Kinh nghiệm đi đẻ ở bệnh viện 108 mẹ bầu nào cũng phải biết để chuẩn bị cho kỹ
Trong quá trình mang thai nếu không gặp phải những trở ngại quá nghiêm trọng như bị mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường... thì mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm đăng ký sinh ở bệnh viện 108. Kinh nghiệm đi đẻ ở bệnh viện 108 của các mẹ dưới đây sẽ giúp chị em có thêm kinh nghiệm cho lần vượt cạn sắp tới của mình
Kinh nghiệm đi đẻ ở bệnh viện 108 mẹ bầu nào cũng phải biết để chuẩn bị cho kỹ
Trong quá trình mang thai nếu không gặp phải những trở ngại quá nghiêm trọng như bị mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường... thì mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm đăng ký sinh ở bệnh viện 108. Kinh nghiệm đi đẻ ở bệnh viện 108 của các mẹ dưới đây sẽ giúp chị em có thêm kinh nghiệm cho lần vượt cạn sắp tới của mình.
Bệnh viện 108 được biết đến là một nơi có dịch vụ tốt, bác sĩ đỡ đẻ tận tâm chuyên nghiệp. Phòng hậu sinh sạch sẽ, được trang bị điều hoà, lại không bị quá tải, mỗi sản phụ được nằm một giường, phòng bệnh cũng không đông.
Ngoài ra, khi sinh ở bệnh viện 108, bé yêu của mẹ sẽ được cắt rốn bằng tia laze (giúp vết thương mau lành...) thay vì để rụng rốn như bình thường.
1. Những đồ cần mang theo khi đi đẻ ở bệnh viện 108
Khi nhập viện chuẩn bị sinh các bạn cần chuẩn bị để mang theo những thứ sau:
1.1 Giấy tờ
- Hồ sơ sinh: sổ khám thai và toàn bộ xét nghiệm tuần 36 làm tại bệnh viện
- Bảo hiểm y tế của mẹ (2 bản photo): Dù bạn không có bảo hiểm tại viện 108 thì khi sinh vẫn được nhập viên dưới dạng cấp cứu, bảo hiểm sẽ chi trả 80%. Nếu bạn có hộ khẩu tại Hà Nội, trước khi sinh vài tháng có thể ra phòng bảo hiểm xã hội của quận để làm thủ tục chuyển nơi khám chữa bệnh sang viện 108.
- Hộ khẩu (chuẩn bị sẵn nhưng chưa cần mang theo ngay): Khi làm thủ tục ra viện và thanh toán viện phí thì cần hộ khẩu để lấy giấy chứng sinh (dành cho việc làm giấy khai sinh cho bé sau này).
- Tiền mặt: Khi vào khoa sản khám và làm thủ tục nhập viện thì cần nộp tạm ứng viện phí là 5 triệu. Khi làm thủ tục ra viện, thừa hoặc thiếu thì sẽ hoàn tiền/ nộp bổ sung sau.
1.2 Đồ dùng cần mang theo
Đồ cho mẹ:
- Bỉm người lớn dành cho mẹ (4-5 chiếc): dùng khi vỡ ối, thấm máu ra sau khi khâu và dùng ở phòng sau sinh. Diana Mama hoặc Caryn đều được.
- Khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng
- Tất mỏng (nếu sinh mùa hè), tất dày (nếu sinh mùa đông): Sinh xong mất sức, cơ thể yếu, dễ bị cảm lạnh nên chuẩn bị tất để giữ ấm chân.
- Bình giữ nhiệt: Ở bệnh viện có sẵn cây nước nóng lạnh, sản phụ mang theo bình giữ nhiệt có nắp là cốc để có thể lấy nước ấm dùng, không cần mang theo phích.
- Quạt giấy/ nan/nhựa/ tích điện gọn nhẹ: Các phòng sau sinh ở viện 108 khá ấm nên nhiều lúc hơi nóng và bí. Chuẩn bị quạt để phe phẩy cho đỡ bí vì không mở rộng dễ hút gió và có thể khiến các bé bị lạnh
Đồ cho bé:
Viện 108 không có sẵn đồ cho bé sau sinh nên các mẹ cần chuẩn bị trước từ nhà. Bạn có thể xếp gọn đồ cho vào giỏ nhựa hoặc xếp vào một chiếc túi loại nhỏ để mang đi cho tiện.
