Khi nào phải rạch tầng sinh môn và có ảnh hưởng đến "chuyện ấy" không?
Bạn đã nghe nhiều đến tầng sinh môn nhưng có thể nhiều người vẫn chưa nắm rõ thông tin khi nào phải rạch tầng sinh môn và thủ thuật này có ảnh hưởng đến đời sống chăn gối vợ chồng hay không. Trong sản phụ khoa, đây là một điều rất phổ biến và sản phụ nên tìm hiểu trước để chủ động vượt qua điều này.
Khi nào phải rạch tầng sinh môn và có ảnh hưởng đến "chuyện ấy" không?
Rạch tầng sinh môn là gì?
Tầng sinh môn thuộc cơ quan sinh dục nữ, nằm ở giữa âm đạo và hậu môn, có chiều dài khoảng 3 – 5 cm và là khu vực nhạy cảm khi tiếp xúc. Cấu tạo của tầng sinh môn bao gồm 3 tầng: tầng sâu, tầng nông và tầng giữa.
Tầng sinh môn đảm nhiệm vai trò nâng đỡ và bảo vệ các cơ quan nằm bên trong vùng chậu như âm đạo, tử cung, bàng quang, trực tràng. Đồng thời đây cũng là “cửa ngõ” trong việc giao hợp, thực hiện quá trình thụ thai và sinh nở.
Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật trong ngành sản khoa với thao tác dạng cắt hoặc rạch vùng da ở đáy chậu giúp âm đạo rộng ra, tạo đường cho em bé chào đời. Điều này giúp quá trình chuyển dạ nhanh hơn, giảm thiểu tình trạng rách âm đạo, hạn chế những rắc rối do việc sinh nở về sau như tiểu không kiểm soát.
Khi nào phải tiến hành rạch tầng sinh môn?
Không phải tất cả những phụ nữ trong lúc sinh đẻ đều phải áp dụng biện pháp rạch tầng sinh môn. Đó có thể là số ít may mắn có khả năng sinh đẻ dễ dàng, nhanh chóng mà không cần bất cứ can thiệp hỗ trợ nào. Hoặc thai nhi quá nhỏ, âm đạo của mẹ giãn nở đủ để em bé chui ra.
Tuy nhiên, khi gặp một trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ chỉ định cắt tầng sinh môn của mẹ để việc sinh nở thuận lợi, không gặp biến chứng:
- Độ linh hoạt, căng giãn tầng sinh môn kém hoặc cơ co bóp tử cung không đủ mạnh để đẩy thai nhi ra ngoài. Đầu thai nhi có kích thước lớn nên phải “mở đường” cho em bé chui ra
- Sản phụ bị viêm âm đạo, có đáy chậu trong tình trạng phù nề
- Mẹ trong độ tuổi sinh đẻ trên 35 tuổi
- Có dấu hiệu suy thai mặc dù cổ tử cung đã mở rộng và đầu thai nhi đã xuống thấp
- Người mẹ có mắc các bệnh lý về tim mạch và huyết áp cao trong thai kỳ
Vết cắt tầng sinh môn mở rộng âm đạo và âm hộ trung bình dài khoảng 2 - 4 cm. Thủ thuật này được bác sĩ hay nữ hộ sinh thực hiện sau khi đã gây tê tại chỗ phần đáy chậu (nếu trước đó sản phụ đã lựa chọn phương pháp gây tê ngoài màng cứng thì không cần gây tê lại lần nữa).
Thời điểm tốt nhất để cắt tầng sinh môn là khi mẹ bầu có biểu hiện về các cơn gò, co bóp tử cung, khi việc rặn đẻ ở mức đỉnh điểm cần cố gắng để em bé chui ra, đứa trẻ sắp đẩy lọt ra ngoài thuận lợi nên cần mở rộng lối ra để em bé sớm ra ngoài. Không ít các sản phụ sẽ không cảm nhận được rõ rệt cảm giác đau khi cắt tầng sinh môn do đã được gây tê hoặc đã quá đau do tử cung co bóp.
Một số chuyên gia cho rằng, cần có sự chuẩn bị từ trước để có thể chủ động trong việc cắt tầng sinh môn. Nhất là đối với mẹ sinh con đầu lòng và các trường hợp đã nêu trên cần đặc biệt lưu ý. Vì khi có sự chuẩn bị từ trước thì vấn đề khâu vết rách sẽ dễ và đảm bảo tính thẩm mỹ hơn. Tuy nhiên, cũng không được lạm dụng can thiệp cắt tầng sinh môn nếu không cần thiết.
Rạch tầng sinh môn có thực sự an toàn?
