Mỗi năm nước ta có trên 300.000 người mới mắc bệnh tiểu đường

Mỗi năm nước ta có trên 300.000 người mới mắc bệnh tiểu đường. Thông tin này được đưa ra tại lễ ký kết chuyển giao kỹ thuật theo đề án bệnh viện vệ tinh giữa Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện Nội tiết tỉnh Nam Định, giai đoạn 2016-2020.

Mỗi năm nước ta có trên 300.000 người mới mắc bệnh tiểu đường Mỗi năm nước ta có trên 300.000 người mới mắc bệnh tiểu đường

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Nội tiết Trung ương chuyển giao các kỹ thuật chuyên ngành nội tiết và rối loạn chuyển hóa cho các bệnh viện vệ tinh.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Ngọc Lương- Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hóa là bệnh lý phổ biến, tỷ lệ mắc ngày càng tăng, riêng bệnh đái tháo đường typ 2, qua điều tra toàn quốc năm 2002 - 2003 cho đối tượng 30 – 64 tuổi thì tỷ lệ là 2,7%, 10 năm sau 2012 thì tỷ lệ là 5,4% như vậy đã tăng 200% so trước đó. Uớc tính mỗi năm nước ta có khoảng trên 300.000 người mới mắc bệnh đái tháo đường và có nhiều người chết vì biến chứng của đái tháo đường. Bệnh lý tuyến giáp cũng ngày một gia tăng như bệnh basedow, viêm giáp, bướu cổ nhân, ung thư tuyến giáp...

PGS.TS Trần Ngọc Lương- Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (áo trắng) ký kết chuyển giao kỹ thuật, công nghệ theo Đề án Bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Nội tiết Nam Định. PGS.TS Trần Ngọc Lương- Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (áo trắng) ký kết chuyển giao kỹ thuật, công nghệ theo Đề án Bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Nội tiết Nam Định.

PGS.TS Trần Ngọc Lương cũng thông tin thêm, nhiều năm gần đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương luôn hoạt động trong tình trạng quá tải với công suất sử dụng giường bệnh ở mức trên 100%, đa số các trường hợp bệnh nặng. Số bệnh nhân đến khám, cấp cứu và nằm điều trị ngày một tăng theo các năm, các phẫu thuật, thủ thuật, xét nghiệm trong năm 2015 đều tăng gấp trên 2 lần so với năm 2010, hàng năm số lượng bệnh nhân đến khám là 200.000 đến 261.845 người. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình từ 17.000 đến 21.220 người. Hàng năm có khoảng 4.000 - 6.000 người phải phẫu thuật tuyến giáp.

Vì vậy xây dựng hệ thống các cơ sở phòng chống bệnh nội tiết rối loạn chuyển hóa có đủ năng lực hoàn chỉnh trong cả nước là một nhu cầu bức thiết.

Xuất phát từ cơ sở thực tiễn nêu trên, thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “ Đề án giảm quá tải bệnh viện” và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt “Đề án bệnh viện vệ tinh” giai đoạn 2016 -2020. Trong đó Bệnh viện Nội tiết Trung ương là bệnh viện hạt nhân với 5 bệnh viện: Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Nội tiết Nam Định, Bệnh viện Nội tiết Hòa Bình, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên là các bệnh viện vệ tinh.

Theo BS Trần Ngọc Minh-Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nam Định cho biết, mỗi năm khám và điều trị cho trên 40.000 lượt người, trong đó điều trị nội trú cho trên 500 lượt bệnh nhân. Do năng lực còn hạn chế nên hàng năm bệnh viện này phải chuyển gần 800 bệnh nhân nặng lên tuyến trên điều trị bệnh đái tháo đường và bệnh lý tuyến giáp. Sau lễ ký kết hôm nay, Bệnh viện Nội tiết Trung ương sẽ chuyển giao cho Bệnh viện Nội tiết Nam Định 18 kỹ thuật y tế. Trong đó, từ nay đến 2017, tập trung chuyển giao các kỹ thuật điều trị, cấp cứu bệnh đái tháo đường và các biến chứng, bệnh nội tiết tuyến giáp, những năm sau sẽ chuyển giao thêm các kỹ thuật điều trị những tuyến nội tiết khác; đồng thời Bệnh viện Nội tiết Nam Định sẽ từng bước tiếp cận để đến năm 2020 có thể tự triển khai phẫu thuật được tuyến giáp.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định, Cục Quản lý Khám và điều trị bệnh, Sở Y tế Nam Định, Bệnh viện Nội tiết Trung ương trao hỏi thăm, động viên bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nam Định. Lãnh đạo tỉnh Nam Định, Cục Quản lý Khám và điều trị bệnh, Sở Y tế Nam Định, Bệnh viện Nội tiết Trung ương trao hỏi thăm, động viên bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nam Định.

"Để chuẩn bị cho kế hoạch vừa nêu, từ năm ngoái, Bệnh viện Nội tiết Nam Định đã mua các máy xét nghiệm sinh hóa, máy siêu âm 4 chiều, máy xét nghiệm miễn dịch cùng nhiều trang thiết bị khác và đang triển khai Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhà điều trị 8 tầng với diện tích gần 6000 m2"- BS Minh thông tin.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám và điều trị bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh về nội tiết hiện nay như một “cơn bão” trong đó có “đại dịch” đái tháo đường typ 2. Đối với Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đây là lần đầu tiên Bộ Y tế cho phép chuyên ngành nội tiết, rối loạn chuyển hóa được triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh. Trước đây trong giai đoạn 2012-2015 chỉ có 5 chuyên khoa quá tải nhất được tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh là các chuyên ngành: tim mạch, ung thư, sản, nhi, chấn thương- chỉnh hình...”

Sau Bệnh viện Nội tiết Nam Định sẽ là Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên được Bệnh viện Nội tiết Trung ương chuyển giao các kỹ thuật chuyên ngành nội tiết và rối loạn chuyển hóa.

Như vậy sau 3 năm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh, cả nước có hơn 20 bệnh viện hạt nhân thường xuyên chuyển giao kỹ thuật cho gần 50 bệnh viện tuyến tỉnh, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới, giúp người bệnh được khám và điều trị bệnh tại tuyến tỉnh, không phải đi xa, tiết kiệm được thời gian, giảm được chi cho việc khám và điều trị bệnh.

(Nguồn: suckhoedoisong)