Liệu ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn có giúp bạn sống lâu hơn?

Từ lâu, các chuyên gia về sức khỏe đã kêu gọi mọi người chuyển từ ngũ cốc trắng tinh chế sang các loại ngũ cốc nguyên hạt, và nghiên cứu mới cho rằng lời khuyên này có thể giúp bạn sống lâu hơn.

Liệu ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn có giúp bạn sống lâu hơn? Liệu ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn có giúp bạn sống lâu hơn?

Trong suốt quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng những người mỗi ngày ăn từ ba phần ngũ cốc nguyên hạt trở lên có thể giảm được 20% nguy cơ chết sớm, so với những người ăn ít hơn hoặc không ăn ngũ cốc nguyên hạt.

“Bạn càng ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, thì tỉ lệ tử vong càng nhỏ, đặc biệt là các ca tử vong do bệnh tim mạch,” tác giả của nghiên cứu, tiến sỹ Qi Sun nói. Ông là trợ lý giáo sư về dinh dưỡng của trung tâm sức khỏe cộng đồng trường Havard T.H.Chan ở Boston.

Ngũ cốc nguyên hạt được gọi như vậy vì chúng chứa toàn bộ các thành phần của hạt, bao gồm cám (vỏ ngoài), mầm (nhân giàu dinh dưỡng) và nội nhũ (lớp giữa). Các thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt bao gồm bột mì nguyên hạt, yến mạch, gạo nâu và bột ngô nguyên hạt.

Khi các loại hạt được tinh chế, chúng được xay nhuyễn và quá trình chế biến loại bỏ toàn bộ vỏ cám và mầm, cũng như chất xơ, sắt và rất nhiều vitamin nhóm B. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bánh mì trắng, gạo trắng và bột mì trắng đều là ngũ cốc tinh chế.

an yen mach

Ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp bạn sống thọ hơn

Sun và các đồng nghiệp của mình đã xem xét các kết quả của 12 cuộc nghiên cứu đã được công bố cũng như những dữ liệu từ Khảo sát Dinh dưỡng và sức khỏe Quốc gia, những nghiên cứu được thực hiện trên gần 800.000 đàn ông và phụ nữ, nghiên cứu về dân số từ Mỹ, Anh và các nước Bắc Âu, các nghiên cứu từ 1971 đến 2010. Qua các giai đoạn nghiên cứu, thì đã có gần 98.000 ca tử vong được ghi lại.

Nghiên cứu không thể cho thấy mối quan hệ trực tiếp giữa nguyên nhân và hậu quả. Nhưng bản tổng hợp cho rằng nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim và đột quỵ giảm khoảng 25% khi bệnh nhân dùng ba phần ngũ cốc nguyên hạt một ngày (tổng cộng khoảng 48gr), so với những người ăn ít hoặc không ăn ngũ cốc nguyên hạt. Nguy cơ tử vong do ung thư cũng giảm khoảng 15%, các tác giả của bản nghiên cứu nói.

Sun cho biết, rất nhiều khả năng có thể giải thích cho chúng ta vì sao ăn ngũ cốc nguyên hạt lại giảm nguy cơ tử vong. Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, vì vậy chúng có thể giúp điều chỉnh lượng đường huyết và cải thiện mức cholesterol trong máu, do đó có thể giảm nguy cơ bị bệnh tim và tiểu đường. Chất xơ cũng có thể làm bạn cảm thấy no lâu hơn, thế nên bạn sẽ có thể ăn ít calo hơn, duy trì một cân nặng khỏe mạnh, và giảm nguy cơ bệnh tim, ông nói thêm.

Dựa trên một kết quả nghiên cứu, Sun nói rằng chế độ ăn ít tinh bột mà bỏ qua các lợi ích từ ngũ cốc nguyên hạt “Nên được áp dụng một cách thận trọng”, vì nó có thể khiến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.

ngu coc

Ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Để ăn đủ 48gr ngũ cốc nguyên hạt mỗi bữa, Sun nói, chúng ta có thể ăn ba lát bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt chẳng hạn.

Một chuyên gia dinh dưỡng có bằng cấp đồng ý với những phát hiện này.

“Kết quả của nghiên cứu này cung cấp sự hỗ trợ cho các hướng dẫn về gợi ý chế độ ăn uống bao gồm ba phần ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn hàng ngày của chúng ta,” Connie Diekman, trưởng khoa dinh dưỡng của đại học Washington ở St.Louis nói, “Ngược lại với nhiều chế độ ăn phổ biến, nghiên cứu này ủng hộ các lợi ích sức khỏe của ngũ cốc nguyên hạt và phản đối các quan niệm phổ biến cho rằng ngũ cốc là nguyên nhân gây béo phì.”

Vậy bạn làm thế nào để chắc rằng các thực phẩm bạn ăn thực sự là ngũ cốc nguyên hạt? Các thực phẩm có chữ ‘nguyên’ ở trước thành phần đầu tiên trong danh sách thành phần in trên nhãn mác đều là thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt, Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ cho biết.

Một số thực phẩm cũng là ngũ cốc nguyên hạt hoàn toàn tự nhiên như yến mạch, diêm mạch, gạo nâu, yến mạch cán, lúa mì bulgur, lúa hoang và ngô. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nói rằng bạn không thể đánh giá một thực phẩm có phải nguyên hạt hay không chỉ qua màu sắc của nó. Và, cơ quan này cũng ghi chú rằng các dòng quảng cáo trên bao bì như “100% lúa mì” v.v... cũng chưa chắc đã có nghĩa là sản phẩm đó được làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Hãy kiểm tra danh sách thành phần để chắc chắn hơn.

Nguồn: Wedmd