Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình
Bạo lực trên cơ sở giới đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Năm năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình tại Việt Nam ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm, mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình
Bộ Y tế tổ chức phát động trong toàn ngành hưởng ứng Tháng hành động về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực...
Chiều ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức phát động trong toàn ngành hưởng ứng Tháng hành động về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, với Thông điệp: Mỗi nam giới sẽ trở thành một hạt nhân tiên phong trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, vì sự an toàn của mỗi gia đình và toàn xã hội không có bạo lực”.
Tại lễ phát động, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký kết Công ước Xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18-12-1979. Luật Bình đẳng giới cũng được Quốc hội thông qua năm 2006. Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và chính bản thân phụ nữ đã mang lại những thành tựu về bình đẳng giới tại Việt Nam, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng thu hẹp khoảng cách giới trong một số lĩnh vực. Phụ nữ vẫn còn bị đối xử bất bình đẳng trong đời sống xã hội và gia đình.
Con số báo động về bạo lực gia đình tại Việt Nam
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, bạo lực trên cơ sở giới đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Năm năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình tại Việt Nam ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm, mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng.
Theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ, năm 2014 tại Việt Nam, cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em. Riêng năm 2015 có 31 phụ nữ, bảy trẻ em bị người thân giết hại. Theo thống kê chưa đầy đủ, sáu tháng đầu năm 2016 đã có 20 phụ nữ, trẻ em thiệt mạng do BLGĐ.
Chỉ tính riêng tại Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong tổng số hơn 600 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, có đến 75% người bị ít nhất ba hình thức bạo lực trở lên. Rất nhiều chị bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, một số đã tự tử vài lần nhưng may mắn được cứu, nhiều chị bị thương tổn di chứng đến hết đời như cụt tay, chân, tổn thương đầu, cột sống... suy giảm sức khỏe đến hơn 70%.
Theo đó, Bộ Y tế đã phát động “Tháng hành động về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” trong toàn ngành y tế với thông điệp: Mỗi nam giới sẽ trở thành một hạt nhân tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, vì sự an toàn của mỗi gia đình và toàn xã hội không có bạo lực”.
Lãnh đạo Bộ Y tế đã kêu gọi mỗi cán bộ, công chức trong toàn ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp cho phong trào phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Bộ Y tế đã và đang tích cực thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình thông qua việc xây dựng và triển khai thông tư số 16 năm 2009 về hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám, điều trị bệnh. Qua đó, phát hiện kịp thời những trường hợp bị bạo lực gia đình để chăm sóc y tế, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vụ việc theo pháp luật .
Tuy nhiên, thông tin tại lễ phát động cho biết, hiện Bộ Y tế hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành và đơn vị liên quan sửa đổi thông tư này để sớm ban hành cho phù hợp với tình hình mới.