Kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân gút
Người ta vẫn thường nói đến gút như một căn bệnh của vua chúa hay bệnh của người có tiền bởi căn bệnh này thường xuất hiện trên những người ăn uống thừa chất.Tuy nhiên, hiện nay gút không chỉ xuất hiện trên những người giàu nữa.
Kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân gút
Tại Việt Nam, hàng triệu người đang phải khổ sở vì gút và tỉ lệ người mắc mới mỗi năm không ngừng tăng cao.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh gút
Gút là bệnh xuất hiện do rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể con người. Biểu hiện của bệnh là viêm ở các khớp, chủ yếu gặp ở nam giới (95%), tuổi trung niên (30 đến 40 tuổi). Cơn viêm cấp tính thường xuất hiện sau các bữa ăn nhiều rượu thịt, sau chấn thương hoặc phẫu thuật, sau khi lao động nặng, nhiễm khuẩn cấp, thậm chí là sau khi đi lại nhiều hay xúc động mạnh,...
Khoảng 50% người bị gút có dấu hiệu báo trước như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, tiểu tiện nhiều, sốt nhẹ. Khoảng 60% - 70% người bị gút có biểu hiện viêm cấp ở khớp ngón chân cái. Khi bị viêm cấp, bệnh nhân đau dữ dội, ngón chân sẽ sưng to, phù nề, căng bóng, bóng đỏ, sung huyết nặng. Mỗi đợt viêm kéo dài 1 đến 2 tuần, ban đêm đau nhiều hơn ngày. Sau đó các triệu chứng viêm nhẹ dần, đau giảm, bớt phù nề hơn, phần bị sưng da tím dần, hơi ướt, có ngứa nhẹ rồi bong vảy. Sau khi dứt đợt viêm, bệnh không để lại di chứng gì nhưng có thể tái phát vài lần trong năm, khiến bệnh nhân rất khổ sở.
Gút mạn tính có thể là giai đoạn tiếp theo của gút cấp tính, nhưng phần lớn người bị gút mạn tính bắt đầu bị bệnh từ từ, tăng dần, không qua các đợt viêm cấp. Biểu hiện của gút mạn tính là nổi u cục quanh các khớp, đầu xương, sụn do sự lắng đọng của urat; viêm đa khớp mạn tính dạng nhẹ và vừa nên rất dễ nhầm với bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Nếu đi khám, bệnh nhân cũng có thể thấy các biểu hiện khác ở thận như sỏi thận hay các vấn đề liên quan đến thần kinh.
Chăm sóc bệnh nhân gút như thế nào?
Đối với người bệnh bị gút cấp tính thì cần thăm khám và điều trị tại bệnh viện. Còn nếu bệnh nhẹ hoặc gút mạn tính có thể điều trị tại nhà theo đơn của bác sĩ. Để điều trị đúng cách, người bệnh gút cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý. Cụ thể như sau:
Chăm sóc bệnh nhân gút qua chế độ ăn
- Tuyệt đối không cho bệnh nhân gút ăn các thực phẩm giàu đạm có gốc purin như:
+ Hải sản và các loại thịt có màu đỏ như: thịt bò, ngựa, trâu, dê...
+ Các loại phủ tạng động vật như: lòng, tim, gan, thận, óc và lưỡi...
+ Các loại trứng đang trong quá trình phát triển thành phôi như: trứng vịt lộn,gà lộn...
- Hạn chế cho bệnh nhân gút ăn những thực phẩm giàu đạm khác như :
+ Đạm động vật: thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, thịt cá, lươn, cua, ốc, ếch...
+ Đạm thực vật: các loại đậu nói chung như: đậu Hà Lan, đậu đỏ, đậu xanh, đậu trắng, đậu phụ, sữa đậu nành,...
+ Các loại thực phẩm mầm như: măng tre/nứa, nấm, giá, vì sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.
- Nên cho bệnh nhân gút ăn: các thực phẩm, rau xanh giàu chất xơ. Ví dụ như dưa leo, rau cải xanh, cải bắp, bí đỏ, lê, táo, nho, củ sắn, khoai tây, cà chua... để giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, giảm sự hình thành acid uric.
Chăm sóc bệnh nhân gút qua chế độ uống
- Tuyệt đối không cho bệnh nhân gút uống bất kỳ một dạng chất cồn nào như rượu, bia,... vì cồn có thể làm giảm bài tiết acid uric qua thận.
- Hạn chế cho bệnh nhân gút đồ uống có tính lợi tiểu như các loại nước ngọt có ga vì nó làm tăng nguy cơ béo phì - một trong những yếu tố tăng nặng bệnh gout.
- Người bệnh gút cũng không được uống trà, cà phê, nước mát nấu từ thực vật (như nước rau má, mía lau,...) vì nó có cơ chế làm giảm việc bài tiết acid uric qua nước tiểu.
- Giảm các đồ uống có nhiều vitamin C như : nước cam, chanh, nước trái cây giàu vitamin C vì các đồ uống này làm tăng nguy cơ kết tinh urate ở ống thận, từ đó tăng nguy cơ sỏi thận.
- Nên uống: nước lọc (2 đến 3 lít nước mỗi ngày) để phòng ngừa ứ đọng tinh thể urat tại thận; nước khoáng không ga có độ kiềm cao nhằm giúp tăng đào thải acid uric và hạn chế urate kết tinh tại ống thận.
Chăm sóc bệnh nhân gút qua chế độ sinh hoạt
- Trong cơn đau cấp: Tuyệt đối để khớp của bệnh nhân gút nghỉ ngơi vì sự vận động sẽ làm phóng thích nhiều hơn các tinh thể muối urat đi vào trong khớp, khiến khớp sưng đau nhiều hơn. Tốt nhất là cho bệnh nhân gút nằm nghỉ ngơi hoặc bất động bằng nẹp hay bằng bột sẽ giúp giảm đau tốt hơn.
- Ngoài cơn đau: Bệnh nhân gút cần phải có chế độ lao động và sinh hoạt thích hợp với tình trạng của khớp đau. Các việc phải làm cụ thể như sau:
+ Lên kế hoạch và thực hiện giảm cân, tránh béo phì cho bệnh nhân gút.
+ Giúp bệnh nhân gút vận động nhẹ nhàng, vừa sức nhưng thường xuyên.
+ Tránh để bệnh nhân gút làm việc nặng, làm việc quá sức hoặc luyện tập thể thao với cường độ mạnh.
+ Giúp bệnh nhân gút giữ ấm cơ thể, tránh để nhiễm lạnh.
+ Giúp bệnh nhân giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh stress.
+ Nhắc bệnh nhân gút ngâm chân nước nóng hàng tối, việc này có thể làm thường xuyên nhưng không nên sử dụng nước quá nóng, cũng không nên ngâm chân lúc đang bị viêm cấp.
Trên đây là những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân gút. Hi vọng những lưu ý này sẽ giúp các bạn đang có người thân, bạn bè bị gút chăm sóc họ tốt hơn, hạn chế những đau đớn của người bệnh gút.
Chú ý: Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, người đọc cần cân nhắc trước khi áp dụng.