Hỏi đáp cùng HoiBenh: Bệnh viêm màng não mô cầu

Hãy tìm hiểu các thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về bệnh viêm màng não mô cầu qua buổi phỏng vấn với BS Nguyễn Quốc Thái được thực hiện bởi HoiBenh sau đây.

Hỏi đáp cùng HoiBenh: Bệnh viêm màng não mô cầu Hỏi đáp cùng HoiBenh: Bệnh viêm màng não mô cầu

Viêm màng não mô cầu không phải là một căn bệnh lạ mới xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, ca tử vong đột ngột vừa qua đã dấy lên trong lòng người dân nỗi hoang mang, lo sợ. Đại đa số người dân vẫn chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh nguy hiểm này. Để xoa dịu nỗi bất an đó, đồng thời nhằm giúp mọi người có thể nắm bắt được những thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về bệnh viêm màng não mô cầu, HoiBenh đã sớm liên hệ với BS.Nguyễn Quốc Thái, hiện đang công tác tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện buổi phỏng vấn sau đây.

Xin chia sẻ đến quý bạn đọc!

HoiBenh: Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết thêm thông tin về bệnh viêm màng não mô cầu cũng như mức độ nguy hiểm, tỉ lệ tử vong, các biến chứng và di chứng của bệnh này được không?

BS Nguyễn Quốc Thái: Bệnh do vi khuẩn não mô cầu (tên khoa học Neisseria meningitidis), xảy ra khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, gây nhiễm trùng máu và viêm màng não. Bệnh diễn biến nhanh, có thể dẫn đến tử vong trong 24 giờ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ở các nước tiên tiến, cho dù đã được điều trị kháng sinh đặc hiệu, bệnh có thể có tỉ lệ tử vong lên đến 15-20%. Những trường hợp thoát tử vong nhờ được điều trị sớm và vận dụng các phương tiện hồi sức kỹ thuật cao cũng vẫn để lại nhiều di chứng.

HoiBenh: Vậy thưa bác sĩ, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh này là gì? Bác sĩ có chỉ dẫn cụ thể gì với người dân khi họ phát hiện ra những triệu chứng này không? Người bệnh có thể chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có triệu chứng bệnh mà không cần đến bệnh viện được không?

BS Nguyễn Quốc Thái: Nguyên nhân là do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis). Khoảng 10% người bình thường khỏe mạnh có mang vi khuẩn này ở vùng họng mũi mà không có biểu hiện triệu chứng gì. Khi bệnh xuất hiện, vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp. Khoảng 2/3 các trường hợp bị bệnh viêm màng não, còn khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm trùng máu.

Các triệu chứng đột ngột xuất hiện, bao gồm: sốt, buồn nôn, nôn, đau đầu và sau đó là phát ban đỏ tím nhiều vị trí trên người, ban có thể nổi phỏng, loang rộng. Những trường hợp có viêm màng não thì người bệnh có tình trạng rối loạn ý thức, thậm chí có thể hôn mê. Tình trạng bệnh sẽ nặng hơn nữa khi người bệnh xuất hiện sốc và rối loạn đông máu.

Người dân sau khi phát hiện những biểu hiện sốt cao, buồn nôn, nôn cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được thăm khám đánh giá tình trạng bệnh và được xử trí kịp thời.

Người bệnh không nên sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa được bác sĩ chỉ định.

hỏi đáp<a href= viêm màng não mô cầu " width="600" height="400" />

HoiBenh: Bác sĩ có thể cho biết mức độ lây truyền của bệnh này cao như thế nào và những ai có nguy cơ lây bệnh này không?

BS Nguyễn Quốc Thái: Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Các giọt nhỏ chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn được phát tán ra khỏi đường thở của người bệnh. Người tiếp xúc gần (trong phạm vi 1 mét) hoặc tiếp xúc kéo dài (trên 8 giờ) với người bệnh có thể nhiễm vi khuẩn và phát bệnh. Tuy nhiên tỉ lệ mắc bệnh là khoàng 4/1000 người tiếp xúc.

