Kinh nguyệt vón cục: Khi nào là bất thường, cần đi khám?
Kinh nguyệt vón cục là một vấn đề mà rất nhiều chị em phụ nữ có thể gặp phải trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, rất nhiều người thắc mắc hiện tượng này là bình thường hay bất thường, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào?
Kinh nguyệt vón cục: Khi nào là bất thường, cần đi khám?
Bài viết sẽ cung cấp thông tin cụ thể xoay quanh hiện tượng kinh nguyệt vón cục cho bạn.
Kinh nguyệt vón cục là gì?
Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ bị bong tróc lớp niêm mạc tử cung một lần trong mỗi chu kỳ từ 28 đến 35 ngày. Niêm mạc tử cung còn có thể được gọi là nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung phát triển và dày lên trong chu kỳ kinh nguyệt do tác động của nội tiết tố estrogen. Điều này sẽ tạo điều kiện cho trứng đã thụ tinh có thể làm tổ trong buồng tử cung. Nếu không xảy ra quá trình thụ tinh, lớp nội mạc tử cung sẽ bị bong ra và gây chảy máu. Hiện tượng này được gọi là chu kỳ kinh nguyệt.
Khi nội mạc tử cung bị bong tróc ra sẽ hoà lẫn với máu, mô và chất nhầy. Hỗn hợp này ban đầu nằm ở đáy tử cung và sau đó được cổ tử cung co bóp và tống xuất qua âm đạo ra bên ngoài cơ thể. Để hỗ trợ quá trình phân hủy máu và mô, cơ thể sẽ giải phóng các chất chống đông máu để làm loãng máu và giúp máu di chuyển ra ngoài dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, khi máu kinh nguyệt quá nhiều thì khả năng sản xuất chất chống đông máu của cơ thể sẽ không đủ đáp ứng nên gây ra các cục máu đông, hay còn gọi là kinh nguyệt vón cục. Do đó, kinh nguyệt vón cục thường gặp nhất trong những ngày có lượng máu kinh nguyệt nhiều.
Đối với nhiều phụ nữ, lượng máu kinh nguyệt nhiều thường xảy ra vào những ngày đầu hành kinh. Lượng máu kinh nguyệt bình thường là từ 30 đến 50 ml hoặc ít hơn và kéo dài từ 4 đến 5 ngày.
Đối với phụ nữ có lượng máu kinh nguyệt nhiều có thể dẫn đến kinh nguyệt vón cục. Một phần ba số phụ nữ có lượng máu kinh nguyệt nhiều đến nỗi có thể thấm ướt một miếng băng vệ sinh mỗi giờ trong vài giờ.
Đặc điểm của kinh nguyệt vón cục bình thường và bất thường là gì?
Sau đây là một số đặc điểm gợi ý để bạn có thể xác định tình trạng kinh nguyệt vón cục của mình là bình thường hay bất thường.
Kinh nguyệt vón cục bình thường
- Kích thước các cục máu đông: thường có đường kính nhỏ hơn 2,5 cm.
- Không xuất hiện thường xuyên, thường là vào đầu chu kỳ kinh nguyệt.
- Có màu đỏ nhạt hoặc đỏ sẫm.
- Thường không chảy máu kinh nguyệt nặng.
Kinh nguyệt vón cục bất thường
- Kích thước các cục máu đông: thường có đường kính lớn hơn 2,5 cm.
- Xuất hiện thường xuyên, bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ kinh nguyệt.
- Có thể kèm theo chảy máu kinh nguyệt nặng làm bạn phải băng vệ sinh mỗi hai giờ hoặc thường xuyên hơn nữa.
Đối với kinh nguyệt vón cục bình thường thì bạn không cần quá lo lắng, do nó có thể xuất hiện trong một khoảng thời gian, sau đó biến mất và thường không do một nguyên nhân nào gây ra cả. Còn đối với kinh nguyệt vón cục bất thường, bạn cần đặc biệt lưu ý đi khám sớm để mau chóng tìm ra nguyên nhân và điều trị. Chỉ khi bạn điều trị dứt điểm được nguyên nhân thì kinh nguyệt vón cục bất thường mới có thể khỏi được.
Nguyên nhân nào gây ra kinh nguyệt vón cục bất thường?
Nguyên nhân thường là do các yếu tố cơ học và yếu tố nội tiết có tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn tạo ra một lượng máu kinh nguyệt lớn và gây kinh nguyệt vón cục. Các nguyên nhân cụ thể phải kể đến như sau:
Tắc nghẽn tử cung
Các tắc nghẽn ở tử cung có thể cản trở sự co bóp của tử cung. Khi tử cung co bóp không tốt, máu có thể bị ứ lại nên có thời gian để đông lại bên trong lòng tử cung và hình thành các cục máu đông, sau đó bị tống xuất ra ngoài. Tắc nghẽn tử cung có thể được gây ra bởi các bệnh lý như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, bệnh cơ tuyến tử cung, ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.