- Quần áo, mũ vải/ che thóp, khăn quấn, tất tay/chân đủ dùng cho 2 ngày nếu mẹ sinh thường, 4 ngày nếu mẹ sinh mổ.
- Bỉm dành cho bé sơ sinh (newborn) 5+ chiếc
- Quần tam giác để đóng bỉm sơ sinh nếu là bỉm dán: 5 chiếc
- Chăn quấn bé: Chăn cotton (nếu sinh mùa hè)/ Chăn lông mềm (nếu sinh mùa đông). Nên mua chăn vì sau này có thể dùng đắp cho bé khi không cần quấn nữa.
- Khăn xô sữa: lau mặt cho bé khoảng 3 cái.
- Khăn vải khô đa năng: vệ sinh cho bé khoảng nửa bịch
Lưu ý:
Trước khi vào phòng sinh nên để sẵn 1 bộ quần áo, 1 mũ vải, 1 khăn quấn, 1 bỉm sơ sinh đã dán sẵn vào quần tam giác (nếu là bỉm dán), bao tay/chân vào một túi riêng để khi lên bàn sinh, chuyển cho các cô hộ sinh để mặc cho bé.
2. Kinh nghiệm đi đẻ ở bệnh viện 108 được các mẹ chia sẻ
2.1 Kinh nghiệm sinh thường tại bệnh viện 108
Dưới đây là những chia sẻ của mẹ Thu Nguyễn về việc đi đẻ tại viện 108
- Khi có dấu hiệu sinh vào viện mẹ vào thẳng Khoa sản, tầng 9 của bệnh viện. Vào đây nhân viên trực sẽ hỏi dấu hiệu và khám trong cho mẹ, sau đó có thể là chạy monitor nếu mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ rõ ràng.
- Khoa sản không cho người nhà vào nên các mẹ cần chuẩn bị sẵn những đồ cần thiết và đưa cho hộ lý trước.
- Sau khi cổ tử cung mở đủ độ mẹ được yêu cầu thay đồ sau đó được chuyển vào phòng đẻ.
- Vào phòng đẻ, mẹ nhớ mang ít nhất 2 cái bỉm loại to như bỉm Caryn chẳng hạn.
- Trong phòng đẻ thường có 2 người đỡ đẻ gồm bác sĩ và hộ lý (đỡ chính thì chỉ 1), khi đã vào phòng đẻ mẹ nên nghe và làm theo mọi điều mà bác sĩ và hộ lý nói. Đừng gào thét to quá, sẽ bị mắng làm tâm lý mẹ hoang mang.
- Trong phòng đẻ bác sĩ sẽ hỏi mẹ có lấy máu gót chân cho con không, nếu có họ sẽ đăng ký luôn cho mẹ.
- Khi sinh thường nếu không có vấn đề gì thì con sẽ được trả về cho mẹ ngay sau đó. Em bé sinh ra sẽ được cắt rốn bằng laze.
- Nếu mẹ sinh thường thì việc khâu tầng sinh môn sau sinh sẽ khiến mẹ phải chịu đựng cảm giác đau và chỉ mong nó trôi qua thật nhanh. Nhưng hãy tự động viên rằng mình đã vượt qua cơn đau đẻ để thấy con thì mọi sự đau đớn sẽ vơi bớt.
- Xong xuôi mọi việc mẹ sẽ được đẩy về phòng nghỉ, nếu là phòng tự nguyện thì chỉ có 2 mẹ một phòng, phòng ốc sạch sẽ, nhân viên nhẹ nhàng và người nhà được chăm sóc thêm giờ. Sản phụ còn được phục vụ ngày 3 bữa (sáng cháo, trưa, chiều cơm). Các món ăn đa dạng kèm tráng miệng...
- Tắm bé: Hàng ngày khoảng 8h các cô y tá sẽ đón các con đi tắm, mẹ chỉ cần chuẩn bị 1 bỉm/ tã dán sẵn đó cho con. Các mẹ cũng sẽ được y tá vệ sinh hàng ngày.
- Nếu có bảo hiểm và được chi trả 80% thì một ca sinh thường hết khoảng tầm 6 triệu.
- Các mẹ lưu ý là Bệnh viện 108 chỉ cho đăng ký sinh trước tuần 26.
