Mẹo chăm con bị sốt tự khỏi sau 3 ngày không cần thuốc của nữ biên tập viên trẻ
Chị Hà Thị Quỳnh Anh hiện là biên tập viên (BTV) của kênh truyền hình về thiếu nhi và gia đình, người được nhiều mẹ bỉm sữa mến mộ khi chia sẻ kinh nghiệm rèn con hết "ngủ ngày cày đêm", từng nhiều đêm trăn trở khi con trai 6 tháng tuổi đôi lần bị ốm sốt.
Mẹo chăm con bị sốt tự khỏi sau 3 ngày không cần thuốc của nữ biên tập viên trẻ
Theo chị Quỳnh Anh, khi con bị sốt được chẩn đoán viêm tiểu phế quản chị chỉ dùng biện pháp rửa mũi giúp con tự khỏi sau 3 ngày.
Chị cho biết, với thời tiết khí hậu khắc nghiệt như ở Việt Nam, bé Ting Ting (con trai chị) không thể tránh khỏi những lúc mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở hay sốt...
Rút kinh nghiệm từ những lần trước, trong lần gần đây nhất lúc Ting Ting 4 tháng tuổi, con bị sốt với những triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, thở khò khè, chị Quỳnh Anh đã rất bình tĩnh xử lý.
“Con sốt gần 2 ngày 39-40 độ, rồi lại hạ 37-38 độ, vài tiếng lại lên 39-40 độ, ho vào buổi sáng ngủ dậy, thở khò khè. Đi khám bệnh viện bác sĩ chẩn đoán con viêm tiểu phế quản, yêu cầu nhập viện luôn.
Lúc này mình sợ chân tay run luôn nhưng chồng bình tĩnh bảo đưa con đến một vị bác sĩ mà chồng được nhiều người giới thiệu.
Trong khi con cần khám gấp, mà bác sĩ đã kín lịch nên một bác sĩ khác khám cho con. Bác sĩ cũng chẩn đoán giống như bệnh viện và đề nghị xem kết quả bệnh viện đã chẩn đoán thế nào. Sau đó mình được khuyên là con không cần nhập viện, các chỉ số không quá lo ngại, về rửa mũi và dùng hạ sốt, sau 3 ngày không đỡ hãy tới khám lại”, chị Quỳnh Anh kể lại.
Mẹ 9X quyết định thực hiện theo lời bác sĩ khuyên và thật bất ngờ, bé Ting Ting đã tự khỏi chỉ bằng biện pháp rửa mũi mà không cần dùng đến một viên thuốc kháng sinh nào.
Biết nhiều bà mẹ trẻ khác cũng ít nhiều từng gặp tình huống như bản thân, chị Quỳnh Anh chia sẻ cách này đến mọi người, hy vọng sẽ giúp ích được cho các bé.
Dưới đây là chia sẻ của chị Quỳnh Anh về mẹo chăm sóc khi con sơ sinh bị sốt mà không phải uống một viên thuốc nào, bé sẽ tự khỏi sau 3 ngày:
Việc mẹ cần làm ngay: Rửa mũi ngày 3 lần
Nguyên nhân của việc sốt là do viêm, vì vậy đỡ viêm sẽ đỡ sốt. Y tá hướng dẫn rửa mũi cho con rất cẩn thận, sau đó yêu cầu mẹ tự làm để y tá xem đúng chưa. Có thể sử dụng nước muối bơm xi lanh, nhưng an toàn nhất là dùng chai xịt dạng phun sương. Loại này dịu nhẹ, không áp lực mạnh làm tổn thương niêm mạc mũi, đầu xịt nhỏ và có nấc an toàn không lo bị chọc quá sâu vào mũi con.
Rửa mũi quả thực hiệu quả thật, đúng 3 ngày là con không sốt nữa, ăn ngủ bình thường. Ngoài rửa mũi mình tích cực hút mũi bằng máy cho con để lấy dịch, đờm ra ngoài, không tích tụ vào họng gây viêm.
Tuy nhiên không dùng thuốc nên con vẫn còn ho một chút, mình kết hợp uống siro ho sau 1 tuần bé khỏi hẳn và đi du lịch cùng cả nhà".