U xơ tử cung
U xơ tử cung thường là khối u lành tính phát triển trong thành tử cung. Bên cạnh kinh nguyệt vón cục, u xơ tử cung còn gây ra các triệu chứng sau:
- Kinh nguyệt không đều, có tháng đến sớm, có tháng đến muộn.
- Đau thắt lưng.
- Khi quan hệ tình dục bị đau vùng bụng dưới.
- Bụng to ra khi khối u xơ tăng kích thước.
Có đến 80% số phụ nữ sẽ xuất hiện u xơ tử cung vào thời điểm từ 30 đến 50 tuổi. Hiện chưa rõ nguyên nhân, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng di truyền và các nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone có thể đóng vai trò trong việc hình thành u xơ tử cung.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung hiện diện và phát triển thêm bên ngoài tử cung và thường là ở âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Do có thêm nội mạc tử cung lạc chỗ nên khi hành kinh thì nội mạc tử cung ở những vị trí này cũng sẽ bong tróc và chảy máu, kết hợp với máu kinh nguyệt từ buồng tử cung nên làm lượng máu kinh nhiều hơn dẫn đến kinh nguyệt vón cục. Trong chu kỳ kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung có thể có các triệu chứng sau:
- Đau bụng kinh nhiều kèm chuột rút.
- Buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy.
- Đau vùng xương chậu.
- Khi quan hệ tình dục có cảm giác khó chịu.
Nguyên nhân chính xác gây ra lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được xác định rõ, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố di truyền, nội tiết tố và tiền sử phẫu thuật vùng chậu được cho là có liên quan đến tình trạng này.
Bệnh cơ tuyến tử cung
Bệnh cơ tuyến tử cung xảy ra khi nội mạc tử cung hiện diện bên trong cơ của thành tử cung. Do đó có thể làm cho tử cung to ra và dày lên, gây chảy máu kinh nguyệt nặng và kéo dài nên dễ dẫn đến kinh nguyệt vón cục. Bệnh cơ tuyến tử cung thường có thể làm tử cung phát triển to gấp 2 đến 3 lần kích thước bình thường.
Ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng khối ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung có thể dẫn đến chảy máu kinh nguyệt nặng và gây ra kinh nguyệt vón cục.
Mất cân bằng nội tiết tố
Để nội mạc tử cung có thể phát triển và dày lên đúng cách, cần có sự cân bằng của các nội tiết tố như estrogen và progesterone. Nếu có quá nhiều hoặc quá ít một trong các nội tiết tố này, bạn có thể bị chảy máu kinh nguyệt nặng làm kinh nguyệt vón cục.
Một số nguyên nhân có thể gây mất cân bằng nội tiết tố như:
- Tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Căng thẳng.
- Tăng cân hoặc sụt cân đáng kể.
- Suy giáp.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
Triệu chứng chính của sự mất cân bằng nội tiết tố là rối loạn kinh nguyệt, chẳng hạn như kinh nguyệt của bạn có thể đến muộn hơn và kéo dài hơn bình thường.
Sảy thai
Theo tổ chức March of Dimes, có đến một nửa số trường hợp phụ nữ mang thai bị sảy thai. Tỷ lệ này thật sự rất khó tin nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp sảy thai xảy ra rất sớm, trước khi người phụ nữ biết rằng mình đã có thai.
Khi sảy thai, có thể gây ra chuột rút, chảy máu nặng, máu đông lại tạo thành kinh nguyệt vón cục.
Bệnh von Willebrand
Kinh nguyệt vón cục cũng có thể gây ra bởi bệnh von Willebrand (VWD). Bệnh von Willebrand là một bệnh lý rối loạn về đông cầm máu do sự suy giảm hoạt tính của yếu tố von Willebrand trong máu. Có khoảng 5 đến 24% trường hợp kinh nguyệt bị vón cục xảy ra do bệnh lý này.
Ngoài kinh nguyệt vón cục, bạn còn có triệu chứng chảy máu nhiều sau một vết thương nhỏ hoặc nướu răng của bạn rất dễ bị chảy máu. Khi có các dấu hiệu này thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được xác định sớm.
Biến chứng của kinh nguyệt vón cục là gì?
Nếu kinh nguyệt vón cục xảy ra thường xuyên thì sẽ gây ra một số biến chứng. Một trong những biến chứng phải kể đến đó là thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu là tình trạng xảy ra khi không có đủ lượng sắt trong máu để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nguyên nhân của việc thiếu sắt này là do mất sắt quá nhiều qua kinh nguyệt vón cục, trong khi chế độ ăn không thể bù sắt kịp. Các triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt bao gồm:
- Mệt mỏi thường xuyên.