Xử lý tầng sinh môn sau khi sinh là một vấn đề cần được chú ý. Vết cắt sẽ được khâu lại bằng chỉ tự hủy nhằm tái tạo, hồi phục và có thẩm mỹ lại như trước. Tùy thuộc vào độ sâu rộng của tầng sinh môn sau khi cắt mà có hình thức khâu phù hợp. Trung bình sau khoảng 10 ngày các mũi khâu này sẽ lành. Nhưng không vì thế mà sản phụ chủ quan không theo dõi kỹ hiện tượng nhiễm trùng, mùi khó chịu, ... để kịp thời kiểm tra và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Hình thành các mô sẹo sau khi đã hồi phục khiến cho việc sinh hoạt tình dục có cảm giác đau đớn. Lúc này bạn cần trở lại bệnh viện và trao đổi cùng bác sĩ để thực hiện cắt hoặc ghép lại.
Đôi khi, tầng sinh môn sau khi khâu vẫn có thể bị bung ra, kéo dài thời gian chữa lành. Hiện tượng ra máu là nguy cơ có thể xảy ra.
Nếu không được chăm sóc đúng cách, các vết cắt tầng sinh môn dễ gặp phải triệu chứng nhiễm trùng, viêm nhiễm như ngứa, đỏ, đau, sưng, có mủ, tạo mùi hôi khó chịu. Với tình hình này thì nên can thiệp càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nặng hơn.
Một số trường hợp sau khi rạch tầng sinh môn đường ruột cũng bị ảnh hưởng.
Đời sống chăn gối sau khi rạch tầng sinh môn
Rất nhiều chị em phụ nữ lo lắng do nghĩ rằng cắt tầng sinh môn sẽ khiến “chỗ đó” rộng ra và không thể quan hệ tình dục được nữa. Đây là quan niệm hoàn toàn không chính xác bởi tầng sinh môn sẽ phục hồi trở về trạng thái ban đầu sau khi hồi phục. Nếu có sự ảnh hưởng thì đó chính là cảm giác sợ đau, tự ti của một số chị em sau sinh.
Các mẹ cần lưu ý, sau khi tầng sinh môn hồi phục không nên quan hệ ngay mà hãy chờ đợi thêm một thời gian (khoảng 6 tuần sau sinh) để phía bên trong cơ quan sinh dục nữ trở về trạng thái như trước đây. “Chuyện ấy” nên được tiến hành chậm, nhẹ nhàng để không dẫn đến cảm giác khó chịu, đau đớn cho những lần đầu quan hệ trở lại sau khi sinh.
Bạn không nên quá căng thẳng vì sợ tầng sinh môn sẽ bị rộng khi rạch nhiều lần. Với các phương pháp can thiệp thẩm mỹ hiện đại, an toàn như hiện nay, việc phẫu thuật lại tầng sinh môn nhằm thu hẹp, tân trang lại được thực hiện khá đơn giản và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Do vậy, chị em có thể hoàn toàn yên tâm, thư giãn, thoải mái. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số hình thức hỗ trợ như sử dụng chất bôi trơn âm đạo, tập kegel cho “vùng kín” nhằm giúp tầng sinh môn đàn hồi nhanh, tăng khoái cảm, ...
Cách chăm sóc giúp vết thương tầng sinh môn mau lành
- Vệ sinh vùng kín sạch mỗi ngày: nhiều chị em do sợ đau nên vệ sinh khu vực này rất qua loa và không đúng cách, điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm và nhiễm trùng tại vết cắt tầng sinh môn. Chính vì vậy, để tránh nhiễm trùng và giúp vết thương sớm hồi phục, các mẹ hãy rửa sạch vùng kín thường xuyên, đều đặn hàng ngày (3 lần/ngày) bằng xà phòng nhẹ, nước rửa chuyên dụng, nước ấm hay nước muối pha loãng. Sau đó cần lau khô bằng khăn mềm. Mặc đồ lót rộng rãi và thoáng để không gây cọ xát làm đau vết thương. Khi đi tiểu, đi tiểu phải lau từ trước ra sau để tránh đưa vi trùng từ trực tràng xâm nhập vào âm đạo.
- Vận động nhẹ nhàng nhằm giúp lưu thông khí huyết và vết thương giảm sưng: việc nằm hoặc ngồi một chỗ quá lâu gây tắc nghẽn máu trong khu vực âm đạo. Tập thể dục vùng sàn chậu bằng cái bài tập kegel rất có lợi cho các mẹ sau sinh.
- Kiêng quan hệ tình dục cho đến khi vết khâu tầng sinh môn lành hẳn: cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái và đáy chậu được chữa lành thì hãy nên quan hệ tình dục. Sự cẩn thận này vừa giúp không tổn hại đến sức khỏe mà lại đảm bảo tâm lý cho mẹ.
- Tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ: không được tự ý dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Bạn cần thăm khám đúng hẹn để nắm rõ tiến triển hồi phục và phát hiện sớm những nguy cơ có thể xảy ra.
- Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo nhiều rau củ quả, chất xơ, uống nhiều nước để không bị táo bón, bởi điều này có thể gây căng thẳng lên vết khâu và khiến chúng sưng thêm. Đồng thời, các dưỡng chất có trong trái xây, protein sẽ giúp chữa lành các mô.
Xem thêm:
- Mẹ bị rạch tầng sinh môn cần lưu ý những gì?
- Làm thế nào để khi sinh thường không bị rạch tầng sinh môn?