Hội chứng tiền sản giật ở bà mẹ mang thai
Hiện nay, tiền sản giật được đưa vào nhóm tai biến sản khoa cực kỳ nghiêm trọng. Tiền sản giật là nguyên nhân hàng đầu gây ra những nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai, sinh nở. Vậy tiền sản giật là gì? Dấu hiệu cảnh báo, những nguy cơ dẫn đến tiền sản giật, cách phòng tránh và điều trị như thế nào là tốt nhất cho bà bầu.
Hội chứng tiền sản giật ở bà mẹ mang thai
Cùng tìm hiểu thông tin bổ ích dưới đây để trang bị thêm kiến thức nhé.
Như thế nào gọi là tiền sản giật?
Tiền sản giật (Pre-eclampsia) là tình trạng rối loạn trong thai kỳ do các cơ quan bị sụt giảm tưới máu khi các mạch máu co thắt và nội mạch phù dày. Điều này dẫn đến hệ lụy tăng huyết áp ở sản phụ (nhưng không phải tất cả phụ nữ có huyết áp cao đều bị tiền sản giật), có albumin (protein quan trọng nhất của huyết thanh) trong nước tiểu, cơ thể bị phù nề, cho nên còn được gọi là nhiễm độc thai nghén.
Thông thường, tiền sản giật hay xảy ra đối với phụ nữ mang thai con so và ở giai đoạn mang thai từ giữa thai kỳ đến tam cá nguyệt cuối cùng, thậm chí xuất hiện tiền sản giật sau sinh.
Chứng tiền sản giật gây ảnh hưởng đến gan, thận, huyết áp, sự phát triển của thai nhi, đôi khi đe dọa trực tiếp đến tính mạng của mẹ và em bé. Vì vậy, các sản phụ cần khám thai định kỳ để được theo dõi và tùy theo mức độ trầm trọng của tiền sản giật để có biện pháp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật
Nguyên nhân gây ra chứng tiền sản giật
Lý do dẫn đến chứng tiền sản giật vẫn còn là câu hỏi chưa có đáp án chính xác cuối cùng. Một số nhà nghiên cứu khoa học cho rằng sự mất cân bằng prostaglandin khiến cho các thành mạch máu co lại.
Ngoài ra, những tác nhân làm tăng nguy cơ tiền sản giật ở sản phụ khi họ thuộc các nhóm sau:
- Mang thai con đầu lòng
- Trong gia đình đã có tiền sử bị tiền sản giật
- Hiện tượng đa thai, song thai
- Những sản phụ mắc các bệnh lý cao huyết áp mãn tính, đái tháo đường, béo phì, lupus
- Mang thai khi còn quá trẻ hoặc trên 40 tuổi
Các triệu chứng nên cảnh giác về nguy cơ bị tiền sản giật
Như đã nói ở trên, dấu hiệu điển hình để sản phụ dễ nhận biết mình đang có nguy cơ bị tiền sản giật chính là: huyết áp tăng cao, lượng protein trong nước tiểu dư thừa, chân tay bị phù nề không rõ nguyên do, tăng cân quá nhanh (khoảng 2kg/tuần). Nhằm đảm bảo an toàn và không để lại biến chứng nguy hại cho mẹ và thai nhi, khi có những triệu chứng trên cần đến ngay bệnh viện hoặc liên lạc với bác sĩ để kịp thời chuẩn đoán.
Bên cạnh đó, sản phụ có thể theo dõi cơ thể và lưu ý thêm các đặc điểm sau:
- Chóng mặt, đau đầu với cường độ mạnh
- Đau ở vai, vùng xương ức kèm cảm giác nóng rát. Đau thượng vị
- Buồn nôn, khó chịu trong người, mệt mỏi, lo lắng
- Hay bị khó thở
- Rối loạn thị giác khiến mắt không quan sát rõ mọi vật
Các phương pháp tầm soát tiền sản giật
- Kiểm tra và theo dõi huyết áp (> 140mmHg là cao huyết áp)
- Lấy máu để xét nghiệm các chỉ số và nồng độ trong gan, thận
- Lấy nước tiểu để đo nồng độ đạm (protein)
- Siêu âm nhằm kiểm tra việc phát triển của thai nhi, thực hiện CTG (biểu đồ tim thai và co thắt của tử cung) để theo dõi cử động thai
Tiền sản giật có để lại nguy hiểm gì không?
Tiền sản giật không đơn thuần là những thay đổi của cơ thể người mẹ trong thời gian mang thai. Ngược lại, chứng tiền sản giật không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của phụ nữ mang thai mà còn đe dọa đến sự phát triển của thai nhi.
Đối với bà bầu khi mắc phải hội chứng này, các cơ quan khác như thần kinh trung ương, hệ thống tiết niệu, huyết học, hô hấp, tim mạch đều bị tác động.
- Biến chứng tim mạch: có nguy cơ cao về huyết áp mãn tính và bệnh lý về tim mạch ngay cả khi đã sinh xong, ảnh hưởng đến cuộc sống về sau.
- Biến chứng huyết học: giảm tiểu cầu (dưới 100.000 tiểu cầu /mm3 máu) là biến chứng hay gặp nhất của tiền sản giật. Khi tiểu cầu giảm dễ dẫn đến tình trạng băng huyết, gây mất máu cấp, khả năng tử vong cao.
