rửa bằng nước đá lạnh, không rửa bằng xà phòng hay chất gì khác, không bôi bất cứ loại kem hay chất gì lên vết bỏng.
Không chỉ gây tác hại nghiêm trọng đến cơ thể con người, các loại chất tẩy rửa cũng cần phải tránh tiếp xúc với các đồ vật bằng sắt, nhôm, inox... trong nhà vệ sinh, nhà tắm nếu không các đồ đạc này sẽ bị ăn mòn và hư hỏng theo thời gian, bởi nó có tính kiềm rất mạnh, ăn mòn hơn cả axit.
Sau khi vệ sinh xong, người dùng cần giữ hoá chất tẩy rửa ở chỗ cao, hoặc nơi kín đáo có khóa, tránh xa tầm với của trẻ em, người có thị lực kém; tránh xa đồ ăn, thực phẩm, các đồ dùng khác và chỉ dùng liều lượng vừa phải khi cần thiết.
Theo Báo Tin Tức
Xem thêm:
- Mẹo hay chữa bỏng bô an toàn, hiệu quả không để lại sẹo
- Cách chữa vết bỏng bị phồng rộp