- Cảm thấy không có sức lực.
- Xanh xao.
- Khó thở.
- Đau ngực.
Ngoài ra, kinh nguyệt vón cục còn có thể gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng lớn đến công việc, học tập và vui chơi giải trí của bạn.
Cách xác định nguyên nhân của kinh nguyệt vón cục
Để xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể hỏi bạn những vấn đề gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt như bạn có phẫu thuật vùng chậu trước đó hay không, sử dụng biện pháp tránh thai nào hoặc đã từng có thai chưa...
Bác sĩ cũng sẽ thăm khám tổng quát cũng như thăm khám phụ khoa cho bạn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau đây để cố gắng tìm ra nguyên nhân:
- Xét nghiệm máu: để kiểm tra sự mất cân bằng nội tiết tố, chức năng tuyến giáp hoặc bệnh lý về đông cầm máu như bệnh von Willebrand. Xét nghiệm máu cũng có thể được sử dụng để kiểm tra xem bạn có bị biến chứng thiếu máu hay chưa.
- Xét nghiệm Pap: các tế bào được lấy ra từ cổ tử cung của bạn và chúng sẽ được đánh giá các thay đổi để xem liệu đây có phải là nguyên nhân gây kinh nguyệt vón cục hay không.
- Siêu âm: Bác sĩ có thể làm siêu âm, một phương pháp an toàn, không đau, sử dụng sóng siêu âm, để theo dõi lưu lượng máu và kiểm tra xem bạn có bị u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung hay không.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: trong phương pháp này, các mẫu mô của nội mạc tử cung sẽ được thu thập và đánh giá để phát hiện các tế bào bất thường.
- Siêu âm bơm nước buồng tử cung (SHG): phương pháp này cho phép bác sĩ khảo sát nội mạc tử cung của bạn. Bác sĩ sẽ bơm chất lỏng, thường là nước muối sinh lý, vào buồng tử cung của bạn thông qua một đường ống được đưa vào âm đạo và cổ tử cung, sau đó bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm. Chất lỏng giúp bác sĩ siêu âm nhìn thấy nội mạc tử cung chi tiết hơn nên có thể dễ dàng phát hiện những bất thường.
- Nội soi buồng tử cung: đối với phương pháp này, bác sĩ có thể gây mê toàn thân hoặc có thể chỉ cần gây tê cục bộ ở vùng chậu của bạn. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào buồng tử cung để quan sát xung quanh tử cung của bạn một cách chi tiết hơn. Phương pháp này giúp chẩn đoán u xơ tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến điện để tạo ra hình ảnh tử cung của bạn. Đây là một phương pháp an toàn, không đau và có giá trị cao trong phát hiện các bất thường ở tử cung.
Kinh nguyệt vón cục được điều trị như thế nào?
Kiểm soát tình trạng chảy máu kinh nguyệt nặng là cách tốt nhất để điều trị kinh nguyệt vón cục. Các biện pháp kiểm soát tình trạng chảy máu kinh nguyệt nặng thường dùng như sau:
Sử dụng nội tiết tố và các loại thuốc khác
Các nội tiết tố được đưa vào cơ thể có thể ức chế sự phát triển của nội mạc tử cung.
Với dụng cụ tử cung giải phóng nội tiết tố progestin có thể làm giảm 90% lưu lượng máu kinh nguyệt và với thuốc tránh thai chứa nội tiết tố có thể làm giảm 50% lưu lượng máu kinh nguyệt. Các biện pháp tránh thai nội tiết tố trên còn có lợi trong việc làm chậm sự phát triển của u xơ tử cung.
Đối với những phụ nữ không muốn hoặc không thể sử dụng nội tiết tố thì có một lựa chọn phổ biến khác là thuốc acid tranexamic (Cyklokapron, Lysteda) hoặc acid aminocaproic (Amicar) giúp ngăn chặn quá trình đông máu và làm tan cục máu đông. Theo một số nghiên cứu, acid tranexamic có thể làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt giúp cải thiện kinh nguyệt vón cục đến 58%.
Phẫu thuật
Đôi khi bạn cần phẫu thuật thì mới có thể điều trị khỏi kinh nguyệt vón cục.
Thủ thuật nong và nạo buồng tử cung
Hay còn được gọi là thủ thuật D & C (dilation & curettage), được dùng để điều trị kinh nguyệt vón cục. Bên cạnh đó, thủ thuật này còn có thể dùng để xác định nguyên nhân gây ra kinh nguyệt vón cục trong những trường hợp khó. Thủ thuật nong và nạo buồng tử cung bao gồm việc nong rộng cổ tử cung và nạo nội mạc tử cung.
