Khi nào nên tẩy giun cho trẻ
Mặc dù nhiều ông bố bà mẹ vẫn thường xuyên tẩy giun cho trẻ, nhưng liệu bạn đã tẩy giun cho trẻ đúng cách? Khi nào nên tẩy giun cho trẻ? Cần lưu ý gì?
Khi nào nên tẩy giun cho trẻ
Trẻ em thường bò chơi khắp nơi, ưa thích khám phá bất kể từ sàn nhà, các ngóc ngách kệ, cửa, tủ,.... hay tiếp xúc với đất cát bẩn. Một điều mà bố mẹ khó có thể ngăn cấm ở các bé là thói quen cho tay hay các thứ đồ chơi, đồ dùng vào miệng (đặc biệt là trong độ tuổi mọc răng). Nhiễm giun là không thể tránh khỏi. Dù vậy, hầu hết các bậc cha mẹ từ trước đến nay vẫn không hoàn toàn ngờ đến những nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ bị nhiễm giun. Ngoài việc hút đi các chất dinh dưỡng, protein, vitamin... khiến trẻ suy nhược, chậm lớn, dễ mắc bệnh... nhiễm giun còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh đường ruột như viêm dạ dày, viêm đường mật, viêm tuỵ cấp,...
Mặc dù nhiều ông bố bà mẹ vẫn thường xuyên thực hiện tẩy giun cho trẻ, nhưng một số chỉ tẩy giun trong những năm đầu đời của bé. Cần biết, tẩy giun không phải là một việc đơn giản, không phải là uống 1 liều thuốc là coi như "tiêu tẩy" mọi nỗi lo. Liệu bạn đã tẩy giun cho trẻ đúng cách? Tẩy giun cho bé nhỏ tuổi và trẻ vị thành niên khác nhau thế nào? Khi nào nên tẩy giun cho trẻ, định kỳ trong bao lâu và cần lưu ý những gì?
1. Khi nào thì có thể bắt đầu tẩy giun cho trẻ?
Trẻ em trên 2 tuổi bắt đầu có thể tẩy giun. Ở độ tuổi này sức đề kháng của trẻ đã đủ để uống thuốc mà không có nhiều tác dụng phụ. Hơn nữa ở độ tuổi này bé bắt đầu bò, đi, chơi nhiều nơi, bé trong độ tuổi khám phá nên đã bắt đầu nhiễm giun nên cần được bảo vệ sức khoẻ cẩn thận. Trong một số trường hợp, bé dưới 2 tuổi nhưng có nhiều giun trong bụng, bố mẹ cần phải luôn chú ý quan sát để sớm phát hiện các triệu chứng nhiễm giun ở trẻ. Do có một số loại bệnh nhi khoa chống chỉ định với thuốc tẩy giun, nên cần đưa trẻ đến xác minh tình trạng bởi bác sĩ cẩn thận để tiến hành tẩy giun an toàn cho bé.
2. Định kỳ tẩy giun là bao lâu?
Theo khuyến cáo của Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn Trùng Trung Ương bạn nên cho trẻ tẩy giun định kỳ 2 lần một năm (6 tháng một lần), bởi sau khoảng thời gian này, cơ thể có thể tái nhiễm giun trở lại. Một số nơi vùng sâu vùng xa, tỉ lệ trẻ bị phơi nhiễm với giun cao do điều kiện vệ sinh kém, sự chăm sóc thiếu thốn, hoặc vùng có dịch tễ cao có thể tẩy giun 4 tháng một lần để có hiệu quả tốt nhất.
3. Lưu ý khi tẩy giun cho trẻ
- Giun và ký sinh trùng có thể từ cơ thể bé truyền sang môi trường sống chung và lây nhiễm cho cả gia đình. Do đó, cả gia đình nên thực hiện tẩy giun trong cùng khoảng thời gian để loại bỏ nguy cơ nhiễm giun trong gia đình, làm tăng hiệu quả của việc tẩy giun theo định kỳ 2 lần/năm.
- Ngày nay, các loại thuốc tẩy giun đã được cải thiện, hạn chế tác dụng phụ, cũng như không nhất thiết phải cho trẻ uống thuốc tẩy giun trong lúc đói như quan niệm cũ nữa. Về bản chất, tác dụng của thuốc là ức chế quá trình hấp thu glucose của giun đối với thức ăn. Ngoài ra, nên cho bé ăn nhẹ sữa, bánh để cung cấp năng lượng lại sau khi tẩy giun.
- Với những trẻ bị các bệnh về tim bẩm sinh, hay có các vấn đề về thận, gan... bố mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc. Cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn lựa chọn thuốc tẩy giun phù hợp để tránh sự tương tác của thuốc tẩy giun với các bệnh đang mắc phải.
- Thuốc tẩy giun có thể có những phản ứng phụ nhất định như nổi mề đay, mệt mỏi, nôn mửa, đau đầu,... Trong 24 giờ sau khi cho trẻ uống, bố mẹ luôn phải quan sát phản ứng cơ thể của trẻ.
- Tình trạng nhiễm giun có thể tái phát trở lại, vì thế bên cạnh việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, các bậc cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay sạch đúng cách, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bố mẹ khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ cần tuyệt đối kỹ lưỡng, thực hiện ăn chín uống sôi và rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến. Khu vực nhà ở cần được dọn dẹp sạch sẽ tránh tạo môi trường cho giun, ký sinh trùng phát triển. Giáo dục cho trẻ vệ sinh thân thể hàng ngày và cách đi vệ sinh đúng cách để tránh lây nhiễm giun.