Kháng sinh Levofloxacin có tác dụng phụ gì?

Levofloxacin là một loại kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolone thế hệ 2. Do có phổ kháng khuẩn rộng nên levofloxacin được sử dụng trong nhiều trường hợp nhiễm khuẩn. Hãy cùng tìm hiểu những kiến thức về loại kháng sinh này.

Kháng sinh Levofloxacin có tác dụng phụ gì? Kháng sinh Levofloxacin có tác dụng phụ gì?

Levofloxacin là gì?

Levofloxacin là một loại kháng sinh thuộc nhóm fluoroquinolone thế hệ 2, có phổ kháng khuẩn rộng: tác dụng tập trung trên các trực khuẩn Gram âm, mở rộng phổ đối với một số vi khuẩn Gram (+) và một số vi khuẩn không điển hình là tác nhân hàng đầu gây viêm phổi, nên còn được gọi là Quinolon hô hấp. Chúng được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng do các loại vi khuẩn khác nhau gây ra.

Kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolone có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, vì vậy chỉ nên sử dụng levofloxacin cho các bệnh nhiễm trùng khi không thể điều trị bằng loại kháng sinh khác an toàn hơn.

Một số thông tin quan trọng về levofloxacin

Levofloxacin có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về dây chằng (gân), tổn thương dây thần kinh, thay đổi tâm trạng, biến đổi hành vi hoặc gây hạ đường huyết.

Hãy ngưng sử dụng levofloxacin và hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng như: nhức đầu, cồn cào, cáu kỉnh, cảm thấy lo lắng bất an, tê liệt, ù tai, đau rát, lẫn lộn, kích động, hoang tưởng, có vấn đề về trí nhớ, mất tập trung, hoặc có ý định tự tử.

Levofloxacin có thể gây sưng hoặc rách dây chằng, nên ngừng dùng levofloxacin và hỏi ý kiến bác sĩ ngay nếu bạn đột ngột bị đau, sưng, bầm tím, cứng hoặc có vấn đề về vận động ở bất kỳ khớp nào.

vicare.vn-khang-sinh-levofloxacin-co-tac-dung-phu-gi-body-1

Những điểm cần nhớ trước khi dùng thuốc levofloxacin

  • Không nên sử dụng thuốc này nếu bạn bị dị ứng với levofloxacin hoặc các chất thuộc nhóm fluoroquinolones khác (ciprofloxacin, gemifloxacin, moxifloxacin, norfloxacin, ofloxacin và các loại khác).
  • Levofloxacin có thể gây sưng hoặc rách dây chằng (bó sợi kết nối xương với cơ trong cơ thể), đặc biệt là gân Achilles ở gót chân, điều này có thể xảy ra ngay trong quá trình điều trị hoặc vài tháng sau khi đã ngừng dùng thuốc. Các vấn đề về dây chằng có thể xảy ra ở một số đối tượng nhất định (trẻ em và người lớn tuổi, hoặc những người sử dụng thuốc steroid hoặc đã được cấy ghép nội tạng).
  • Hãy thông báo cho bác sĩ khám và kê đơn nếu bạn đã từng hoặc đang gặp các vấn đề sau:
  • Các vấn đề về dây chằng, về xương, viêm khớp hoặc các vấn đề về khớp khác (đặc biệt là ở trẻ em);
  • Bệnh tiểu đường;
  • Rối loạn cơ hoặc thần kinh, ví dụ như nhược cơ;
  • Bệnh thận;
  • Co giật hoặc động kinh;
  • Chấn thương vùng đầu hoặc khối u não;
  • Mắc hội chứng QT dài – một chứng rối loạn nhịp tim, hoặc thành viên trong gia đình có hội chứng này;
  • Các vấn đề về tim mạch, hoặc nồng độ kali trong máu thấp (chứng hạ kali máu).

Không cho trẻ em sử dụng thuốc này nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Không có bằng chứng chứng minh tính an toàn của thuốc đối với thai nhi, nên hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang mang thai mà bắt buộc dùng thuốc.

