Muốn vượt cạn dễ dàng mẹ bầu nhớ "thuộc lòng" cách hít thở này nhé
Để hỗ trợ cho các mẹ sinh thường dễ dàng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau nhằm giảm đau đớn và tăng sức lực trong quá trình vượt cạn. Trong đó, phương pháp hít thở được áp dụng với tất cả các bà bầu để giúp mẹ vượt cạn thành công. Vậy để biết cách hít thở như thế nào sẽ giúp mẹ bầu vượt cạn dễ dàng, hãy cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau.
Muốn vượt cạn dễ dàng mẹ bầu nhớ "thuộc lòng" cách hít thở này nhé
Luyện tập hít thở từ trong thai kỳ
Để các phương pháp hít thở được phát huy hiệu quả nhất trong lúc vượt cạn, các mẹ bầu cần thực hành hít thở từ trước, đặc biệt là vào khoảng thời gian cuối thai kỳ để tạo thành một thói quen phản xạ cho mẹ không bối rối khi chuẩn bị sinh. Bạn có thể thực hành cùng chồng nếu có dự định cùng anh ấy vào phòng sinh.
Lợi ích của việc hít thở đúng cách
Thực tế, trong lúc vượt cạn, các mẹ cảm thấy rất đau nên dễ rơi vào tình trạng căng thẳng. Thông thường, các mẹ sẽ chống lại cơn đau bằng cách khóc lóc hay chửi bới, nhưng việc làm đó chỉ khiến mẹ thêm stress, cổ tử cung không giãn nở tốt và càng khó sinh. Chính vì vậy, các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nên hít thở đều theo từng cơn co của tử cung để điều chỉnh hệ thần kinh tự động đáp ứng với căng thẳng về tâm lý và thể chất xảy ra trong khi sinh. Bên cạnh đó, phương pháp hít thở đúng cách còn giúp tăng tối đa hiệu quả hô hấp, giúp duy trì lượng oxy thỏa đáng cho mẹ và con.
Phương pháp hít thở này giúp bạn dễ dàng trấn tĩnh và thả lỏng cơ thể. Khi được khuyến khích, bạn có thể thay đổi cách thở của mình để tìm được sự thoải mái ngay trong lúc vượt cạn đầy gian lan. Việc tập trung hít thở khi vượt cạn sẽ khiến bạn dễ dàng bỏ qua những cảm giác lo lắng, mệt mỏi và cả những cơn đau chuyển dạ. Hoạt động hít thở còn giúp bé xoay chuyển tư thế, tạo điều kiện thích hợp cho việc sinh thường, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dạ diễn ra liên tục, và không bị ngắt quãng.
Phương pháp hít thở giúp mẹ bầu vượt cạn
- Thở chậm, sâu
Kiểu thở chậm, sâu này được dùng trong giai đoạn cổ tử cung mở dưới 3cm. Khi có cơn co tử cung, mẹ hãy bắt đầu bằng hơi thở sâu, rồi thở từ ngực ra chậm sâu, thở chậm rãi đều đặn, và chấm dứt với một hơi thở sạch khi đã hết cơn co. Thở đúng là khi hít vào thì bụng phình lên, khi thở ra thì bụng xẹp xuống. Thở 6-9 nhịp cho một cơn co tử cung khoảng 50 giây.
Sau sinh, mẹ cũng có thể thực hiện phương pháp hít thở này để giúp oxy vào cơ thể nhiều hơn. Các mẹ càng thư giãn thì việc hít thở càng đem lại hiệu quả cao hơn. Mẹ nên nằm nghiêng hoặc ngồi khi hít thở sẽ tốt hơn nằm ngửa, vì khi nằm ngửa nó sẽ làm chậm chuyển dạ và hạn chế tuần hoàn nhau thai.
Phương pháp hít thở sâu sẽ làm giảm bớt sự áp lực cơ thể do đáy tử cung cao đè lên cơ hoành và cách thở này được sử dụng trong suốt thời gian chuyển dạ. Mẹ nên tập trung vào một điểm gì đó và thực hiện phương pháp hít thở để quên đi các cơn đau khi co tử cung.
- Thở nhanh, nông
Phương pháp hít thở nhanh, nông được sử dụng trong giai đoạn cổ tử cung mở từ 3 đến 6 cm, khi cơn co đã mạnh hơn, dài hơn và dày hơn, với tần suất khoảng 3 phút một cơn. Các mẹ khi cảm thấy có cơn co tử cung, thì bắt đầu với một hơi thở sâu, tiếp đó là thở ngực nông, cho tới khi cường độ của các cơn co càng lên cao thì càng phải thở nhanh hơn. Thở chậm lại khi cơn co giảm dần rồi thực hiện một hơi thở sạch khi cơn co chấm dứt.
- Thở thổi nến
Bạn hãy hình dung kiểu thở thổi nến như mình đang chuẩn bị thổi nến, hay một số người còn gọi đây là thở phù phù.
Phương pháp hít thở này được dùng trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung mở từ 7 đến 9cm, các cơn co tử cung mạnh, khoảng cách giữa hai cơn co ngắn lại và dồn dập hơn. Lúc này, sản phụ thường chỉ muốn rặn vì ngôi thai xuống và đè vào trực tràng khiến mẹ rất đau. Tuy nhiên, nếu bạn rặn sẽ rất nguy hiểm vì cổ tử cung chưa mở ra hoàn toàn. Vì vậy, các mẹ nên thực hiện phương pháp hít thở thổi nến để giúp làm giảm áp lực từ tử cung đồng thời giúp mẹ tránh rặn sớm.
Khi cơn co bắt đầu, mẹ sẽ hít một hơi thở sạch, kế đó thở nhanh nông 4 lần rồi thổi mạnh một lần qua miệng, lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thực hiện như thế cho đến hết cơn co và chấm dứt với một hơi thở sạch.
Qua những chia sẻ trên đây, HoiBenh hi vọng các chị em đã có những kiến thức cũng như phương pháp hít thở cho bản thân để giúp quá trình vượt cạn nhanh chóng và dễ dàng hơn. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và bé, các chị em nên thường xuyên tập hít thở trong quá trình mang thai.