Chăm sóc khi con bị sốt
Cởi quần áo để con da tiếp da và ti mẹ hoàn toàn
Bé đang sốt cần hạ nhiệt bằng cách mặc thoáng, da tiếp da mẹ cũng là cách hạ nhiệt. Nguyên tắc là không ủ ấm, vì càng ủ thân nhiệt càng lên cao, bé càng lạnh.
Ti mẹ trực tiếp có tác dụng truyền kháng thể giúp tăng sức đề kháng cho con.
Khi con bú mút nước bọt truyền ngược lại cơ thể mẹ, sự tiếp xúc này sẽ giúp sữa mẹ nhận biết và thay đổi một cách tự nhiên để phù hợp với tình trạng sức khoẻ của bé.
Mẹ ít sữa cũng không lo bởi cũng giống như người lớn, khi bị ốm sốt bé sẽ khó chịu, đắng miệng chán ăn, và ăn cũng không được nhiều. Cách tốt nhất lúc này là cho bé ti theo nhu cầu, đừng ép bé ăn.
Lau người hạ nhiệt cho bé
Dùng nước ấm vừa tay để lau người, giúp hạ nhiệt dần dần. Thay khăn ấm liên tục khi lau để bé không bị lạnh khi khăn nguội, chú ý lau vùng thoát nhiệt nhanh như nách, cổ, bẹn. Ngưng lau khi nhiệt độ dưới 38,5 độ.
Ngâm chân nước muối gừng
Lưu ý: Đây là kinh nghiệm dân gian không phải bác sĩ kê nhưng rất hiệu nghiệm.
Ngâm chân muối gừng giúp làm ấm cơ thể, rất tốt trong việc làm giảm ho, sổ mũi...
- Nguyên liệu để làm nước muối gừng ngâm chân: 1 củ gừng già, 1 thìa muối, 1 chậu nước (chậu nhỏ con rửa mặt)
- Cách làm: Gừng rửa sạch, đập dập hoặc giã sơ. Sau đó đun sôi cùng nước và muối hạt. Đợi ấm già tay một chút thì đổ ra chậu ngâm chân cho con
- Có thể ngâm 2 lần sáng ngủ dậy và trước khi đi ngủ, ngâm đến khi nước nguội là được.
- Ngoài ra xông nước gừng cũng rất tốt. Mẹ chỉ cần bế bé gần chậu nước gừng đang đợi nguội, ngửi hơi gừng bốc lên cũng có lợi.
Dùng thuốc hạ sốt
Sử dụng thuốc hạ sốt ở hậu môn thay đường uống khi con sốt từ 38,5 độ trở lên (theo bác sĩ ở tầm tuổi con nên dùng thuốc hạ sốt ở hậu môn vì thuốc uống trực tiếp rất hại dạ dày non nớt của con. Nếu cách này không hiệu quả mới dùng đến thuốc uống và tuân thủ đúng khoảng cách giữa các lần dùng).
"Mình không có chuyên môn nhưng cũng thấy rất đúng, đã dùng hạ sốt thì đường nào cũng ngấm vào máu, vào gan, đều không tốt cả. Tuy nhiên bé còn quá nhỏ, dạ dày mới chỉ tiêu hoá được sữa, nếu dùng đường uống mình nghĩ ngoài hại gan, hại thận, thì còn hại cho cả dạ dày. Tuy nhiên các bác sĩ cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Theo bác sĩ nào, thì nên tin tưởng và nghe lời để đạt hiệu quả.", chị Quỳnh Anh cho biết.
Lưu ý: Thời tiết thay đổi, các bé lại vô cùng non nớt, nên rất dễ mắc ho, khò khè. Mẹ luôn cần chuẩn bị sẵn trong nhà: nhiệt kế, máy hút mũi, nước muối rửa mũi, thuốc ho, thuốc hạ sốt... để dùng bất cứ khi nào.
Theo Khám Phá
Xem thêm:
- Muốn trẻ giảm nhiệt khi bị sốt, mẹ đừng quên cho con tắm nước gừng
- “Hại đơn, hại kép” vì sai lầm của các mẹ khi hạ sốt cho con