Lịch khám thai 3 tháng cuối bà bầu cần biết

3 tháng cuối là thời điểm trẻ phát triển nhanh để hoàn thiện, chuẩn bị cho quá trình chào đời. Lúc này, mẹ bầu cần chú ý thăm khám định kỳ để biết rằng thai nhi đang phát triển bình thường hay không. Vậy lịch khám thai 3 tháng cuối như thế nào? hãy cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau.

Lịch khám thai 3 tháng cuối bà bầu cần biết Lịch khám thai 3 tháng cuối bà bầu cần biết

1. Mục đích khám thai 3 tháng cuối là gì?

3 tháng cuối là giai đoạn mà bà bầu có những thay đổi cơ thể rõ ràng do em bé ngày càng lớn và chuẩn bị ra đời. Việc có những bất thường trong giai đoạn này sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm. Việc tuân thủ theo lịch khám thai 3 tháng cuối là cực kỳ quan trọng, giúp mẹ biết trước được những nguy cơ hoặc dấu hiệu không bình thường của thai kỳ.

2. Lịch khám thai 3 tháng cuối như thế nào?

vicare.vn-lich-kham-thai-3-thang-cuoi-ba-bau-can-biet-body-1

Các chuyên gia khuyến cáo lịch khám thai 3 tháng cuối như sau: từ tuần thứ 30 đến 35, bà bầu nên khám thai mỗi 2 tuần một lần và từ tuần thứ 36 cho đến lúc sinh, nên khám thai mỗi tuần một lần.

Các công việc thường được thực hiện trong lịch khám thai 3 tháng cuối này bao gồm:

2.1 Đo cân nặng và bề cao tử cung

Đo cân nặng và bề cao tử cung để xác định bạn có tăng cân tốt hay không. Trong toàn bộ quá trình mang thai, bà bầu nên tăng khoảng 12 kg. Cụ thể, 3 tháng đầu chỉ nên tăng 1 kg, 3 tháng giữa tăng 5kg, 3 tháng cuối tăng đến 6 kg. Như vậy, trong 3 tháng cuối, trung bình mỗi tháng bà bầu cần tăng đến 2 kg.

Việc tăng cân nhiều trong giai đoạn 3 tháng cuối này nhằm mục đích tránh suy dinh dưỡng bào thai làm trẻ sinh ra bị nhẹ cân, kém phát triển. Do đó, việc theo dõi cân nặng ở giai đoạn này rất quan trọng. Nếu thấy chưa đạt thì bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên cố gắng ăn uống để tăng cân nhiều hơn.

2.2 Đo huyết áp, xét nghiệm đạm niệu

Mục đích là để xác định xem bạn có nguy cơ bị tiền sản giật hay không. Tiền sản giật có biến chứng nguy hiểm như bà mẹ bị co giật, hôn mê, phù phổi cấp, suy tim cấp hoặc xuất huyết não gây tử vong, đối với thai nhi có thể gây suy dinh dưỡng bào thai, sinh non, có nguy cơ phải sinh sớm do bệnh trở nặng.

2.3 Thăm khám cổ tử cung

Việc thăm khám xác định độ dài và độ mở của cổ tử cung nhằm phát hiện sớm những trường hợp dọa sinh non. Nếu dọa sinh non không được can thiệp sớm thì có thể dẫn đến sinh non. Dù tỉ lệ sống của trẻ sinh non hiện nay đã tăng lên khá nhiều tuy nhiên trẻ thiếu tháng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như: bệnh màng trong, viêm phổi, chậm phát triển về thể chất, trí tuệ, dị tật bẩm sinh như câm, điếc, mù lòa...

2.4 Xét nghiệm đường máu

Xét nghiệm đường máu để phát hiện đái tháo đường thai kỳ. Đây là một bệnh lý nguy hiểm nhưng thường không có biểu hiện ra bên ngoài mà phải qua chỉ số xét nghiệm máu.

Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng với mẹ như: bệnh lý tại thận, tiền sản giật, bệnh tim.

Đối với thai nhi, đái tháo đường có thể gây sảy thai, dị tật thai, thai chết lưu, thai to gây sinh khó, nguy cơ con bị suy hô hấp sơ sinh, nguy cơ hạ đường huyết, vàng da sơ sinh nặng có thể làm tổn thương não vĩnh viễn.

2.5 Xét nghiệm nước tiểu

Đây là một xét nghiệm mà bà bầu nên làm để tầm soát nhiễm trùng tiểu, đặc biệt là nhiễm trùng tiểu thể không triệu chứng. Đây là một bệnh điều trị khá đơn giản nhưng nếu bỏ qua thì có thể dẫn đến nhiễm trùng ngược dòng lên thận gây viêm đài bể thận, nhiễm trùng huyết ở bà mẹ từ đó dẫn đến sinh non, sinh con thiếu cân, nhiễm trùng sơ sinh nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

2.6 Theo dõi tim thai, cơn co tử cung

vicare.vn-lich-kham-thai-3-thang-cuoi-ba-bau-can-biet-body-2

Khi thai được 35 tuần trở lên, bà bầu sẽ được theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung thông qua thiết bị monitor sản khoa. Mục đích việc theo dõi này là đánh giá sức khỏe thai nhi, phát hiện tình trạng suy thai sớm, đặc biệt là các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, dọa sinh non hoặc chuyển dạ sinh non.