Không nên cho con bú trong khi sử dụng thuốc này vì thuốc có khả năng phân bố vào trong sữa mẹ, có nguy cơ gây tổn thương sụn khớp cho em bé.

Cách sử dụng levofloxacin

  • Đọc kỹ tất cả các hướng dẫn trên nhãn thuốc và các chỉ dẫn, hướng dẫn của nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ). Sử dụng thuốc chính xác theo chỉ dẫn.
  • Uống levofloxacin với nước trắng, vào cùng một thời điểm mỗi ngày, cần uống thêm nước để đảm bảo cho thận hoạt động tốt trong khi dùng thuốc.
  • Có thể dùng thuốc viên levofloxacin cùng hoặc không cùng bữa ăn.
  • Uống levofloxacin dạng dung dịch khi bụng đói, hoặc ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn, và đong chính xác lượng thuốc lỏng cần dùng: sử dụng ống phân liều được cung cấp cùng hộp thuốc, hoặc sử dụng thiết bị chuyên dụng đo liều thuốc.
  • Sử dụng thuốc levofloxacin đúng và đủ liệu trình đã được chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng bệnh đã được cải thiện. Việc bỏ bớt liều thuốc sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc.
  • Levofloxacin không được sử dụng để điều trị các bệnh do virus như: cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Làm gì khi lỡ quên một liều levofloxacin

Sử dụng lại thuốc ngay sau khi nhớ ra, nhưng phải bỏ qua liều bị quên nếu gần đến thời gian của liều tiếp theo, tuyệt đối không được dùng hai liều cùng một lúc.

Làm gì nếu bị quá liều levofloxacin

Phải báo ngay cho nhân viên y tế hoặc gọi số điện thoại cấp cứu nếu tình trạng sức khỏe nguy kịch.

Những điều cần tránh khi đang sử dụng Levofloxacin?

Tránh lái xe hoặc tham gia hoạt động mạo hiểm đến khi bạn nắm rõ những tác động của thuốc lên cơ thể mình, một số trường hợp dùng thuốc có thể khiến phản xạ cơ thể bị yếu đi.

Thuốc kháng sinh có thể gây tiêu chảy, đó có thể là dấu hiệu của một nhiễm khuẩn mới. Nếu bạn bị tiêu chảy chảy có lẫn nhiều nước hoặc máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thêm thuốc chống tiêu chảy.

Levofloxacin có thể khiến da bạn dễ bị cháy nắng hơn, nên cần tránh ánh sáng mặt trời hoặc phơi nắng, mặc quần áo bảo hộ và sử dụng kem chống nắng (SPF 30 trở lên) khi đi ra ngoài trời. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu da bị bỏng nặng, đỏ, ngứa, phát ban hoặc sưng sau khi ở ngoài nắng.

Một số tác dụng phụ của Levofloxacin

Phải đi khám gấp nếu xuất hiện những dấu hiệu của phản ứng dị ứng (nổi mề đay, khó thở, sưng mặt hoặc cổ họng), hoặc phản ứng da nghiêm trọng (sốt, đau họng, nóng rát ở mắt, bị đau bề mặt da, da nổi mẩn đỏ hoặc tím, lan rộng và gây phồng rộp và bong tróc).

Levofloxacin có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về dây chằng, các tác dụng phụ lên thần kinh (có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn), thay đổi tâm trạng, biến đổi hành vi (chỉ sau một liều) hoặc hạ đường huyết (có thể dẫn đến hôn mê).

