Kỹ năng sơ cứu trẻ bị bỏng nước sôi cha mẹ cần nắm vững
Sơ cứu trẻ bị bỏng do nước sôi là một trong những kỹ năng mà cha mẹ cần phải trang bị đề phòng những trường hợp cần áp dụng. Điều này không chỉ hạn chế ít nhất tổn thương, di chứng về sau cho trẻ mà còn tránh được hậu quả khôn lường do sơ cứu sai cách gây ra.
Kỹ năng sơ cứu trẻ bị bỏng nước sôi cha mẹ cần nắm vững
Sơ cứu trẻ bị bỏng do nước sôi là một trong những kỹ năng mà cha mẹ cần phải trang bị đề phòng những trường hợp cần áp dụng. Điều này không chỉ hạn chế ít nhất tổn thương, di chứng về sau cho trẻ mà còn tránh được hậu quả khôn lường do sơ cứu sai cách gây ra.
Biến chứng của bỏng đối với trẻ em
Bỏng (hay còn gọi là phỏng) là vết thương hình thành khi tế bào da và các mô khác bị phá hủy do sức nóng cực độ xâm nhập vào cơ thể. Các vết bỏng thường do tiếp xúc với sức nóng từ hơi nước hoặc chất lỏng đang sôi, thức ăn vừa nấu xong, ... Trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ bị bỏng cao do chưa ý thức được mức độ nguy hiểm.
Mức độ nguy hiểm của bỏng đối với trẻ em:
- Thường xuất hiện các cơn co giật, rối loạn về tinh thần do hệ thần kinh trung ương ở trẻ nhỏ chưa được vững chắc (trẻ dễ hoảng sợ, bị sốc vì đau)
- Quá trình tự bảo vệ với sức đề kháng miễn dịch ở trẻ em đều chưa hoàn thiện, do vậy bỏng thường có xu hướng tiến triển nặng, các thương tích sâu hơn người lớn như tổn thương tận xương, cơ, mạch máu, thần kinh, ...
- Bỏng có thể gây mất nước, muối, huyết tương, ... khiến trẻ rơi vào tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, gầy mòn, thậm chí tử vong.
- Các vết bỏng nặng nguy cơ làm biến dạng cơ thể, tàn phế suốt đời như để lại sẹo vĩnh viễn, cử động khó khăn do co dính, các chi có thể bị cắt cụt, cứng khớp, ...
Nhận biết các mức độ bỏng
Để việc sơ cứu hiệu quả, an toàn và đúng phương pháp, cha mẹ cần nhận biết được tình trạng, mức độ bỏng của con em mình như thế nào. Dưới đây là phân loại mức độ bỏng để phụ huynh có thể tham khảo:
- Bỏng độ 1: đây là mức độ bỏng nhẹ nhất, vết thương chỉ xuất hiện ở lớp bề mặt của da. Vùng da bị bỏng sẽ bị đỏ, sau 2 – 3 ngày thì tự khỏi, không để lại sẹo.
- Bỏng độ 2: ảnh hưởng đến lớp da sâu hơn, có các bỏng nước, dễ bị nhiễm trùng. Sau 10 – 14 ngày sẽ lành da
- Bỏng độ 3: tất cả các lớp da đã bị tác động đến và gây thương tổn bao gồm tuyến mồ hôi, lỗ chân lông. Thời gian lành lâu và để lại sẹo.
- Bỏng độ 4: bỏng ở mức độ nặng nhất và ảnh hưởng đến tận xương, cơ khớp.
Sai lầm dễ mắc phải khi sơ cứu trẻ bị bỏng nước sôi
Sự lúng túng, nghe theo những biện pháp dân gian không đúng chính là những sai lầm mà cha mẹ hay mắc phải, khiến cho vết bỏng của trẻ càng nặng hơn, việc cứu chữa và điều trị càng phức tạp hơn.
- Sử dụng đá lạnh để làm mát vết thương: ngâm vết bỏng vào đá lạnh rất nguy hiểm bởi sẽ gây kích ứng da, co mạch, co cơ, cảm lạnh và hạ thân nhiệt. Điều này dẫn tới da trẻ bị bỏng kép, nhiễm trùng và hoại tử.
- Kem đánh răng: cách chữa dân gian cho răng đây là biện pháp làm dịu mát vết thương, nhưng trên thực tế đó là quan niệm hết sức sai lầm (trường hợp bị bỏng axit có thể sử dụng). Lý do là vì trong kem đánh răng có các hóa chất chứa kiềm, chúng dễ dàng xâm nhập, gây biến chứng khiến chỗ bỏng bị nặng và đau hơn.
- Lòng đỏ trứng gà: khi bôi lòng đỏ trứng làm vết bỏng bị nhiễm khuẩn rất nguy hiểm.
- Dầu, bơ: nhiều người cho rằng dầu dừa, dầu oliu, bơ rất tốt để chữa bỏng, tuy nhiên, dầu giữ nhiệt nên có thể khiến vết bỏng nặng thêm. Một số nơi còn sơ cứu trẻ bị bỏng bằng cách bôi nước mắm, giấm, ... Cần tuyệt đối tránh những cách này để không ảnh hưởng trầm trọng hơn.