Mọi người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh, nhất là những người suy giảm hệ miễn dịch, những người mới đến vùng đang có dịch, những người mới gia nhập tập thể như sinh viên mới nhập học, tân binh... Trẻ dưới 1 tuổi và thanh thiếu niên 16 - 23 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các nhóm tuổi khác.

hỏi đáp<a href= viêm màng não mô cầu " width="600" height="398" />

HoiBenh: Ca viêm màng não mô cầu ở Hải Dương là trường hợp đầu tiên tử vong vì bệnh này ở đây. Vậy bác sĩ có thể cho biết, tính đến nay đã có bao nhiêu ca tử vong vì bệnh viêm màng não mô cầu? Có những vùng nào đã xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh? Tình hình cụ thể ở những vùng này là sao?

BS Nguyễn Quốc Thái: Ở Việt Nam bệnh do não mô cầu xuất hiện rải rác. Rất nhiều tỉnh thành ở nước ta đã có những trường hợp mắc. Trước đây những năm 1970, 1980 đã có một số vụ dịch xảy ra. Ví dụ như vụ dịch năm 1977-1979 ở các tỉnh phía Nam có hàng trăm trường hợp nhập viện với tỉ lệ tử vong xung quanh 30%. Gần đây đầu năm 2012 cũng có vụ bùng phát với hơn 30 trường hợp bệnh tại khu chế xuất Tân Thuận - Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó hơn 6.200 trường hợp phải uống thuốc kháng sinh dự phòng.

HoiBenh: Thưa bác sĩ, tiêm vắc xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu có giới hạn độ tuổi không? Liệu có trường hợp nào không nên tiêm vắc xin bệnh không? Có phải người dân chỉ nên tiêm khi được chỉ định?

BS Nguyễn Quốc Thái: Có nhiều loại vắc xin phòng não mô cầu. Đa số các vắc xin có khả năng phòng các typ A, C, W135 và Y. Ở Việt Nam não mô cầu gây bệnh chủ yếu vẫn thuộc 2 typ A và C nên sử dụng các vắc xin này còn hợp lí. Tuy nhiên ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á dịch não mô cầu do typ B gây ra. Cần căn cứ theo typ não mô cầu gây bệnh phổ biến ở từng khu vực để lựa chọn vắc xin cho phù hợp.

Giới hạn độ tuổi phụ thuộc vào các đặc điểm tính an toàn và hiệu quả của từng loại vắc xin. Ví dụ như vắc xin Menveo (phòng các typ A, C, Y, W135) ở Mỹ có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi. Vắc xin Meningo (phòng các typ A, C) hiện có ở một số cơ sở dịch vụ tiêm chủng trong nước được chỉ định cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, nhưng cũng có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nếu có nguy cơ tiếp xúc với người bệnh.

Nhìn chung các vắc xin này không có chống chỉ định gì tuyệt đối, ngoại trừ các cơ địa hay có phản ứng dị ứng, quá mẫn với các vắc xin.

hỏi đáp viêm màng não mô cầu

HoiBenh: Sau khi tiêm vắc xin, phải mất bao lâu vắc xin mới có tác dụng và liệu có còn nguy cơ mắc bệnh lại không?

BS Nguyễn Quốc Thái: Nói chung sau khi tiêm vắc xin não mô cầu 2 tuần thì có miễn dịch, và miễn dịch kéo dài khoảng 3 năm. Sau 3 năm, nếu nguy cơ mắc bệnh còn cao (suy giảm miễn dịch, đến vùng có dịch bệnh...) thì cần phải tiêm nhắc lại.

HoiBenh: Người dân có thể tiêm vắc xin viêm màng não mô cầu ở đâu?

BS Nguyễn Quốc Thái: Nhiều cơ sở dịch vụ tiêm chủng hiện đang cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin não mô cầu. Người dân nên liên hệ cơ sở dịch vụ tiêm chủng gần nhất để có được thông tin về dịch vụ tiêm chủng này.

HoiBenh: Vậy thưa bác sĩ, có bao nhiêu loại vắc xin viêm màng não mô cầu và công dụng của những loại này khác nhau như thế nào? Vắc xin bệnh viêm màng não mô cầu có phải vắc xin cho bệnh viêm màng não nói chung không?

