Liệu bệnh sỏi bàng quang có nguy hiểm không?
Sỏi bàng quang là căn bệnh thường gặp ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi bàng quang ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy bệnh sỏi bàng quang có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của HoiBenh.
Liệu bệnh sỏi bàng quang có nguy hiểm không?
Sỏi bàng quang là căn bệnh thường gặp ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Sỏi bàng quang ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vậy bệnh sỏi bàng quang có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của HoiBenh nhé!
Sỏi bàng quang là gì?
Sỏi bàng quang được hình thành từ các chất hóa học khác nhau trong thận, niệu quản hoặc ở bàng quang. Sỏi bàng quang thường tròn, có kích thước to nhỏ khác nhau, hình thành 1 viên hoặc nhiều hơn trong đáy bàng quang.
Thành phần hóa học của sỏi bàng quang chủ yếu là chất canxi, amoni, magiê, photphat, oxalic hoặc xystin, các viên sỏi thường được bao bọc xung quanh bởi một lớp nhân tơ huyết bạch cầu.
Các viên sỏi thường di chuyển theo tư thế bệnh nhân. Tùy theo kích thước của viên sỏi, số lượng sỏi và một số yếu tố khác mà có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Nguyên nhân gây sỏi bàng quang
Bàng quang nằm ở vùng hạ vị của cơ thể, có hình dạng như một túi hình bầu dục, có đỉnh và đáy. Chức năng của bàng quang chứa đựng nhiều nước tiểu, kìm được nước tiểu và thải nước tiểu ra ngoài theo ý muốn. Nước tiểu được bài xuất từ thận qua đường dẫn niệu quản xuống lưu giữ ở bàng quang sau đó được thải ra ngoài qua niệu đạo.
Nguyên nhân gây sỏi bàng quang có thể kể đến như sau:
- Do người bệnh nhịn tiểu nhiều lần gây ra tình trạng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang
- Do sỏi từ thận và niệu quản rơi xuống
- Sỏi được sinh ra tại bàng quang do dị vật ở những người bị hẹp niệu đạo, phì đại tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang, túi thừa bàng quang hoặc sau phẫu thuật mổ sỏi thận, sỏi niệu quản,...
Triệu chứng của sỏi bàng quang
Những triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi bàng quang:
- Đi tiểu nhiều lần, nhất là ban ngày do đi lại, vận động nhiều
- Tiểu ra máu, nước tiểu có màu đục do bang quang bị nhiễm khuẩn
- Bị đau bụng dưới, đau buốt vùng hạ vị
- Trong trường hợp bị nhiễm khuẩn sẽ có hiện tượng sốt nhẹ
Các triệu chứng của bệnh sỏi bàng quang thường không rõ ràng, có thể gây nhầm lẫn với các bệnh như u xơ tuyến tiền liệt, u bàng quang, lao bàng quang, ung thư bàng quang. Chính vì thế, để chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị bệnh kịp thời, khi thấy xuất hiện những dấu hiệu trên, bạn cần phải đi khám ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Việc thăm khám lâm sàng có thể phát hiện ra bệnh sỏi bàng quang, khi dùng ống thông sắt sẽ nghe thấy có tiếng chạm sỏi. Hoặc thăm trực tràng khi bàng quang hết nước tiểu cũng có thể sờ thấy những hòn sỏi to. Soi bàng quang sẽ giúp nhận biết chính xác số lượng, hình dáng, kích thước và màu sắc của sỏi. Ngoài ra còn có thể phát hiện được các tình trạng khác như hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt hay túi thừa bàng quang.
Khi chụp Xquang vùng chậu hông sẽ thấy có hình sỏi ở bàng quang. Các xét nghiệm nước tiểu cũng có thể cho biết thêm được có hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu hay không.
Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?
Sỏi bàng quang sẽ trở nên nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lí kịp thời. Khi đó sỏi ở lại bàng quang càng lâu sẽ càng làm tổn thương niêm mạc bàng quang do lượng nước tiểu thay đổi liên tục, và do sự co bóp của thành bàng quang, làm cho viên sỏi cọ sát vào niêm mạc gây viêm loét, nhiễm khuẩn và chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển thành viêm bàng quang mạn tính và sau đó có thể bị teo bàng quang hoặc rò bàng quang.
Tình trạng teo bàng quang và rò bàng quang là một biến chứng vô cùng nguy hiểm và phức tạp do nước tiểu sẽ có khả năng chảy vào tầng sinh môn hoặc âm đạo. Nước tiểu liên tục chảy qua âm đạo hoặc hậu môn có thể gây nhiều bất tiện trong cuộc sống và sinh hoạt, lâu ngày gây nhiễm khuẩn đường sinh dục.
Ngoài ra, sỏi bàng quang còn gây nên tình trạng viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận. Các biến chứng này gây tốn kém về thời gian và tiền bạc trong quá trình điều trị, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
Như vậy bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp được câu hỏi bị sỏi bàng quang có nguy hiểm không? Để phòng bệnh sỏi bàng quang, bạn nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để tránh quá trình tích lũy cặn sỏi gây ra sỏi thận và sỏi bàng quang. Khi bị sỏi bàng quang, người bệnh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy từng mức độ nguy hiểm của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hay mổ nội soi. Người bệnh nên chủ động đi thăm khám sức khỏe định kì để được sớm điều trị bệnh và tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Phương Hoa