2.7 Siêu âm thai

Đây là một điều không thể thiếu khi khám thai 3 tháng cuối. Qua việc siêu âm, bác sĩ có thể xác định được ngôi thai thuận hay nghịch, bánh rau có các bất thường như rau tiền đạo, rau bong non hay không, tình trạng nước ối có các bất thường như đa ối, thiểu ối hay vô ối không. Siêu âm cũng cho biết thai nhi có chậm tăng trưởng trong tử cung hay không. Nếu các số đo sinh học trên siêu âm của thai không tăng sau 2 tuần, khi đó bác sĩ sẽ có chỉ định theo dõi chặt chẽ hơn cho bạn.

2.8 Xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm

Các bệnh truyền nhiễm như viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, HIV/AIDS, giang mai... thường được tầm soát thông qua các xét nghiệm trong những giai đoạn sớm hơn. Tuy nhiên, nếu bà mẹ chưa thực hiện các xét nghiệm này thì tốt nhất cần làm ngay nhằm phát hiện và có hướng điều trị thích hợp, không để nguy hiểm cho cả mẹ và con.

2.9 Các xét nghiệm khác

Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm thêm các xét nghiệm liên quan đến tim, thận, tuyến giáp, chụp quang kích chậu, chụp cộng hưởng từ (MRI)... nếu như thai kỳ có dấu hiệu bất thường.

3. Dấu hiệu bà bầu cần đi khám ngay trong 3 tháng cuối

Nếu có những bất thường, mẹ bầu cần đi khám ngay, không được đợi đến lịch mới đi khám nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra:

Phù hoặc tăng cân quá nhanh

Phù ở tay, chân, mặt hoặc tăng cân quá nhanh có thể là hiện tượng giữ nước của cơ thể. Đây cũng là một dấu hiệu thường gặp của bệnh tiền sản giật. Nên khi có dấu hiệu này, bà bầu cần đi khám ngay.

Giảm cân đột ngột

Giảm cân đột ngột là một dấu hiệu bất thường mà mọi bà bầu không thể bỏ qua. Giảm cân đột ngột tiềm ẩn nhiều nguy cơ như suy thai, đái tháo đường hoặc ung thư...

Cử động thai ít

Trong giai đoạn 3 tháng cuối, bà bầu sẽ cảm nhận rõ hơn những lần đạp của thai.

Nếu thai nhi cử động từ 4 lần trở lên trong 1 giờ thì sức khỏe thai nhi đang bình thường. Nếu thai nhi cử động ít hơn 4 lần trong 1 giờ thì bà bầu cần đếm thêm 1 giờ kế tiếp vì có thể lúc này thai nhi đang ngủ. Nếu trong 1 giờ kế tiếp mà thai vẫn cử động ít hơn 4 lần thì có thể thai nhi đang bị yếu, khi đó bà bầu nên đi khám ngay để nhanh chóng phát hiện tình trạng sức khỏe thai nhi một cách chính xác.

Tăng tiết dịch âm đạo

Dịch âm đạo có thể tiết với lượng ít hoặc vừa phải trong thai kỳ. Nhưng nếu nó tăng lên quá nhiều thì bà bầu cần đi khám ngay. Vì dịch âm đạo tiết ra nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo màng ối bị vỡ gây rỉ nước ối.

Xuất huyết âm đạo

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, xuất huyết âm đạo có thể là dấu hiệu của nhau tiền đạo, nhau bong non hay vỡ tử cung rất nguy hiểm nên bà bầu không được chủ quan với dấu hiệu này.

Ngứa toàn thân kèm vàng da

Nếu bà bầu bị ngứa lan rộng khắp người kèm theo vàng da thì cần đi khám để đánh giá tình trạng bệnh lý ở gan. Đây có thể là hội chứng ứ mật trong gan, kéo dài dễ dẫn đến ngạt thai nhi, sinh non, thai chết lưu hoặc mẹ bị xuất huyết nặng sau sinh.

Đau bụng dữ dội

Khi mang thai, bà bầu có thể đau bụng nhưng với mức độ nhẹ. Nhưng, nếu đau bụng dữ dội là dấu hiệu bất thường. Nó có thể cảnh báo bà bầu đang chuyển dạ sinh non, rau bong non, vỡ tử cung...

Co giật

Một dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm đối với thai phụ trong 3 tháng cuối đó chính là co giật. Co giật là một dấu hiệu cảnh báo của tiền sản giật và khả năng cao bà mẹ đang mắc bệnh lý này. Lúc này cần đưa bà bầu đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Xem thêm:

  • Mẹ bầu bị cảm cúm khi mang thai 3 tháng cuối cần lưu ý gì?
  • Sức nặng của ốm nghén 3 tháng cuối thai kỳ mẹ cần vượt qua