Kiêng khem trong điều trị ung thư: Sai lầm của nhiều người Việt?
Chính những quan niệm sai lầm, thiếu hiểu biết về căn bệnh này khiến cho nhiều bệnh nhân mắc ung thư gặp khó khăn trong việc điều trị kịp thời. Nếu ăn uống kiêng khem quá, người bệnh sẽ bị suy nhược, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng trước khi bệnh ung thư kịp phát triển
Kiêng khem trong điều trị ung thư: Sai lầm của nhiều người Việt?
Tại tọa đàm khoa học “Ung thư không phải dấu chấm hết" do Hội Nội khoa Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện K Trung Ương tổ chức, các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra những quan điểm sai lầm trong điều trị ung thư tại Việt Nam như ung thư là “án tử”, ung thư có thể lây nhiễm, “bỏ đói tế bào ung thư” dẫn tới suy kiệt hay những trào lưu uống lá, cúng bái... khiến người bệnh không chỉ “tiền mất tật mang” mà còn dẫn tới những hậu quả khôn lường, thậm chí tử vong.
Theo số liệu mới nhất cho thấy, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020.
GS-TS Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc Bệnh viện K, có 5 kiểu kiêng rất phi lý mà các bệnh nhân ung thư vẫn hay áp dụng. Thứ nhất, nhiều người cho rằng ung thư là do số phận nên khi bị bệnh cứ “thuận theo lẽ trời" mà không điều trị. Thứ hai, đã ung thư là không đụng dao kéo, không phẫu thuật cho dù thầy thuốc, bác sĩ có chỉ định.
Sai lầm thứ ba là không xạ trị, hóa trị. Sai lầm thứ tư là ăn uống kiêng khem, không ăn chất đạm, chỉ ăn gạo lức, muối vừng vì cho rằng ăn khổ như vậy tế bào ung thư không phát triển. Về vấn đề dinh dưỡng khi bị ung thư, GS-TS Đức cho rằng bệnh nhân ung thư cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe nhằm chiến đấu với bệnh tật. "Nếu ăn uống kiêng khem quá, người bệnh sẽ bị suy nhược, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng trước khi bệnh ung thư kịp phát triển", GS-TS Đức khuyến cáo.
Sai lầm thứ năm, theo GS-TS Đức là quan niệm khi bị ung thư không được đến đám tang vì làm vậy sẽ nhanh chết. "Đó là những quan niệm sai lầm, khi kiêng khem như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh tình, tâm lý, dinh dưỡng, thậm chí đến tính mạng”, GS Đức nhấn mạnh.
Cũng tại buổi tọa đàm, TS.BS Phạm Thị Việt Hương lên án mạnh mẽ về việc kỳ thị, xa lánh bệnh nhân ung thư, chị cho rằng, việc “Kỳ thị ung thư là một tội ác” vì ung thư hoàn toàn không lây nhiễm, đồng thời kêu gọi cộng đồng chia sẻ, quan tâm hơn nữa đến nhóm bệnh nhân này.
Chị Trần Thị Cẩm Bào - bệnh nhân đã có 4 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú cũng chia sẻ những kinh nghiệm về chặng đường chiến đấu với bạo bệnh, những điểm tựa tinh thần; đặc biệt là bí quyết sống khỏe “4 chữ T” và nhìn ung thư bằng con mắt mỹ học.
PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K trung ương khuyến cáo, người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu thông tin, tài liệu chính thống về phòng, chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế, hiệp hội ung thư uy tín. Đặc biệt, bệnh nhân cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình để hiểu rõ về tình hình bệnh, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng. Theo ông Trần Văn Thuấn, điều trị ung thư là vấn đề phức tạp, tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao hay thấp phụ thuộc lớn vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn.
Theo Công Lý
>>>Xem thêm: Phương pháp cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tiền liệt tuyến
>>>Xem thêm: Tổng hợp 3 loại thuốc hỗ trợ điều trị ung thư tốt hiện nay