Ngừng sử dụng Levofloxacin và đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có các dấu hiệu sau:

vicare.vn-khang-sinh-levofloxacin-co-tac-dung-phu-gi-body-2
  • Dấu hiệu hạ đường huyết, bao gồm: nhức đầu, đói, đổ mồ hôi, khó chịu, chóng mặt, buồn nôn, nhịp tim nhanh hoặc cảm thấy lo lắng hoặc run rẩy;
  • Các dấu hiệu về dây thần kinh ở bàn tay, bàn chân, cánh tay, cẳng chân như: tê, yếu, ngứa ran, đau rát;
  • Có dấu hiệu thay đổi tâm trạng hoặc biến đổi hành vi: hồi hộp, bối rối, kích động, hoang tưởng, ảo giác, có vấn đề về trí nhớ, khó tập trung, có ý định tự tử;
  • Có dấu hiệu đứt dây chằng: đau đột ngột, sưng, bầm tím, đau, cứng khớp, có vấn đề về vận động hoặc xuất hiện tiếng kêu trong khớp (phải để khớp đó được nghỉ ngơi trong lúc chờ chỉ dẫn của bác sĩ).
  • Đau dạ dày nghiêm trọng, tiêu chảy có lẫn nước hoặc máu;
  • Nhịp tim đập nhanh dồn dập, đánh trống ngực, khó thở và chóng mặt đột ngột (như sắp ngất xỉu);
  • Dấu hiệu phát ban bất kỳ trên da, dù nhẹ đến đâu;
  • Yếu cơ, khó thở;
  • Co giật;
  • Tăng áp lực bên trong hộp sọ: đau đầu dữ dội, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, các vấn đề về thị lực, đau bên trong mắt; hoặc là
  • Các vấn đề về gan: đau bụng trên, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, phân sẫm màu, vàng da vàng mắt.

Ngoài ra Levofloxacin còn có các tác dụng phụ thường gặp khác bao gồm:

  • buồn nôn, táo bón, tiêu chảy;
  • nhức đầu, chóng mặt;
  • khó ngủ.

Đây chưa phải là một danh sách đầy đủ toàn bộ các tác dụng phụ, bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ khác nữa. Bạn cần hỏi bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn đầy đủ nhất về tác dụng phụ của thuốc.

Những loại thuốc khác có ảnh hưởng đến levofloxacin khi sử dụng cùng lúc

Một số loại thuốc có thể làm cho Levofloxacin kém hiệu quả khi dùng cùng lúc. Nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc nào sau đây, hãy dùng levofloxacin 2 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi bạn dùng thuốc khác.

  • Thuốc kháng axit có chứa magiê hoặc nhôm (ví dụ Maalox) hoặc thuốc sucralfate (Carafate);
  • Thuốc didanosine (Didanosine Stada) dạng bột hoặc viên nhai;
  • Đang bổ sung vitamin và khoáng chất có chứa: nhôm, sắt, magiê hoặc kẽm.

Liệt kê cho bác sĩ tất cả các loại thuốc khác đang dùng để có cách giải quyết, đặc biệt là:

  • Theophylline;
  • Thuốc lợi tiểu;
  • Thuốc điều trị nhịp tim;
  • Insulin hoặc thuốc trị tiểu đường dạng uống (cần kiểm tra đường huyết thường xuyên);
  • Thuốc điều trị trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần;
  • Thuốc steroid (chẳng hạn như prednison);
  • Các thuốc điều trị đông máu: warfarin, Coumadin, Jantoven;
  • Các thuốc NSAID (thuốc chống viêm không steroid): aspirin, ibuprofen, naproxen, celecoxib, diclofenac, indomethacin, meloxicam và các loại khác.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các loại thuốc và các tương tác thuốc. Các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến levofloxacin, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn như: vitamin và các sản phẩm thảo dược,...

Các thông tin khác

Phải luôn luôn ghi nhớ để thuốc levofloxacin cũng tất cả các loại thuốc khác ngoài tầm với của trẻ em, không bao giờ chia sẻ đơn thuốc của bạn với người khác và chỉ được phép sử dụng thuốc levofloxacin khi có chỉ chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm:

  • Tác hại khi không tuân thủ liệu trình kháng sinh cho trẻ
  • Dị ứng thuốc kháng sinh có nguy hiểm không?