Lao phổi thường mắc ở những độ tuổi nào?
Bệnh lao phổi rất dễ lây từ người sang người do lây qua đường hô hấp. Khả năng lây lan nhanh trong thời gian người bệnh chưa được điều trị, người lao phổi có thể cho 10 đến 15 người khác, nhất là trong các khu dân cư nhỏ như gia đình, lớp học,...Tuy nhiên, không phải ai cũng biết độ tuổi dễ mắc bệnh lao phổi.
Lao phổi thường mắc ở những độ tuổi nào?
Bệnh lao phổi rất dễ lây từ người sang người do lây qua đường hô hấp. Khả năng lây lan nhanh trong thời gian người bệnh chưa được điều trị, người lao phổi có thể cho 10 đến 15 người khác, nhất là trong các khu dân cư nhỏ như gia đình, lớp học,...Tuy nhiên, không phải ai cũng biết độ tuổi dễ mắc bệnh lao phổi. Vì vậy, HoiBenh sẽ cung cấp thêm thông tin đến các bạn qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh lao phổi là bệnh gì?
Bệnh lao phổi là bệnh do vi khuẩn lao còn được gọi là vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis hay Bacille de Koch (BK) gây ra. Vi khuẩn này tấn công vào các bộ phận trên cơ thể con người như bạch cầu, hệ tuần hoàn, não, xương sống, hệ tiêu hóa ... nhưng thường gặp nhất là phổi. Khi vi khuẩn BK tấn công vào phổi của con người người ta gọi là lao phổi.
Theo báo Người lao động, tùy theo vị trí bị bệnh mà người ta chia bệnh lao thành 2 thể chính là lao phổi và lao ngoài phổi. Bệnh lao ở phổi hay còn gọi với cái tên khác là lao phổi chiếm 80%, còn lại 20% là những thể lao khác nhau. Mỗi thể lao đều có những dấu hiệu riêng của nó nhưng thường gặp là lao phổi.
2. Dấu hiệu bệnh lao phổi
Triệu chứng bệnh lao phổi không phải khó nhận biết, tuy nhiên rất nhiều người bệnh chủ quan không chú ý phát hiện và điều trị sớm, đến khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám. Trường hợp mắc bệnh thường có những triệu chứng rõ ràng sau:
- Ho và ho ra máu: Ho nhiều kéo dài trong nhiều ngày, dùng thuốc kháng sinh nhưng không giảm có thể do lao phổi.
- Khạc đờm: Khạc đờm là biểu hiện tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản.
- Gầy, sút cân: Gầy, sút cân là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân lao phổi. Những bệnh nhân lao phổi thường gầy gò, ốm yếu, giảm cân mà không có lí do. Những bệnh nhân gầy, sút cân không có nguyên nhân rõ ràng không phải do tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm HIV/AIDS,... có các triệu chứng ho, khạc đờm có thể đã mắc lao phổi.
- Sốt, ra mồ hôi: Sốt là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hoặc gai gai lạnh về chiều. Trong lao phổi ra mồ hôi là do rối loạn thần kinh thực vật mà người ta thường gọi là ra mồ hôi trộm. Ngoài ra, còn kèm theo các triệu chứng khác như: chán ăn, mệt mỏi.
- Ngoài ra những bệnh nhân bị lao phổi thường bị tức ngực, thở dốc, khó thở, mệt mỏi
Đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, nếu gặp bất kì triệu chứng nào bạn cần phải đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám kịp thời.
3. Những ai dễ mắc bệnh lao phổi?
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Trẻ sơ sinh chưa có miễn dịch bảo vệ, phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị HIV, đái tháo đường, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch điều trị một số bệnh khác... là những người có nguy cơ cao dễ mắc lao phổi hoặc lao các bộ phận khác của cơ thể”.
Có thể thấy rõ ràng, lao phổi dễ gặp ở trẻ em và người già.
Lao phổi ở trẻ em
Tổn thương ở phổi thường xuất hiện sau tổn thương tiên phát từ 6 – 14 năm, do đó lao phổi trẻ em hay gặp từ 10 – 14 tuổi. Do có những thay đổi về nội tiết ở lứa tuổi này mà trẻ em hay bị các thể lao phổi nặng như phế quản - phế viêm do lao hoặc viêm phổi bã đậu. Điều đáng lưu ý là ở độ tuổi này trẻ đang học tập và chưa có những hiểu biết đầy đủ về bệnh tật, cho nên không ít trường hợp bệnh không được phát hiện sớm, do đó khả năng điều trị không khả quan.
Lao phổi ở người già
Do cơ thể bị giảm miễn dịch nên người già dễ bị lao phổi. Nếu ở người trẻ vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào gây bệnh là chính, thì ở người già nguồn gốc vi khuẩn chủ yếu là từ các tổn thương cũ trong cơ thể tái phát trở lại. Việc phát hiện bệnh lao phổi ở người già có thể bị chậm trễ vì nhiều người già bị các bệnh hô hấp mạn tính, triệu chứng của các bệnh này cũng giống triệu chứng của bệnh lao phổi (ho, đau ngực...), vì vậy khi bị lao lại cho là bị bệnh khác. Mặt khác, không ít trường hợp do điều kiện cuộc sống quá khó khăn lúc tuổi già nên không đi khám bệnh. Ở nước ta người già thường sống chung với con cháu, nếu không phát hiện và điều trị cho bệnh nhân lao ở lứa tuổi này thì sẽ là nguồn lây cho người khác trong gia đình. Ở người già, chức năng của các cơ quan bị suy giảm (trong đó có chức năng của gan – thận) và thường có những bệnh khác phối hợp, do đó khả năng dung nạp thuốc lao kém, vì vậy kết quả điều trị lao phổi cũng bị hạn chế.
Hiện nay, lao phổi nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi gần như hoàn toàn bằng các thuốc chống lao đặc hiệu. Vì vậy, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của lao phổi, bạn hãy nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị kịp thời.