Thủ thuật được thực hiện ngoại trú, nghĩa là bạn không cần phải nằm viện, kết hợp với việc sử dụng thuốc an thần. Sau thủ thuật, kinh nguyệt của bạn sẽ mất đi một thời gian khoảng vài tháng cho đến khi lớp nội mạc tử cung phát triển và dày trở lại.
Phẫu thuật loại bỏ cấu trúc bất thường
Đối với những phụ nữ có một cấu trúc bất thường gây kinh nguyệt vón cục như u xơ tử cung hay khối lạc nội mạc tử cung không đáp ứng tốt với thuốc, phẫu thuật để loại bỏ những cấu trúc này có thể rất cần thiết. Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất, vị trí của cấu trúc này. Nếu cấu trúc bất thường lớn, bạn có thể phải phẫu thuật hở. Phẫu thuật này có thể tạo ra một vết mổ lớn ở bụng để bác sĩ có thể tiếp cận vào tử cung. Nếu cấu trúc bất thường nhỏ, phẫu thuật nội soi có thể sử dụng được. Nội soi cũng tạo ra các vết mổ ở bụng, nhưng chúng nhỏ hơn và sau phẫu thuật, bạn sẽ ít đau hơn cũng như cải thiện sức khoẻ nhanh hơn.
Phẫu thuật cắt tử cung
Một số phụ nữ có thể lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ tử cung để điều trị dứt điểm kinh nguyệt vón cục. Trong phẫu thuật này, tử cung của bạn sẽ bị cắt bỏ, điều đó có nghĩa là bạn sẽ không còn kinh nguyệt nữa. Đây có thể là một lựa chọn được xem xét khi thuốc cũng như các phương pháp điều trị khác không có tác dụng và bạn không có nhu cầu có con nữa.
Cần thảo luận với bác sĩ điều trị của bạn về những ưu điểm và nhược điểm của tất cả các phương pháp điều trị để có thể chọn lựa phương pháp tối ưu nhất cho bạn.
Có cách nào để tự kiểm soát kinh nguyệt vón cục không?
Kinh nguyệt vón cục có thể ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày của bạn, khiến các hoạt động học tập, công việc, sinh hoạt, vui chơi giải trí của bạn không được trọn vẹn do có thể gặp nhiều phiền toái.
Những lời khuyên sau có thể giúp bạn tự kiểm soát kinh nguyệt vón cục một cách tốt hơn:
- Dùng thuốc kháng viêm không steroid không kê đơn như ibuprofen (Advil, Motrin) khi mới bắt đầu hành kinh, cũng là lúc mà lượng máu kinh nguyệt nhiều có thể bị vón cục. Bên cạnh việc giảm triệu chứng chuột rút do kinh nguyệt vón cục gây nên, thuốc kháng viêm không steroid không kê đơn có thể giúp bạn giảm mất máu từ 20 đến 50%. Lưu ý: Nếu bạn mắc bệnh von Willebrand, bạn nên tránh sử dụng loại thuốc này.
- Bạn có thể sử dụng mỗi lần cùng lúc hai miếng băng vệ sinh hoặc một miếng băng vệ sinh kèm theo một chiếc tampon vào những ngày lượng máu kinh nguyệt nhiều nhất. Chúng sẽ tạo độ thấm hút cao nên có thể giúp bạn không phải khó chịu khi máu kinh nguyệt chảy ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt.
- Bạn nên sử dụng một tấm lót chống thấm nước hoặc một chiếc khăn đặt trên chiếu hoặc nệm khi bạn ngủ vào ban đêm để tránh làm ướt chiếu hoặc nệm.
- Mặc quần áo tối màu để che giấu bất kỳ sự cố nào có thể xảy ra do máu kinh nguyệt nhiều có thể thấm ra quần áo.
- Luôn luôn mang theo các vật dụng phục vụ cho kinh nguyệt bên mình như băng vệ sinh, tampon, cốc nguyệt san... Để khi cần thì bạn có thể sử dụng được ngay.
- Khi đi du lịch hoặc đi một nơi nào mới lạ, bạn cần chú ý tìm trước nhà vệ sinh gần nhất để dự phòng khi bạn xuất hiện kinh nguyệt vón cục nhiều thì nhanh chóng sử dụng nhà vệ sinh đó.
- Bạn cần có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và đầy đủ. Chảy máu nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bạn. Do đó, bạn nên uống nhiều nước và tuân thủ một chế độ ăn uống cân đối, đặc biệt cần bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như các loại đậu, đậu phụ, thịt bò, hải sản và các loại rau có màu xanh đậm...
(HoiBenh chuyển ngữ từ Healthline - Verywellhealth - Nsh)
Xem thêm:
- Rối loạn kinh nguyệt - Nỗi lo của chị em ngày “đèn đỏ”
- 6 hiểu nhầm về chu kỳ kinh nguyệt các bạn nữ nên biết