Mặt trái của cơm gạo trắng khi ăn hàng ngày

Cơm gạo trắng là món ăn quen thuộc hàng ngày trên mâm cơm gia đình. Mặc dù được sử dụng nhiều như vậy, cơm gạo trắng không phải hoàn toàn tốt cho sức khỏe con người. Bài viết dưới đây cung cấp một vài thông tin cần biết về mặt trái của cơm gạo trắng nếu chúng ta sử dụng khẩu phần ăn quá phụ thuộc vào nó.

Mặt trái của cơm gạo trắng khi ăn hàng ngày Mặt trái của cơm gạo trắng khi ăn hàng ngày

Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2

Theo kết quả nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Harvard được công bố trên Tạp chí Y học Anh ngày 15/03/2012, ăn cơm gạo trắng thường xuyên có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Các nhà nghiên cứu của khoa Dinh dưỡng, Trường Y tế Công cộng Harvard đã phân tích dữ liệu của bốn nghiên cứu trước đó đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Úc, được theo dõi trong khoảng thời gian 4 – 22 năm. Họ phát hiện ra rằng, trong số hơn 352.000 người tham gia nghiên cứu, những người ăn nhiều cơm gạo trắng nhất với 3 – 4 khẩu phần mỗi ngày có khả năng mắc bệnh tiểu đường cao gấp 1,5 lần so với những người ăn ít nhất. Ngoài ra, cứ thêm một bát cơm trắng lớn mà một người ăn mỗi ngày, nguy cơ tăng lên 10%. Mối liên hệ giữa khẩu phần cơm gạo trắng và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường còn có sự khác biệt giữa các nước châu Á và phương Tây. Nguy cơ này cao hơn ở người châu Á, những người ăn trung bình từ 3 – 4 phần cơm trắng mỗi ngày, so với người phương Tây ăn trung bình 1 – 2 phần một tuần.

Nguyên nhân của mối liên quan này là do gạo trắng có chỉ số đường huyết cao (64 trên thang điểm 100), nghĩa là cơ thể nhanh chóng chuyển đổi tinh bột trong gạo thành glucose, làm tăng đột biến lượng glucose trong máu. Ngoài ra, gạo trắng chứa rất ít chất xơ vì phải trải qua quá trình xay xát để loại bỏ lớp cám và mầm. Chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột và hạ thấp chỉ số đường huyết, tuy nhiên hàm lượng trong gạo trắng chỉ khoảng 0,3%.

Chính vì vậy, lời khuyên đối với người bị bệnh tiểu đường là hạn chế các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như gạo trắng, bánh mì trắng và nên ưu tiên ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt để bảo vệ sức khỏe.

vicare.vn-mat-trai-cua-com-gao-trang-khi-hang-ngay-body-1

Nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa

Một nghiên cứu ở Hàn Quốc được công bố năm 2013 cho thấy, chế độ ăn với cơm được nấu hoàn toàn từ gạo trắng khiến cho nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn so với nhóm ăn cơm trộn với thực phẩm khác (cơm trộn với đậu, cơm với nhiều hạt), đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Hội chứng chuyển hóa được đặc trưng bởi sự kết hợp của rối loạn chuyển hóa glucose và insulin, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Hội chứng chuyển hóa gây ra các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, xơ vữa động mạch, đột quỵ tim và não; do đó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe. Việc điều chỉnh chế độ ăn rất quan trọng với người mắc hội chứng chuyển hóa để làm giảm cholesterol máu và tình trạng kháng insulin.

Nguy cơ thừa cân

vicare.vn-mat-trai-cua-com-gao-trang-khi-hang-ngay-body-2
Ăn cơm gạo lứt thay thế để hạn chế mặt trái của cơm gạo trắng

Hàm lượng carbohydrate cao trong cơm gạo trắng có thể gây thừa cân nếu không có chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp. Marisa Moore, chuyên gia dinh dưỡng - người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho rằng nên thay thế cơm gạo trắng bằng gạo lứt vì chúng có nhiều chất xơ và thành phần dinh dưỡng đa dạng hơn, giúp kiểm soát cân nặng và hạn chế nguy cơ béo phì.

Các nghiên cứu kể trên đã nêu ra một số mặt trái của cơm gạo trắng nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về loại thực phẩm được coi là không thể thiếu trong bữa ăn của người châu Á. Tuy nhiên, các nghiên cứu không yêu cầu con người phải ngừng ăn cơm trắng, mà nên kiểm soát liều lượng tiêu thụ sao cho cân bằng với các chất dinh dưỡng khác để sức khỏe được bảo vệ tốt nhất. Chúng ta có thể giảm tần suất ăn cơm gạo trắng xuống còn khoảng 3 – 5 ngày/tuần và thay thế khẩu phần cho những bữa còn lại bằng gạo lứt hoặc ngũ cốc nguyên cám. Ngoài ra, do gạo trắng chứa ít chất xơ và tương đối dễ hấp thụ nên thích hợp với người bị bệnh dạ dày hay tiêu chảy, vì chúng không buộc cơ quan tiêu hóa phải làm việc quá nhiều.

Xem thêm:

  • Tác dụng phụ của nước gạo lứt rang
  • Cách làm nước gạo lứt rang lợi sữa thức uống tuyệt vời cho sự lựa chọn của mẹ sau sinh
  • Nhật ký giảm cân bằng gạo lứt muối mè từ diễn đàn webtretho được hàng trăm chị em quan tâm