BS Nguyễn Quốc Thái: có rất nhiều loại vắc xin phòng bệnh do vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) gây ra. Các vắc xin này chủ yếu khác nhau ở thành phần kháng nguyên dùng để gây miễn dịch. Ví dụ như vắc xin Menveo ở Mỹ phòng được não mô cầu các typ A, C, Y và W135, còn vắc xin Meningo đang sử dụng ở Việt Nam của chúng ta phòng được các typ A và C. Vắc xin Trumenba thì chỉ phòng được não mô cầu typ B. Cần căn cứ theo typ não mô cầu gây bệnh phổ biến ở từng khu vực để lựa chọn vắc xin cho phù hợp.

Vắc xin phòng bệnh do não mô cầu chỉ phòng được bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra. Bệnh viêm màng não ở Việt Nam thường do các vi khuẩn khác gây nên, chẳng hạn như Haemophilus influenza ở trẻ em, liên cầu lợn (Streptococcus suis) và phế cầu (Streptococcus pneumoniae) ở người lớn. Do vậy có thể khẳng định vắc xin phòng bệnh do não mô cầu không phải là vắc xin phòng được các bệnh viêm màng não nói chung.

HoiBenh: Trong khi các trang thông tin luôn khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin thì liệu đã xảy ra tình trạng thiếu vắc xin chưa? Nếu chưa thì liệu trong tương lai có xảy ra tình trạng đó hay không?

BS Nguyễn Quốc Thái: Thực sự nếu mọi người dân đều đi tiêm phòng trong thời gian này thì sẽ thiếu vắc xin. Kể cả ở các nước phát triển thì cơ quan y tế dự phòng cũng không khuyến cáo tất cả mọi người dân ở tất cả các độ tuổi đều phải tiêm phòng vắc xin não mô cầu. Ví dụ như ở Anh và liên minh châu Âu, vắc xin não mô cầu typ C được khuyến cáo tiêm cho trẻ 3 tháng và 12 tháng, sau đó nhắc lại vào độ tuổi 13 - 15. Ở Mỹ vắc xin Menveo phòng các typ A, C, Y và W135 được khuyến cáo tiêm cho trẻ 11 - 18 tuổi, cho sinh viên mới nhập học 19 - 21 tuổi. Khi có khuyến cáo tiêm chủng chính thức của quốc gia thì mới chủ động được kế hoạch cung ứng vắc xin, đảm bảo không thiếu hoặc hết vắc xin.

HoiBenh: Vậy theo bác sĩ, làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm màng não mô cầu?

BS Nguyễn Quốc Thái: Phòng tránh chủ động dựa vào vắc xin. Khi bệnh xảy ra cần cách li người bệnh trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi đã điều trị thuốc kháng sinh đặc hiệu. Biện pháp cách li áp dụng để phòng ngừa bệnh lây truyền đường hô hấp qua trung gian các giọt nhỏ chất xuất tiết từ đường hô hấp. Những người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc kéo dài với người bệnh sẽ được chỉ định uống thuốc kháng sinh phòng bệnh.

hỏi đáp viêm màng não mô cầu

HoiBenh: Cám ơn bác sĩ đã dành thời gian cung cấp những thông tin quý báu về căn bệnh viêm màng não mô cầu đang đe doạ người dân Việt Nam hiện nay. HoiBenh xin gửi lời chúc sức khoẻ đến bác sĩ Nguyễn Quốc Thái và quý bạn đọc của HoiBenh.vn. Chân thành cảm ơn!

Quý bạn đọc nếu có bất kì câu hỏi thêm về bệnh viêm màng não mô cầu, có thể gửi câu hỏi đến Fanpage của HoiBenh và sẽ được giải đáp thắc mắc sớm nhất có thể từ BS. Nguyễn Quốc Thái.

Hãy LIKE và SHARE để giúp nhiều người nắm rõ thông tin về căn bệnh nguy hiểm này bạn nhé!

>>> Xem thêm: Dấu hiệu viêm màng não mô cầu là gì?