Mẹ cho trẻ tập lẫy sớm có ảnh hưởng đến sự phát triển không?
Lẫy là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của con. Tuy nhiên cho con lẫy vào thời điểm nào là hợp lý hay việc trẻ tập lẫy sớm có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của con là câu hỏi mà nhiều mẹ băn khoăn. Bài viết này sẽ giúp các mẹ trả lời cho câu hỏi trên.
Mẹ cho trẻ tập lẫy sớm có ảnh hưởng đến sự phát triển không?
Sở dĩ nói lẫy là một giai đoạn phát triển quan trọng do đây sẽ là bước đầu tiên giúp con tự mình di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Lẫy được coi như một bước đệm cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của con. Biết lẫy giúp trẻ tăng cường khả năng vận động tự lập, đồng thời còn hỗ trợ tốt cho giai đoạn tập ngồi, tập đứng về sau của trẻ. Lẫy cũng giúp bé chủ động việc nhìn ngắm thế giới xung quanh, kích thích khả năng học hỏi, tìm hiểu thế giới xung quanh.
Dấu hiệu thể hiện trẻ đã sẵn sàng tập lẫy
Dấu hiệu thứ nhất: Khi được đặt nằm sấp, trẻ đã có thể tự nhấc đầu dậy hay có thể chống tay để nâng đỡ phần đầu và ngực hướng lên trên. Điều này thể hiện cơ ngực cũng như cơ lưng của trẻ đã đủ cứng cáp và có khả năng chịu lực.
Dấu hiệu thứ 2: Khi mẹ đặt nằm ngửa, hai chân trẻ có thể hướng lên phía trên hoặc trẻ thường xuyên nhấc bàn chân lên đung đưa qua lại.
Dấu hiệu thứ 3: Trẻ thích nằm nghiêng, điều này chứng tỏ trong não trẻ đã hình thành ý thức về việc tập lẫy
Dấu hiệu thứ 4: Khi đặt trẻ nằm sấp, trẻ có động tác như đang bơi bằng hai tay
Dấu hiệu thứ 5: Khi trẻ nhìn thấy một đồ vật gần mình, trẻ có thể di chuyển người tiến đến gần đó
Lợi ích khi mẹ cho trẻ tập lẫy sớm
Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đưa ra lời khuyên rằng khi ngủ trẻ nên nằm ngửa, nhưng khi thức chơi ba mẹ nên cho trẻ tập lẫy. Thực tế, trẻ có xu hướng tập lẫy ngay từ khi xuất viện và nếu trẻ được tập lẫy sớm, quá trình lẫy sẽ của trẻ diễn ra dễ dàng hơn.
Việc mẹ cho trẻ tập lẫy sớm mang lại nhiều lợi ích như:
1. Lẫy sớm giúp cổ, lưng và cơ bắp của trẻ chắc khỏe hơn. Con cần tập lẫy cho các cơ rắn chắc giúp chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của con như: tập ngồi, tập bò, và đi lại.
2. Quá trình lẫy sẽ giúp tránh được chứng bẹp đầu, thường xảy ra khi trẻ nằm lâu. Nếu mẹ để trẻ nằm quá nhiều việc mắc chứng bẹp đầu là khó tránh khỏi.
3. Trẻ tập lẫy sẽ chủ động với khả năng quan sát môi trường xung quanh mình ở nhiều góc độ khác nhau. Điều này giúp hỗ trợ hỗ trợ rất tốt đến việc phát triển nhận thức của trẻ sau này.
4. Quá trình lẫy phát triển tầm nhìn của trẻ và trẻ có thể học cách được cách tập trung quan sát các vật thể trong tầm mắt.
5. Trẻ tập lẫy sớm, lẫy đúng thời điểm sẽ hạn chế được chứng trẹo cổ, xảy ra khi cơ cổ của trẻ căng ra và kéo nghiêng đầu về một hướng cố định.
Mẹ cần lưu ý khi trẻ bắt đầu tập lẫy thì không nên cho con tập trong thời gian quá dài, mẹ dành khoảng 20 phút mỗi ngày tập lẫy cùng con là tốt nhất. Và mỗi lần chỉ nên cho trẻ tập khoảng 2 – 3 phút. Chia đều thành nhiều khoảng thời gian trong ngày.
Lúc trẻ vừa ăn no xong không phải là thời gian thích hợp để lẫy, sẽ ảnh hưởng đến dạ dày con, thậm chí gây nôn trớ. Và khi mẹ nhận thấy con có dấu hiệu đang mệt mỏi hay không thoải mái, quấy khóc thì cũng không nên tập lẫy cho con, nếu không sẽ hình thành tâm lý phản kháng lại việc tập lẫy ở trẻ, trẻ sẽ không tỏ ra hợp tác với mẹ ở những lần tập lẫy tiếp theo. Đặc biệt, mẹ và người thân luôn phải luôn giám sát trẻ trong suốt quá trình tập lẫy và khi lẫy nên đặt trẻ nằm trên sàn nhà có không gian rộng rãi.
Cho trẻ tập lẫy sớm hoàn toàn không có ảnh hưởng hay gây hại gì đến việc phát triển của con. Tuy vây, mẹ chỉ nên cho con tập lẫy khi con thấy thoải mái và hợp tác tập lẫy cũng mẹ. Hãy tạo tâm lý thoải mái nhất cho việc học lẫy của con. Với một số trẻ, giai đoạn lẫy là hoàn toàn không có. Việc này xảy ra ở khá đông trẻ, mẹ cũng không cần lo lắng.