Kháng sinh nhóm Carbapenems - “Vũ khí cuối cùng” để chống vi khuẩn

Các kháng sinh thuộc nhóm carbapenem thường được cho là có phổ tác dụng rộng nhất trong số tất cả các nhóm kháng sinh hiện có. Chúng giữ vai trò nhất định trong điều trị bao vây cũng như điều trị theo mục tiêu những trường hợp nhiễm khuẩn nặng và đa đề kháng.

Kháng sinh nhóm Carbapenems - “Vũ khí cuối cùng” để chống vi khuẩn Kháng sinh nhóm Carbapenems - “Vũ khí cuối cùng” để chống vi khuẩn

Đặc biệt là trường hợp đa đề kháng có liên quan đến trực khuẩn gram âm và những thuốc kháng sinh khác không hiệu quả hoặc không phù hợp.

Đặc biểm của nhóm carbapenem

  • Nhóm carbapenem có 4 loại kháng sinh gồm: imipenem, meropenem, ertapenem và doripenem. Đây là những kháng sinh beta-lactam có phổ kháng khuẩn rộng nhất hiện nay.
  • Trong danh mục thuốc kháng sinh đang được sử dụng tại các bệnh viện, thì nhóm carbapenem hay còn gọi là nhóm penem được xếp vào các thuốc kháng sinh dự phòng. Tức chỉ được sử dụng khi nhiễm khuẩn rất nặng hoặc khi các kháng sinh khác bị vô hiệu hóa. Đây là nhóm thuốc kháng sinh khá đắt tiền và được coi là vũ khí cuối cùng khi không còn sự lựa chọn nào khác để chống lại vi khuẩn.
  • Tương tự như nhóm penicillin, các carbapenem là kháng sinh beta-lactam diệt khuẩn. Bằng sự gắn kết và bất hoạt các protein gắn penicillin, chúng ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn, làm tế bào vi khuẩn chết đi.
vicare.vn-khang-sinh-nhom-carbapenems-vu-khi-cuoi-cung-de-chong-vi-khuan

Phổ kháng khuẩn của carbapenem

Phổ kháng khuẩn của các kháng sinh thuộc nhóm carbapenem bao gồm:

  • Vi khuẩn Gram âm: Các Carbapenem có tác dụng tốt trên hầu hết các loài vi khuẩn Gram âm, bao gồm Enterobacter, E. coli, Morganella morganii và Klebsiella. Với các loài P. aeruginosa đề kháng, doripenem và meropenem có hiệu lực cao, bởi 2 kháng sinh này đòi hỏi nhiều cách thức đề kháng khác nhau. Imipenem thì ít hiệu lực hơn trên P. aeruginosa, còn ertapenem thì không nên dùng bởi tác dụng của nó trên loài vi khuẩn này rất kém.
  • Vi khuẩn Gram dương (bao gồm cả Enterococcus faecalis và Listeria): các carbapenem có tác dụng trên nhiều loài vi khuẩn Gram dương. Có tác dụng kém trên MRSA (Methicillin-resistant Staphylococcus aureus hay tụ cầu vàng kháng Methicillin) và tràng cầu khuẩn (enterococcal infections) bởi khả năng đề kháng nội tại của các loài vi khuẩn này.
  • Vi khuẩn yếm khí (kị khí): Tất cả kháng sinh nhóm carbapenem đều có tác dụng khá tốt trên các vi khuẩn yếm khí. Mặc dù chúng có thể được dùng trong điều trị nhiễm trùng ổ bụng, nhưng chúng không phải là liệu pháp ưu tiên trong trường hợp này.
  • Vi khuẩn không điển hình: Các carbapenem không có tác dụng trên các loài vi khuẩn không điển hình vì những loài vi khuẩn này không có thành tế bào (vốn là đích tác động của kháng sinh carbapenem).

Đặc điểm cụ thể của 4 kháng sinh thuộc nhóm carbapenem

Imipenem

Là kháng sinh đầu tiên của nhóm carbapenem. Là kháng sinh nhóm beta-lactam truyền theo đường tĩnh mạch được phát triển từ năm 1985. Imipenem được chiết xuất từ hợp chất gọi là thienamycin, là chất do vi khuẩn Streptomyces cattleya tiết ra. Imipenem có phổ hoạt hóa rộng chống lại các vi khuẩn gram dương yếm khí và ưa khí cũng như các vi khuẩn gram âm.

Do Imipenem bị phân hủy nhanh chóng bởi enzym dehydropeptidase trong thận khi được chỉ định điều trị độc lập. Để ngăn chặn sự khử hoạt tính này nó luôn được chỉ định cùng với cilastatin (một hợp chất hóa học có tác dụng ức chế enzym dehydropeptidase ở người) để giúp nó tiêu diệt vi khuẩn.

Các hiệu ứng bất lợi chung khi sử dụng imipenem là buồn nôn và nôn. Người dị ứng với penicillin và các kháng sinh khác thuộc nhóm beta-lactam không nên dùng imipenem. Imipenem cũng có thể gây ra tai biến động kinh. Sự kết hợp Imipenem và cilastatin có liên quan đến độc tính trên hệ thần kinh trung ương, bao gồm sự thay đổi trạng thái tinh thần, rung giật cơ và đặc biệt là co giật. Những tác động này đặc biệt rõ rệt ở người có bệnh lý thần kinh trung ương hoặc suy thận. Không sử dụng imipenem trong điều trị viêm màng não.

