Hướng dẫn các mẹ cách giữ vệ sinh tầng sinh môn sau khi sinh
Tầng sinh môn là nơi bị tổn thương nặng nề nhất của các mẹ sau khi sinh, đặc biệt là đối với nhửng người sinh thường; rất nhiều chị em sau khi sinh phải khâu tầng sinh môn. Để các vết khâu mau lành và không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, các chị em cần phải lưu ý đến việc chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau khi sinh
Hướng dẫn các mẹ cách giữ vệ sinh tầng sinh môn sau khi sinh
. Nếu không được chăm sóc cẩn thận, vết khâu có thể bị nhiễm trùng và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Ngay sau đây hãy cùng chuyên mục Sống khỏe của Vicare kỳ này lưu ý cách vệ sinh tầng sinh môn an toàn và nhanh hồi phục.
Tại sao phải cắt tầng sinh môn?
Cắt tầng sinh môn là là thủ thuật phổ biến cắt ở đáy chậu, làm cho cửa âm đạo lớn hơn nhằm hỗ trợ ca sinh thường được dễ dàng hơn. Khi đầu của em bé nhấn rất chặt vào đáy chậu sẽ dẫn đến nguy cơ rách tầng sinh môn, bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt dài khoảng 2 đến 4 cm. Trước tiên đáy chậu sẽ được gây tê cục bộ, sau đó mới tiến hành cắt tầng sinh môn. Sau khi quá trình chuyển dạ kết thúc, vết rạch sẽ được may lại bằng chỉ khâu, việc này giúp tầng sinh môn hồi phục và thẩm mĩ hơn.
Các dấu hiệu trong quá trình hồi phục tầng sinh môn
- Trong những ngày đầu, có thể có những trường hợp cục máu đông xuất hiện sau khi ngồi hoặc nằm yên trong một thời gian dài. Hiện tượng này có thể là bình thường, tuy nhiên, nếu xuất hiện nhiều hoặc tăng nặng thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
- Đau nhiều ở vùng hạ bộ. Đau nhói, đau bụng hay khó chịu liên tục mà không giảm.
- Dịch âm đạo gây khó chịu hoặc có mùi hôi.
- Nếu bạn cảm thấy đau nhức hoặc bỏng rát khi đi tiểu, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Cảm giác căng kéo đáy chậu làm cho việc di chuyển và đi bộ trở nên khó khăn.
- Sốt (có thể do nhiễm trùng).
Vì vậy nếu khi có những biểu hiện trên, tốt nhất nên đến gặp các bác sĩ sản khoa để được thăm khám. Và lời khuyên tốt nhất là sau khi sinh em bé được 6 tuần thì cần đến các cơ sở phụ sản để kiểm tra xem tầng sinh môn đã lành hẳn chưa.
Hướng dẫn cách giữ vệ sinh tầng sinh môn an toàn
1. Hãy giữ gìn vệ sinh vùng kín để tránh nhiễm trùng tầng sinh môn
Việc giữ cho cơ quan sinh dục của bạn sạch để chống nhiễm trùng là rất cần thiết. Khi bạn rửa vùng đáy chậu hay sau khi đi vệ sinh, luôn lau sạch từ trước ra sau để ngăn ngừa sự di chuyển của vi khuẩn từ hậu môn đến niệu đạo. Khoảng 4 tiếng nên thay băng vệ sinh một lần để giữ cho vùng kín của bạn luôn sạch và kiểm tra được lượng máu chảy ra. Thường xuyên rửa tay trước và sau khi vệ sinh vùng kín và sau khi thay băng.
Khi vệ sinh tầng sinh môn, các mẹ có thể dùng nước muối pha loãng, nước trà xanh, nước tinh khiết đun sôi để ấm để vệ sinh. Khi vệ sinh bạn nên rửa nhẹ nhàng và vệ sinh ít nhất 3 lần mỗi ngày. Vì vết thương chưa lành nên khi đi vệ sinh chị em sẽ gặp nhiều đau đớn, để hạn chế tình trạng rát, đau buốt, khi đi tiểu bạn nên dùng vòi sen nước ấm dội từ từ vào vùng kín. Sau khi đi vệ sinh xong, bạn nên lau khô vùng kín bằng khăn mềm, sạch, đây là cách làm giảm triệu chứng đau hiệu quả.
2. Tránh mặc quần quá chật, bó sát vào tầng sinh môn
Sau khi sinh, các chị em nên ưu tiên những bộ quần áo rộng rãi và thoáng mát. Chúng không chỉ giúp các mẹ cảm thấy dễ chịu, mà còn hạn chế những tiếp xúc không cần thiết giữa quần áo và vết thương ở tầng sinh môn. Đặc biệt, tránh mặc quần lót quá chật, bó sát vào người.
3. Nên bổ sung chất xơ và uống nhiều nước để tránh bị bón
Nếu bình thường, táo bón đã khiến các chị em cảm thấy khó chịu thì bây giờ, cảm giác này còn tăng gấp đôi. Khi bị táo bón, mẹ sẽ phải dùng sức nhiều hơn để “tống” những chất thải trong cơ thể ra ngoài. Việc dùng sức này có thể sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vết rạch tầng sinh môn, và khiến bạn cảm thấy đau đớn. Vì vậy, mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ và uống thêm nhiều nước để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Bên cạnh đó, mỗi khi đi đại tiện, có thể sử dụng một miếng khăn giấy mềm đặt nhẹ lên vết khâu. Việc này sẽ giảm bớt cảm giác đau buốt.