Mũi ra dịch màu trắng, mùi tanh có phải dấu hiệu lao phổi?

Xin chào bác sĩ, Cháu tên là Trường năm nay 25 tuổi, là nam giới. Cháu bị hắt hơi sổ mũi nhưng ban đầu không để ý nên 2 ngày sau mới bắt đầu uống thuốc. Tuy nhiên, cháu đã uống hết 2 liều rồi đổi sang loại thuốc khác nhưng tình trạng bệnh vẫn không giảm. Sau đó, mũi cháu có hiện tượng chảy dịch màu trắng và có mùi tanh, bác sĩ nghi bảo xoang nên đã cho cháu thuốc xịt và thu...

Mũi ra dịch màu trắng, mùi tanh có phải dấu hiệu lao phổi? Mũi ra dịch màu trắng, mùi tanh có phải dấu hiệu lao phổi?

Xin chào bác sĩ,

Cháu tên là Trường năm nay 25 tuổi, là nam giới. Cháu bị hắt hơi sổ mũi nhưng ban đầu không để ý nên 2 ngày sau mới bắt đầu uống thuốc. Tuy nhiên, cháu đã uống hết 2 liều rồi đổi sang loại thuốc khác nhưng tình trạng bệnh vẫn không giảm. Sau đó, mũi cháu có hiện tượng chảy dịch màu trắng và có mùi tanh, bác sĩ nghi bảo xoang nên đã cho cháu thuốc xịt và thuốc uống xoang. Cháu uống một liều thì cảm thấy người mệt, hoa mắt, sốt về chiều, buồn ngủ và hay khạc đờm. Giọng nói cháu cũng thay đổi và không ho. Cháu đi bệnh viện khám thì sau khi chụp X - quang, nội soi mũi,... Bác sĩ Tai Mũi Họng kết luận cháu bị lao phổi. Hiện cháu rất lo lắng và không biết phải làm sao? Mong bác sĩ giúp cháu với.

Cháu xin cảm ơn!

Bác sĩ Từ Tấn Tài trả lời:

Chào bạn,

Nếu quả thật được xác định là mắc bệnh lao phổi, bạn cũng không cần phải quá hoang mang, lo lắng. Bởi nửa thế kỷ trước đây, do không thấy kháng sinh để diệt vi trùng lao nên mỗi khi ai mắc bệnh này coi như cầm chắc án tử. Nhưng ngày nay, rất nhiều kháng sinh ra đời có khả năng diệt vi trùng lao rất tốt (ngoại trừ việc bạn bị mắc vi trùng lao đa kháng thuốc - không thấy kháng sinh nào có thể diệt vi trùng lao – tỉ lệ gặp rất hiếm - mới bó tay).

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao phổi là xét nghiệm thấy vi trùng BK trong đờm khi ho, khạc ra hay từ dịch hút ra từ phế quản phổi. Nhưng tỉ lệ người bị lao phổi mà xét nghiệm vi trùng lao dương tính trong đờm rất ít nên người ta phải chẩn đoán lao phổi thông qua các xét nghiệm khác như chụp phim phổi, xét nghiệm máu,... Bạn nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi. Ở đó có đầy đủ điều kiện về con người và máy móc để khám, chẩn đoán chính xác bạn có bị lao phổi không? Và sẽ có thuốc chữa nhiễm lao cho bạn. Bạn sẽ phải dùng thuốc chữa lao theo phác đồ điều trị lao từ 6 - 9 tháng.

Sau khi chữa khỏi, bạn có thể trở lại sinh hoạt như người bình thường. Nhưng bây giờ, khi đã nghi ngờ bị mắc lao phổi, bạn cần phòng tránh lây lan bệnh cho cộng đồng. Bệnh này lây qua dịch tiết mũi, họng đàm và dịch tiết đường hô hấp. Do đó, bạn không nên có các tiếp xúc gần, thân mật với người khác như hôn nhau, nên bịt khẩu trang thường xuyên, tránh ho khạc, nháy mũi mạnh ở nơi có đông người, rửa tay thường xuyên, nên ăn riêng mâm - bát - đũa, tránh gắp thức ăn cho mọi người, hạn chế đến nơi đông người, tập luyện tăng cường sức khỏe, tránh rượu bia thuốc lá, ăn uống đầy đủ để cơ thể có sức đề kháng tốt chống lại vi trùng lao, mọi người trong gia đình nên cùng đi khám kiểm tra luôn một thể.

Chúc bạn nhanh khỏi bệnh!