Imipenem và các kháng sinh khác trong lớp carbapenem nói chung được xem như các “viên đạn diệu kỳ” Và việc sử dụng chúng luôn được cân nhắc để hạn chế sự nhờn thuốc của vi khuẩn.

vicare.vn-khang-sinh-nhom-carbapenems-vu-khi-cuoi-cung-de-chong-vi-khuan-body-2

Meropenem

Meropenem có phổ kháng khuẩn tương tự như imipenem. Tuy nhiên, meropenem ổn định hơn với men dehydropeptidase ở thận, vì vậy nó có thể có tác dụng mà không cần kết hợp với cilastatin. Bên cạnh đó meropenem cũng ít có nguy cơ gây động kinh so với imipenem-cilastatin.

Meropenem cũng là carbapenem duy nhất được chấp thuận để điều trị viêm màng não. Tổng quan hệ thống và phân tích gộp cho thấy meropenem có thể hiệu quả hơn và an toàn hơn imipenem - cilastin trong những chỉ định khác, cộng thêm khả năng cảm ứng đề kháng thấp hơn.

Imipenem và meropenem được dùng trong điều trị nhiễm trùng bệnh viện nặng và đa nhiễm trùng gây ra bởi nhiều chủng vi khuẩn đề kháng.

Ertapenem

Ertapenem là một carbapenem thế hệ mới với phổ kháng khuẩn hẹp hơn so với imipenem và meropenem. Ertapenem có phổ tác động mạnh trên Enterobacteriaceae và các vi khuẩn yếm khí, nhưng kém hơn so với các carbapenem khác trên P. aeruginosa, Acinetobacter, và các vi khuẩn Gram dương, đặc biệt là vi khuẩn ruột và phế cầu kháng penicillin.

Ertapenem có ưu điểm hơn so với các carbapenem khác là thời gian bán hủy kéo dài và có thể được dùng một lần mỗi ngày. Do đó, ertapenem thường được chỉ định trong điều trị nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng phụ khoa và viêm phổi mắc phải trong cộng đồng.

Doripenem

Doripenem được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận năm 2007 để điều trị nhiễm trùng đường tiểu dạng phức tạp và nhiễm trùng ổ bụng. Phổ kháng khuẩn của loại này tương tự như meropenem, mặc dù khả năng kháng P. aeruginosa in vitro dường như mạnh hơn so với meropenem. Tuy nhiên cũng cần có thêm các thử nghiệm lâm sàng để xác minh tính hiệu quả và an toàn của doripenem trong các trường hợp viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và các nhiễm trùng nặng khác.

Các lưu ý trên lâm sàng khi sử dụng kháng sinh carbapenem

- Imipenem là kháng sinh có nguy cơ gây co giật cao nhất trong số các carbapenem.

- Imipenem bị phá hủy ở thận thành dạng chuyển hóa có độc tính bởi enzyme DHP-1 (enzym dehydropeptidase). Vì vậy, cilastatin (một chất ức chế DHP-1) được dùng để đảm bảo duy trì nồng độ imipenem trong cơ thể và ngăn ngừa độc tính cho thận.

- Meropenem là carbapenem duy nhất được chấp thuận để điều trị viêm màng não, và có thể được dùng như một liệu pháp thay thế.

- Theo dõi chức năng thận là vấn đề quan trọng, bởi vì carbapenem cần được hiệu chỉnh loại và liều cho phù hợp.

- Liều thông thường carbapenem khuyến cáo cho các trường hợp không phức tạp:

  • Doripenem (Doribax): Uống 500 mg IV mỗi 8 tiếng
  • Ertapenem (Invanz): Uống 1 g IV mỗi 24 tiếng
  • Imipenem - cilastatin (Primaxin): Uống 250 mg đến 500 mg IV mỗi 6 đến 8 tiếng
  • Meropenem (Merrem): Uống 1 g IV mỗi 8 tiếng
vicare.vn-khang-sinh-nhom-carbapenems-vu-khi-cuoi-cung-de-chong-vi-khuan-body-3

Lưu ý khi sử dụng carbapenem cho trẻ em

  • Imipenem là kháng sinh được chấp nhận sử dụng cho trẻ em kể cả trẻ sơ sinh.
  • Hai loại meropenem và ertapenem chỉ được chấp nhận sử dụng cho trẻ trên 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong tài liệu "BritishNational Formulary for children"của Hiệp hội Y khoa Anh quốc và Hội Dược học Hoàng gia Anh vẫn cung cấp liều dùng của meropenem cho trẻ sơ sinh.
  • Riêng doripenem chỉ được chấp nhận sử dụng trên người lớn. Cần có thêm nghiên cứu trước khi bàn tới việc sử dụng doripenem trên trẻ em.
  • Các penem nói chung theo quy định chỉ được sử dụng ở bệnh viện tuyến cao nhất (tuyến cuối). Vì cũng như các beta-lactam khác, chúng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng như sốc phản vệ hoặc các hội chứng dị ứng nặng.

Các thuốc thuộc nhóm carbapenem do Việt Nam sản xuất bằng nguồn nguyên liệu nhập ngoại cũng có giá hàng trăm nghìn/một đơn vị đóng gói. Vì vậy, việc sử dụng loại kháng sinh này cần hết sức thận trọng khi đã cân nhắc giữa hiệu quả điều trị và tính an toàn cũng như khả năng chi trả của bệnh nhân.

Xem thêm:

  • Sử dụng kháng sinh cefixim sao cho đúng?
  • Hiểu đúng và biết cách sử dụng kháng sinh hợp lý
  • Kháng sinh Levofloxacin có tác dụng phụ gì?