Huyết áp kẹt là gì? Có nguy hiểm không?
Hầu hết mọi người đều biết đến bệnh cao huyết áp hay huyết áp thấp, tuy nhiên huyết áp kẹt lại ít được nhắc đến. Vậy huyết áp kẹt là gì? Có nguy hiểm không?
Huyết áp kẹt là gì? Có nguy hiểm không?
Xu hướng mắc các bệnh về huyết áp đang có dấu hiệu gia tăng trong nhiều năm trở lại đây, trong đó chủ yếu là cao huyết áp. Tuy nhiên, huyết áp thấp hay huyết áp kẹt lại ít được nhắc đến. Vậy huyết áp kẹt là gì, nguyên nhân và hậu quả như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết sau để biết cách phòng tránh.
1. Huyết áp kẹt là gì?
Huyết áp là áp lực của máu lên thành mạch, trong đó huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) phản ánh sức co bóp của tim, huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) phản ánh sức cản của động mạch. Bình thường, hiệu số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương vào khoảng 40mmHg. Đây là điều kiện cho máu lưu thông bình thường trong động mạch. Khi giá trị này giảm (tức là huyết áp tâm thu rất gần với huyết áp tâm trương) thì gọi là huyết áp kẹt.
2. Biểu hiện của huyết áp kẹt
Biểu hiện thường thấy khi huyết áp kẹt
- Khó thở, hơi thở ngắn, hụt hơi, tức ngực
- Hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm mặt mày
- Mệt mỏi, người chòng chành, đau đầu ngủ kém..., làm việc lúc nhớ lúc quên.
- Người cảm thấy ớn lạnh hơn bình thường.
3. Hậu quả khi huyết áp kẹt
Huyết áp kẹt là dấu hiệu cho thấy tim còn ít hiệu lực bơm máu, làm cho tuần hoàn máu bị giảm hay ứ trệ. Việc ứ trệ tuần hoàn có thể làm tăng sức cản ở ngoại vi, tim phải làm việc nhiều hơn để vẫn đảm bảo việc bơm máu đi nuôi cơ thể. Lâu dài, tim sẽ thích nghi với tình trạng này bằng cách tăng đường kính của sợi cơ tim, vách tim dày lên (phì đại) và cuối cùng, hậu quả nghiêm trọng nhất đó là suy tim.
4. Nguyên nhân gây huyết áp kẹt
Các nguyên nhân làm tăng huyết áp tâm thu và giảm huyết áp tâm trương đều dẫn đến huyết áp kẹt. Các nguyên nhân này có thể đến từ các vấn đề về tim hay mạch máu. Các nguyên nhân do tim bao gồm: suy tim, các bệnh về van tim, hẹp van động mạch chủ hay hẹp van 2 lá. Hay những nguyên nhân đến từ mạch máu như chấn thương, sốt xuất huyết Dengue, dịch thoát ra khỏi nội mạch vì một lý do nào đó...làm mất máu nội mạch.
5. Làm gì khi huyết áp kẹt?
Nếu gặp tình trạng huyết áp kẹt, bạn nên nghỉ ngơi, thư giãn, hít thở sâu. Nếu đang làm dở một công việc nào đó thì nên dừng lại, tuyệt đối không cố làm tiếp và phải dùng các thuốc điều hòa huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng không nên hoang mang, lo lắng, việc kích thích thần kinh cùng với tình trạng huyết áp kẹt có thể khiến huyết áp dao động thêm.
Việc chủ động theo dõi tình trạng huyết áp giúp bạn kiểm soát tốt hơn huyết áp của mình, tránh để hậu quả xấu do huyết áp kẹt gây ra. Bạn có thể tự kiểm tra huyết áp của mình bằng cách tự đo huyết áp với máy đo huyết áp hay huyết áp cơ.
*Một số lưu ý khi đo huyết áp cơ
- Cần đảm bảo băng cuốn phải phủ được 2/3 chiều dài bắp tay, bờ dưới trên khuỷu tay 2cm.
- Nếu đo lại cần chờ khoảng 30s, nếu thấy loạn nhịp phải đo lại 3 lần và lấy trung bình cộng của các số
Huyết áp kẹt về lâu dài có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng về tim hay mạch máu. Nếu thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà và gặp phải các triệu chứng của huyết áp kẹt, cần đến các cơ sở khám chuyên khoa để điều trị. Việc duy trì chế độ sinh hoạt đều đặn, tránh làm việc khuya, tránh stress, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ là biện pháp phòng tránh hiệu quả các bệnh về huyết áp.
Nguồn tham khảo: Sức khoẻ & Đời sống