Kiến thức cần biết khi có thai ngoài tử cung

Trong những thập niên gần đây, tỷ lệ thai phụ tử vong do có thai ngoài tử cung khá cao. Đây là nguyên nhân gây tử vong mẹ cao nhất trong sản khoa ở 3 tháng đầu. Vì vậy việc trang bị cho mình những kiến thức về có thai ngoài tử cung là vô cùng cần thiết để tự bảo vệ mình. Vicare sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về vấn đề này.

Kiến thức cần biết khi có thai ngoài tử cung Kiến thức cần biết khi có thai ngoài tử cung

Định nghĩa có thai ngoài tử cung

Có thai ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ và phát triển trong buồng tử cung. Thai có thể làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung hoặc các vị trí khác trong ổ bụng. Thống kê cho thấy có hơn 95% trường hợp có thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi trứng (55% ở loa, 25% ở eo, 17% ở đoạn bóng và 2% ở đoạn kẽ). Nguy cơ tử vong ở thai phụ có thai ngoài tử cung cao gấp 50 lần nạo thai.

Triệu chứng lâm sàng báo hiệu có thai ngoài tử cung

  • Trễ kinh.
  • Ngực căng tức, buồn nôn, lợm giọng.
  • Chảy máu một ít, màu nâu đen hoặc màu sôcôla, có thể lẫn màng, khối lượng và màu sắc không giống với máu hành kinh.
  • Đau bụng vùng hạ vị, đau âm ỉ có khi đau thành cơn, trong và sau mỗi cơn đau lại ra ít máu.
vicare.vn-kien-thuc-can-biet-khi-co-thai-ngoai-tu-cung-body-1
  • Ngất: có thể vì cơn đau làm bệnh nhân choáng váng, cảm giác muốn ngất hoặc ngất đi.
  • Có thể kèm theo triệu chứng chèn ép: táo bón, tiểu khó.
  • Da xanh xao hoặc ánh vàng do thiếu máu, tan máu, mệt mỏi toàn thân, gầy sút, sốt nhẹ.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến có thai ngoài tử cung

Nguyên nhân lớn nhất là do tổn thương ống dẫn trứng.

50% trường hợp là do hậu quả của viêm nhiễm Chlamydia và lậu cầu làm thay đổi cơ chế vận chuyển của vòi trứng.

Các nguyên nhân khác là do sự di chuyển chậm trễ của hợp tử vào buồng tử cung hoặc do hợp tử di chuyển sang vòi trứng đối diện dưới yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh.

Nguyên nhân có thai ngoài tử cung không rõ ràng nhưng thường phối hợp với một số yếu tố nguy cơ:

  • Viêm nhiễm phụ khoa ảnh hưởng đến vòi trứng.
  • Tiền sử có phẫu thuật vòi trứng, tái tạo hoặc nối vòi trứng.
  • Tiền sử có thai ngoài tử cung.
  • Sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: thụ tinh trong ống nghiệm, kích thích rụng trứng.
  • Sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp chứa progestin.
  • Polyp hoặc túi thừa vòi trứng, khối u trong hoặc ngoài vòi trứng đè ép làm hẹp vòi trứng.
  • Hút thuốc lá hoặc sống lâu ngày trong môi trường có nhiều khói thuốc lá.
vicare.vn-kien-thuc-can-biet-khi-co-thai-ngoai-tu-cung-body-2

Xét nghiệm thăm dò để phát hiện dấu hiệu có thai ngoài tử cung

  • Thăm khám: cổ tử cung và thân tử cung mềm, tử cung hơi to nhưng không tương xứng với tuổi thai bình thường, cạnh tử cung có thể sờ thấy khối mềm, ấn vào rất đau.
  • Định lượng thì hCG trong trường hợp này thấp hơn thai kì bình thường.
  • Siêu âm: không thấy hình ảnh túi ối trong buồng tử cung, cạnh tử cung có thể thấy một vùng âm vang không đồng nhất có ranh giới rõ, kích thước thường nhỏ. Một số trường hợp còn có thể nhìn thấy âm vang thai và hoạt động của tim thai nằm ngoài buồng tử cung.
  • Chọc dò Douglas có thể thấy có máu đen loãng, không đông.
  • Soi ổ bụng: nhìn thấy một bên vòi trứng căng phồng có màu tím đen, rất có khả năng đó là khối thai.

Điều trị có thai ngoài tử cung

  • Điều trị nội khoa: Khi thai có kích thước nhỏ hơn 3.5 cm, thai chưa vỡ, < 10.000 mUI/mL, không tìm thấy hoạt động của tim thai và người mẹ có huyết động học ổn định. Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp nội khoa thích hợp với từng ca khác nhau. Có thể tiêm thuốc toàn thân hoặc chỉ tiêm thuốc vào phôi thông qua đường siêu âm âm đạo.
  • Phẫu thuật: áp dụng khi tuần hoàn không ổn định, có dấu hiệu dọa vỡ hoặc sốc do vỡ thai, người mẹ có các bệnh nội khoa và kết quả siêu âm có nhiều dịch ổ bụng, người mẹ dị ứng với thuốc điều trị nội khoa.
    • Điều trị tận gốc: sẽ cắt bỏ ống dẫn trứng đến sát gốc tử cung.
    • Điều trị bảo tồn: khi bệnh nhân muốn duy trì khả năng sinh sản, mở ổ bụng hoặc nội soi xẻ ống dẫn trứng để hút thai và cầm máu.
  • Điều trị phẫu thuật kết hợp điều trị nội khoa: sau khi can thiệp nội soi bảo tồn ống dẫn trứng sẽ kết hợp nội khoa để tránh sót thai và tăng hiệu quả điều trị.

Rủi ro gặp phải khi có thai ngoài tử cung

Điều đáng buồn là khả năng sinh sản của những phụ nữ đã từng mổ để lấy thai ngoài tử cung là rất khó khăn. Có đến 50% trường hợp bị vô sinh sau đó và 15% bị tái phát có thai ngoài tử cung trở lại, 30% có thai lại bình thường. Những phụ nữ trẻ chưa có con khi có thai ngoài tử cung nên phẫu thuật bảo vệ vòi trứng.

Chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời khi có thai ngoài tử cung thì tiên lượng thường tốt. Khi thai ngoài tử cung vỡ, mất máu nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Phòng ngừa có thai ngoài tử cung

  • Giữ vệ sinh vùng kín thật tốt, đặc biệt là trong chu kì kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau khi sinh nở hoặc trong giai đoạn điều trị viêm nhiễm phụ khoa.
  • Thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng các biện pháp an toàn.
  • Hạn chế nạo phá thai.
  • Phòng ngừa và điều trị sớm khi có viêm nhiễm, đặc biệt nên chú ý chữa sớm các bệnh liên quan đến lạc nội mạc tử cung
  • Khi mang thai trở lại cần báo cho bác sĩ biết nếu như bạn đã từng có thai ngoài tử cung trước đây.
  • Sau khi điều trị có thai ngoài tử cung, nên chờ ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới nên có thai trở lại

Xem thêm:

  • Làm thế nào để phát hiện thai ngoài tử cung?
  • Siêu âm có phát hiện được mang thai ngoài tử cung không?