- Tự ý dùng thuốc bôi/uống: không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc điều trị vết bỏng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Với thắc mắc, bị bỏng bôi gì cho nhanh khỏi, cần có chỉ định của thầy thuốc. Bé có thể dùng thêm thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen, diclofenac, ...), thuốc sát trùng ngoài da (cetrimide, chlorhexidine, ...), thuốc kháng sinh nhưng cần theo dõi để xử trí tránh tác dụng không mong muốn.
7 bước cha mẹ nên làm khi sơ cứu trẻ bị bỏng nước sôi
Cách ly trẻ khỏi nguyên nhân gây bỏng
Trẻ bị bỏng nước sôi hay bé bị bỏng cháo, canh cần nhanh chóng tìm cách bế trẻ ra khỏi vùng nước nóng đang đổ lên người.
Dội nước mát lên vết bỏng
Khi trẻ bị bỏng độ 1 hoặc độ 2, cần ngay lập tức dội nước mát lên vết bỏng trong thời gian 20 phút. Đây là bước đầu tiên nên làm để giảm đau, làm dịu, ngăn ngừa tổn thương da sâu hơn.
Làm sạch vết bỏng
Phải thật cẩn thận, nhẹ nhàng khi làm sạch vết bỏng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nên sử dụng các loại xà phòng có tính kháng khuẩn nhẹ, chú ý không chà xát mạnh lên vết thương.
Tháo gỡ quần áo
Nếu nó không dính chặt vào vết bỏng thì bố mẹ có thể cắt bỏ toàn bộ phần quần áo đang che phủ vết bỏng. Tuyệt đối không cởi bỏ hoặc lột áo qua đầu vì dễ gây lột da. Sau đó tiếp tục dội thêm nước mát lên vết bỏng.
Băng bó
Che vết bỏng bằng băng giúp giảm bụi bẩn, nhiễm trùng xâm nhập. Đối với bỏng độ 1, độ 2, bé bị bỏng phồng rộp nhưng chưa vỡ thì không nên băng. Kỹ thuật băng là băng lỏng lẻo và không dính băng trực tiếp lên vết bỏng, dùng vải hoặc gạc y tế chuyên dụng, sạch, không gây dính.
Trấn an, dỗ dành trẻ
Sau khi bị bỏng, trẻ sẽ quấy khóc do hoảng loạn, đau đớn, bị sốc nên bố mẹ cần nhanh chóng vỗ về, an ủi trẻ. Cho trẻ uống nước nếu trẻ khát và đặt ở tư thế nằm.
Nếu trẻ đang bú sữa mẹ thì mẹ cần cho trẻ bú liên tục, bổ sung thêm nước có khoáng, oresol để trẻ không bị mất nước.
Đánh giá tình trạng của bé
Nếu diện tích da bị bỏng nhỏ và không nặng, có thể tự lành thì sau sơ cứu có thể điều trị bỏng cho bé tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Với trường hợp bỏng diện tích rộng, trẻ đau đớn nhiều, hoặc có bất kỳ biểu hiện bất thường cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để cứu chữa kịp thời.
Khi nào cần đưa trẻ đi bệnh viện?
Với mức độ bỏng độ 1 thường chỉ cần sơ cứu và bôi thuốc, chăm sóc vết thương theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần theo dõi vết bỏng chặt chẽ để tránh trường hợp nhiễm trùng hoặc tổn thương nặng hơn.
Khi thấy trẻ bị bỏng độ 2 trở lên với bất kỳ tình trạng nào dưới đây, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được điều trị sớm:
- Bé bị bỏng phồng rộp có diện tích vùng da bị bỏng lớn hơn 2cm
- Vết bỏng ở quanh khớp như khớp gối, khuỷu tay, ...
- Bỏng xuất hiện ở bẹn, mặt, trẻ bị bỏng bàn tay, bàn chân, mông, ...
- Trẻ có biểu hiện thở gấp, hôn mê
- Những vết bỏng độ 3, độ 4 cần lập tức đưa đến bệnh viện ngay, không nên tự chữa cho trẻ ở nhà để ngăn chặn nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.
Cách phòng tránh nguy cơ bị bỏng ở trẻ
Bỏng là một hiện tượng hoàn toàn ngăn ngừa được, cha mẹ có thể chủ động phòng tránh cho trẻ bằng một số biện pháp sau:
- Phụ huynh và người thân cần chú ý giám sát trẻ bởi chúng rất hiếu động và tò mò.
- Nên sắp xếp đồ đạc, vật dụng trong nhà hợp lý. Những vật dụng dễ gây bỏng (phích nước, thức ăn mới nấu, ...) phải để xa tầm tay của trẻ. Gia đình nên bố trí bếp hoặc khu vực nấu ăn an toàn, tốt nhất nên có vách ngăn cho trẻ tới gần..
- Không để trẻ tự tắm bằng vòi nước nóng và luôn phải kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.
- Tuyệt đối tránh va đụng khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, ... Cẩn trọng khi dùng khăn trải bàn bởi trẻ có thể kéo khăn trải bàn cùng thức ăn, nước nóng rơi xuống và gây bỏng.
- Khi trẻ đã lớn hơn một chút cần luôn nhắc nhở các bé về phòng tránh tai nạn bỏng.
Xem thêm:
- Trẻ chập chững biết đi có nguy cơ cao bỏng mắt do hóa chất
- Mẹo hay chữa bỏng bô an toàn, hiệu quả không để lại sẹo
- Bỏng do nổ trạm biến áp, sơ cứu nhanh như thế nào?