2.2 Kinh nghiệm đẻ mổ tại bệnh viện 108
Đến ngày dự sinh mà mình vẫn chưa có cơn đau, 2 vợ chồng sốt ruột quá nên nhờ bác sĩ quen sắp xếp cho mổ trong ngày hôm sau. Sáng đến làm thủ tục nhập viện. Mình lên phòng khám và được bác sĩ chỉ định cho nhập viện đẻ mổ. Sau đó mình xuống tầng 1 làm thủ tục mang theo: hồ sơ sinh, CMTND, bảo hiểm y tế.
Làm xong thủ tục, mình đi đóng tiền, bệnh viện sẽ yêu cầu mình đặt cọc một khoản tiền. Sau đó mình được hướng dẫn đi lấy quần áo, chăn gối vào khoa Sản đợi. Đến trưa thì bác sỹ mổ cho mình thông báo mình được xếp mổ ca cuối cùng của sáng hôm sau. Thế là 2 vợ chồng ở trong viện ngồi đợi ở phòng chờ sinh.
Nếu chưa lên bàn mổ thì mẹ hãy tranh thủ tắm rửa, gội đầu vì sinh xong sẽ phải kiêng tắm gội mấy hôm. Đêm hôm đó, mình có cơn đau và bắt đầu ra máu, y tá bảo mở 3 phân, hai vợ chồng dìu nhau đi bộ suốt đêm để nhanh mở nhưng đến gần sáng vẫn không thấy gì nên nhà vẫn quyết định mổ.
Sáng hôm sau, y tá bảo mình nhịn ăn, đi “thụt tháo” để chuẩn bị mổ. Trưa cùng ngày, y tá báo mình chuẩn bị quần áo cho em bé (gồm: bao tay, bao chân, mũ che thóp, áo, quần dán tã, bỉm, tã chéo, tã vuông). Sau đó, mình đi theo y tá lên tòa nhà 9 tầng của bệnh viện 108 (khu sinh). Vào phòng mổ, bác sĩ yêu cầu cởi hết quần áo rồi nằm lên bàn mổ. Mình được cắm ống truyền, máy đo...
Sau khi các bác sĩ trong kíp mổ vào phòng thì mình được gây tê. Khi thuốc gây tê có tác dụng các bác sĩ bắt đầu mổ. Trong lúc mổ, ê kíp vẫn nói chuyện - trao đổi với nhau nên mình cũng đỡ sợ nhiều. Lúc đó, cảm giác như kiểu có người đang nhào nặn bụng mình vậy, không đau, về sau mình mới biết đó là lúc các bác sĩ ấn bụng cho em bé ra.
Rồi mình nghe thấy tiếng khóc của con. Sau khi được y tá hút mũi, bé được bế ra cho mẹ nhìn một chút trước khi được đưa xuống để kiểm tra sức khỏe. Trong phòng mổ có đồng hồ nên mình có thể biết thời gian em bé ra đời, mẹ nào bị cận thì có thể nhờ các bác sĩ nhìn hộ giờ chào đời của em bé nhé. Sau khi bác sĩ khâu vết mổ xong, mình được đưa vào phòng theo dõi sau mổ. Đấy là một phòng rất rất to và có rất nhiều giường bệnh dành cho các bệnh nhân hậu phẫu. Trong phòng có một bác sĩ chuyên theo dõi sức khỏe của bệnh nhân trong đó. Khoảng 2-3h sau, mình từ phòng hậu phẫu sẽ được đưa về phòng sau sinh. Lúc đó, em bé nếu không có vấn đề gì cũng sẽ được đưa về cùng với mẹ.
Theo nhiều mẹ chia sẻ: sinh con ở viện 108 khá yên tâm, bác sĩ nhẹ nhàng, phòng ốc sạch sẽ, con được cắt rốn bằng lazer nên về nhà bé được tắm thoải mái mà không lo vụ nhiễm trùng rốn như bình thường.
Tuy nhiên có một điều mà các mẹ phải lưu ý nếu chọn bệnh viện 108 làm nơi dự sinh đó là bệnh viện không có khoa dành cho trẻ sơ sinh. Nên nếu em bé sinh ra gặp phải vấn đề gì sẽ phải chuyển đến bệnh viện khác để xử lý.
Hy vọng những kinh nghiệm đi đẻ ở bệnh viện 108 trên đây sẽ giúp mẹ có lựa chọn đúng đắn trước khi đăng ký sinh tại viện.
Xem thêm:
- Sinh đẻ ở Bệnh viện 108 có tốt không?
- Kinh nghiệm đẻ mổ từ A-Z mẹ bầu cần biết