Nắng nóng đỉnh điểm: Người già, trẻ nhỏ thi nhau đổ bệnh

Ngoài những bệnh thường gặp do nắng nóng như mất nước, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, kiệt sức... điều khiến các bác sĩ lo ngại nhất trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm hiện nay chính là nguy cơ xảy ra say nắng, nhất là với những người phải thường xuyên làm việc ngoài trời.

Nắng nóng đỉnh điểm: Người già, trẻ nhỏ thi nhau đổ bệnh Nắng nóng đỉnh điểm: Người già, trẻ nhỏ thi nhau đổ bệnh

Ba ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, các bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca nhập viện cấp cứu do sốc nhiệt hoặc cấp cứu vì tai biến mạch máu não...

Tăng nguy cơ tai biến, sốc nhiệt

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển cho biết, để ứng phó với thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như mấy ngày qua, bệnh viện đã tăng ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho người bệnh và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và điều chỉnh lại lịch khám bệnh cho phù hợp. Cụ thể, bệnh viện đã tổ chức đón tiếp bệnh nhân từ 5h hàng ngày và từ 7h bắt đầu khám bệnh.

Theo ông Trần Minh Điển, nắng nóng khiến lượng bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng từ 10 đến 15% so với ngày bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 3.200 đến 3.500 bệnh nhi. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, lượng bệnh nhi đến khám còn tăng vọt, số ca nặng cũng chiếm tỷ lệ nhiều hơn.

vicare.vn-nang-nong-dinh-diem-nguoi-gia-tre-nho-thi-nhau-do-benh-body-1

Tương tự, tại Bệnh viện Xanh Pôn, lượng bệnh nhân đến khám trong những ngày nắng nóng cũng tăng gần 10%. Ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - phụ trách Khoa Nhi của bệnh viện cho biết, điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn.

Còn tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, qua 2 ngày nắng nóng gay gắt, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt bệnh nhân tới khám. Đáng chú ý, số người già đến cấp cứu trong tình trạng tai biến mạch máu não đang gia tăng. Theo bác sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cơ thể người cao tuổi chưa thể thích nghi ngay được với nắng nóng. Đặc biệt, thời tiết những ngày qua dễ dẫn đến huyết áp tăng cao gây tai biến mạch máu não.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị mất nước

Bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao bất thường như hiện nay sẽ kéo theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, say nắng gia tăng. Các bệnh liên quan tới nắng nóng thường gặp nhất là: mất nước, chuột rút, suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu. Trong đó, chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nắng thường xuất hiện ở trẻ lớn khi tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng.

Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước. Nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở các nhóm trẻ dưới 4 tuổi; trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa; trẻ vận động quá nhiều, nhất là trẻ quá béo hoặc không thật khỏe mạnh; trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể; trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng...

Về cách nhận biết sớm dấu hiệu đổ bệnh do nắng nóng và hướng xử trí, bác sĩ Trần Thu Thủy khuyến cáo, nếu thấy trẻ có các biểu hiện như: môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu, khóc không có nước mắt, quấy khóc, khó chịu, có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi... thì phải nghĩ ngay tới khả năng trẻ bị mất nước. Lúc này, cần chuyển bé vào nơi thoáng mát, cho bé uống nước.

vicare.vn-nang-nong-dinh-diem-nguoi-gia-tre-nho-thi-nhau-do-benh-body-2

Trường hợp nặng hơn, trẻ có biểu hiện như mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê, đã đưa vào nơi thoáng mát và cho uống nước nhưng vẫn không dễ chịu hơn thì phải đưa đi khám ngay. Cùng với mất nước và muối, hàm lượng muối thấp trong cơ khiến người bệnh dễ bị cơ co rút đau đớn (còn gọi là chuột rút). Lúc này, cần xử trí bằng cách ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát, uống nhiều nước.

Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Đây là căn bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ, với các dấu hiệu như: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút; da nóng, đỏ và khô; mạch nhanh, mạnh, đau đầu nhức nhối, chóng mặt, buồn nôn; mê sảng, mất ý thức... Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi thấy trẻ có những dấu hiệu nêu trên, cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10h-16h bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25-27 độ C.

Theo An Ninh Thủ Đô

Xem thêm:

  • Nắng nóng trên 40 độ C, người bệnh choáng váng rền than
  • Nắng nóng, để con 24/24 trong phòng điều hòa mà vẫn ốm: Vì sao?