- Phù phổi: một biến chứng nghiêm trọng ở sản phụ mang thai lớn tuổi, đa thai hoặc đi kèm theo các bệnh lý về thận hoặc huyết áp mãn tính. Bà bầu dễ bị suy hô hấp cấp tính.
- Hội chứng HELLP (thiếu máu tan huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu): biến chứng đặc biệt nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong có thể xảy ra ở mẹ và thai nhi. Ngoài ra, hội chứng HELLP còn tạo ra hiện trạng máu tự dưới bao gan, vỡ gan; chảy máu cấp; phù phổi và suy thận cấp, đe dọa nhau bong non; ngạt sơ sinh; ...
- Sản giật: khi tiền sản giật không được kiểm soát và điều trị kịp thời, sản phụ dễ đối mặt với sản giật. Đây là một dạng biến chứng cấp tính của tiền sản giật, gây ra những cơn co giật, sau đó dẫn đến hôn mê. Nếu không có biện pháp can thiệp đúng lúc sẽ khiến người mẹ tử vong.
- Nhau bong non: túi thai dễ bị bong ra khỏi thành tử cung, có nguy cơ sảy thai, gây chảy máu nặng, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, phát triển của thai nhi.
- Lượng máu cung cấp cho thai nhi không đủ: bào thai trong bụng mẹ dễ bị ngạt do thiếu máu, thiếu oxy, trao đổi chất bị rối loạn. Vấn đề này khiến cho em bé bị chậm phát triển, suy thai, đe dọa sinh non.
Điều trị và phòng tránh tiền sản giật
Điều trị
Sản phụ không thể tự ý đưa ra phương pháp và loại thuốc để điều trị tiền sản giật mà cần có tầm soát, chuẩn đoán và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Sau khi làm các xét nghiệm và kiểm tra nhằm xác định mức độ tiền sản giật, sản phụ sẽ có phác đồ chữa trị phù hợp.
Ngoài ra, việc điều trị tiền sản giật cần kết hợp điều trị các triệu chứng của bệnh như thuốc hạ huyết áp (Adalat Retard, Trandate hay Aldomet), thuốc ngăn ngừa co giật (magnesium sulfate), ... để kiểm soát tốt tình trạng diễn tiến của bệnh.
Trường hợp tiền sản giật thể nhẹ, sản phụ cần nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh làm việc và theo dõi sát sao. Thường xuyên kiểm tra huyết áp và cử động của thai nhi, theo dõi chức năng gan, thận, hô hấp nhằm đảm bảo cơ thể không có biểu hiện khác thường. Đồng thời, bác sĩ có thể cho uống một số loại thuốc hỗ trợ để không làm gia tăng triệu chứng của tiền sản giật.
Đối với tiền sản giật ở mức độ nặng, có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng cần điều trị nội trú để kiểm soát tốt mọi tình huống. Sản phụ cần nằm nghỉ ngơi trên giường, đo huyết áp và siêu âm hàng ngày để theo dõi. Sản phụ được chỉ định tiêm corticoid để chức năng phổi của thai nhi hoàn thiện. Căn cứ trên tình hình hiện tại, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định chấm dứt thai kỳ. Người mẹ có thể được kích đau đẻ sớm hoặc mổ để đưa em bé ra ngoài. Nếu thai nhi dưới 24 tuần tuổi vẫn phải đình chỉ thai để không nguy kịch cho mẹ.
Phòng tránh
Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để phòng tránh hay phát hiện sớm hội chứng tiền sản giật chính là khám thai định kỳ. Đây là một việc làm chủ động của bà bầu trong việc quan tâm đến sức khỏe và an toàn của mẹ, thai nhi. Do hiện nay vẫn chưa có cách điều trị tiền sản giật mà chỉ tìm cách giảm các nguy hại đặc biệt nghiêm trọng nên khám thai định kỳ là yếu tố hàng đầu nhằm giảm thiểu tiền sản giật.
Cân bằng chế độ dinh dưỡng của sản phụ. Nhóm thực phẩm giàu đạm, canxi, vitamin và các yếu tố vi lượng, đặc biệt là omega 3 (DHA, EPA), canxi, vitamin D nên được cung cấp đầy đủ. Ăn đồ ăn lành tính và tốt cho bà bầu như cá hồi, súp lơ, bắp cải, quả óc chó, hạt vừng, đậu bắp, măng tây, rau diếp, dầu gan cá, ngũ cốc nguyên hạt, sô cô la, ... Tuy nhiên, không vì quá bồi bổ cơ thể dẫn đến tăng cân quá nhanh khiến bà bầu dễ bị béo phì, đái tháo đường, ...
Khi theo dõi nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu khác thường cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra. Không vì chủ quan mà gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sản phụ và em bé.
Xem thêm:
- Tiền sản giật và những biến chứng đau đầu khác thường gặp trong cuối thai kỳ
- Xét nghiệm tiền sản giật bao gồm những gì?
- Mẹ bị tiền sản giật lần sinh trước, cần lưu ý gì cho lần mang thai sau?