Kinh nghiệm tự phát hiện ung thư vú chính xác tại nhà
Ung thư vú chuyện không của riêng ai, đặc biệt ngày nay ung thư vú đã trở thành nỗi lo hàng đầu của giới nữ. Vậy hãy bảo vệ bản thân ngay từ bây giờ và tìm hiểu bắt đầu từ tuổi nào có khả năng cao bị ung thư vú và cách kiểm tra tại nhà.
Kinh nghiệm tự phát hiện ung thư vú chính xác tại nhà
1. Các dấu hiệu nên chú ý sớm của ung thư vú
Dấu hiệu, triệu chứng của ung thư vú rất đa dạng, thường không có biểu hiện đau nhức nên phải dựa theo những dấu hiệu bất thường điển hình khác để phát hiện.
- Khối u vú: 80-90% bệnh nhân ung thư vú có khối u và có thể sờ nắn được bằng tay khi kích thước từ 1cm trở lên.
- Tiết dịch núm vú: Khoảng 5% người bệnh ung thư vú có tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc dịch hồng.
- Núm vú thụt vào trong: Núm vú bị tụt sâu, cứng, dùng tay kéo cũng không được.
- Nhăn bề mặt vú: Triệu chứng này gặp ở một số ít bệnh nhân. Khi bầu ngực xuất hiện khối u sẽ phá vỡ cấu trúc da và tạo nên những nếp nhăn ở bên ngoài bề mặt vú.
Để tự tra xem, chỉ cần đứng trước gương, giơ cánh tay lên (bởi những nếp nhăn này không xuất hiện khi đưa tay xuống). Khi thấy xuất hiện những nếp nhăn ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt vú thì cần phải đến gặp bác sĩ ung bướu càng sớm càng tốt.
- Viêm da vùng quanh vú: Da quanh vú đỏ, phù dưới dạng da cam. Ngoài ra người bệnh có thể bong da vảy nến, da sần sùi kèm nổi mẩn ngứa ở ngực.
- Hạch ở nách: Nếu bạn có một khối u hoặc vết sưng đau dưới cánh tay kéo dài trong một tuần không rõ nguyên nhân, đó có thể là những dấu hiệu giai đoạn đầu của ung thư vú.
Trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn muộn, khối u to xâm lấn da gây vỡ, chảy dịch, máu ra ngoải. Một số trường hợp khác di căn vào xương (gây đau xương vùng di căn), di căn phổi (ho ra máu, tức ngực)...
2. Độ tuổi nào thường mắc bệnh ung thư vú?
Độ tuổi trung bình mắc ung thư vú là trên 40, rất hiếm khi gặp ở những phụ nữ trẻ.
Theo báo cáo thống kê, dưới 10% ung thư vú xảy ra trước tuổi 40, 25% xảy ra trước tuổi 50 và trên 50% xảy ra sau 50 tuổi. Ung thư vú rất hiếm gặp ở nam giới dù vẫn có trường hợp xảy ra.
>> Xem thêm tư vấn của BS Nguyễn Thị Hương Linh (Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) về ung thư vú:
- Ung thư vú - những điều cần biết
- Chẩn đoán và điều trị ung thư vú
- Máy siêu âm tầm soát ung thư vú hiện đại nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam
3. Tự kiểm tra và phát hiện sớm ung thư vú tại nhà
Đây có thể được coi là một việc quan trọng nhất cho tất cả phụ nữ đã bước vào tuổi trưởng thành.
Các chuyên gia khuyên từ tuổi 20, phụ nữ nên tự kiểm tra vú mỗi tháng 1 lần, ngay sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra với phụ nữ từ 40 trở lên, nên chụp X- quang tuyến vú mỗi năm 1-2 lần.
- Bước 1: Để ở tư thế xuôi 2 tay, quan sát các dấu hiệu dễ nhìn thấy như trên đã liệt kê.
- Bước 2: Đứng thẳng giơ 2 tay lên đầu và hơi đổ người về phía trước và quan sát sự bất thường của ngực như ở bước 1.
- Bước 3: Đầu tiên đưa 1 tay lên đầu, dùng 3 ngón tay trỏ, giữa, áp út của tay còn lại để xoa nắn vú, bắt đầu từ trong quầng vú, song song vừa ấn nhẹ vừa di chuyển "bước theo nhau" lần ra ngoài theo đường xoắn ốc hoặc thẳng hàng từ trên xuống dưới.
Nếu thấy có vùng bất thường ở 1 bên, nên đối chiếu với bên còn lại xem có giống nhau không.
Tiếp tục đưa tay di chuyển lên ấn nhẹ lên vùng hõm nách xem có hạch hoặc bất thường gì không.
Sau đó nắn nhẹ nhàng núm vú xem có chảy dịch bất thường không.
- Bước 4: Tiếp tục kiểm tra tương tự như bước 2 ở tư thế nằm có đệm gối hoặc khăn dưới vai.
Sau khi phát hiện có những bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế khám để xác định chính xác nhất.
4. Chẩn đoán ung thư vú
Việc tự khám sàng lọc là bước quan trọng để phát hiện sớm ung thư vú nhưng để xác định chính xác căn bệnh này vẫn cần phải chẩn đoán đủ theo "bộ ba" gồm: Khám lâm sàng: X quang tuyến vú và Chọc hút tế bào.
Khi cả 3 phương pháp này đều cho kết quả dương tính thì ung thư vú được chẩn đoán xác định.
Nếu một trong ba yếu tố đó cho kết quả âm tính cần phải làm thêm các xét nghiệm khác và thường phải làm sinh thiết để khẳng định.
Nếu cả 3 yếu tố này đều là âm tính khả năng ung thư là thấp, có thể để theo dõi tiếp.
Xem thêm:
- Tầm soát ung thư vú là làm những gì?
- 10 đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú
- Khám phát hiện ung thư vú ở đâu chuẩn nhất tại Hà Nội