Hội chứng quá kích buồng trứng có nguy hiểm không?

Quá kích buồng trứng là tình trạng đáp ứng quá mức điều trị kích thích buồng trứng của người phụ nữ. Hội chứng này thường ít được chị em biết đến. Thêm vào đó, những biểu hiện lâm sàng của hội chứng quá kích buồng trứng rất đa dạng. Chính vì vậy không ít người lo lắng khi gặp phải hội chứng này. Vậy quá kích buồng trứng có nguy hiểm không?

Hội chứng quá kích buồng trứng có nguy hiểm không? Hội chứng quá kích buồng trứng có nguy hiểm không?

Câu trả lời có trong bài viết dưới đây!

1. Khi nào bị quá kích buồng trứng?

Hiện tượng quá kích buồng trứng xảy ra khi người phụ nữ đang hoặc đã điều trị hiếm muộn. Một số phụ nữ có thai vẫn có thể bị quá kích buồng trứng.

Cụ thể, những vợ chồng hiếm muộn, kết hôn lâu nhưng chưa thể có con thường tìm đến những biện pháp chữa trị như kích thích buồng trứng. Một số trường hợp cơ địa của người phụ nữ đáp ứng quá mức với hormone kích thích buồng trứng. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng quá kích buồng trứng. Khi ấy, các nang trứng phát triển nhanh, gia tăng kích thước buồng trứng và gây ra tràn dịch màng bụng, màng tim và phổi.

Ngoài ra quá kích buồng trứng còn xảy ra bởi các nguyên nhân khác như:

  • Trước đó bệnh nhân đã điều trị hiếm muộn bằng gonadotropin ngoại sinh.
  • Một số trường hợp bệnh gây ra do sử dụng clomiphene citrate (CC) hay gonadotropin-releasing hormone (GnRH) nhưng rất hiếm gặp.
HoiBenh.vn-qua-kich-buong-trung-body-2
Hiện tượng quá kích buồng trứng xảy ra khi người phụ nữ đang hoặc đã điều trị hiếm muộn

2. Tỉ lệ gặp quá kích buồng trứng

Mặc dù các phương pháp được chọn để điều trị hiếm muộn, vô sinh đa phần đều an toàn nhưng trong quá trình điều trị vẫn có thể xảy ra biến chứng không mong muốn với tỷ lệ xảy ra tương đối thấp. Chỉ khoảng 0,5 đến 10% người điều trị vô sinh gặp phải những hội chứng này.

Tỉ lệ quá kích buồng trứng ở khoảng 33 người trong 100 phụ nữ (33%). Tuy nhiên, chỉ có hơn 1 trong 100 phụ nữ (1%) sẽ phát triển hội chứng mức độ trung bình hoặc nặng. Hầu hết các triệu chứng sẽ tự hết trong vòng 7-10 ngày. Hãy thảo luận với bác sĩ để được tư vấn cách xử lý quá kích buồng trứng kịp thời.

3. Dấu hiệu của hội chứng quá kích buồng trứng

Những người mắc hội chứng quá kích buồng trứng có thể biểu hiện nhiều triệu chứng khác nhau, khá đa dạng. Các triệu chứng phổ biến mà chúng ta có thể nhận biết bao gồm:

  • Trường hợp bệnh nhẹ: Bệnh nhân cảm thấy bụng đầy hơi, đau tức bụng ở mức độ nhẹ. Người bệnh có thể tăng cân khi mắc hội chứng này.
  • Trường hợp bệnh nặng: Phụ nữ cảm thấy đau đớn vùng bụng, vùng bụng bị sưng. Ngoài ra bệnh nhân còn có triệu chứng giảm đi tiểu, tăng cân nhanh chóng.

Những triệu chứng trên thường không khó phát hiện. Tuy nhiên, để xác định đúng bệnh, phụ nữ tốt nhất nên đến các cơ sở y tế uy tín để bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

HoiBenh.vn-qua-kich-buong-trung-body-3
Bệnh nhân cảm thấy bụng đầy hơi, đau tức bụng ở mức độ nhẹ

4. Người có nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng

Như đã đề cập ở trên, những người mắc hội chứng quá kích buồng trứng là những người đã điều trị kích buồng trứng với gonadotropin ngoại sinh. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng cho những đối tượng sau:

  • Người trẻ tuổi.
  • Người có cân nặng thấp.
  • Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
  • Dùng liều cao gonadotropin ngoại sinh.
  • Người có nồng độ estradiol huyết thanh cao, bất ổn.
  • Người có tiền sử bị quá kích buồng trứng.

Những người thuộc các trường hợp trên rất dễ mắc hội chứng quá kích buồng trứng. Kết hợp cùng với những dấu hiệu bệnh ở trên, bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán bệnh nhân có hay không mắc hội chứng quá kích buồng trứng.

5. Điều trị hội chứng quá kích buồng trứng

Đặc điểm của hội chứng quá kích buồng trứng là bệnh có thể tự khỏi hoặc kéo dài. Chính vì vậy, việc điều trị quá kích buồng trứng cũng được chia thành điều trị ngoại trú hoặc nhập viện theo dõi.

Đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú

Các ca bệnh nhẹ thường được bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú. Bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Khi điều trị bằng thuốc, các bác sĩ thường lưu ý bệnh nhân những vấn đề sau:

  • Bệnh nhân phải điều trị giảm đau, chống nôn bằng thuốc và tránh quan hệ trong thời gian bệnh vì dễ gây đau đớn và tăng nguy cơ vỡ buồng trứng
  • Lượng nước uống mỗi ngày không được ít hơn 1 lít; bổ sung thêm bằng các loại nước điện giải
  • Tránh các hoạt động thể lực, đòi hỏi vận động mạnh, tốn nhiều sức lực vì buồng trứng lúc này đang lớn, dễ bị xoắn
  • Chú ý đến tư thế nằm để không làm tăng nguy cơ huyết khối
  • Tuy điều trị ngoại trú nhưng bệnh nhân vẫn phải cần thường xuyên kiểm tra, siêu âm để xác định lượng dịch báng tăng giảm. Ngoài ra, bệnh nhân cần làm xét nghiệm hematocrit, ion đồ và creatinine máu. Bệnh nhân cần được theo dõi cân nặng, số lần và thể tích tiểu mỗi ngày vì nếu tăng cân trên 2 pound/ngày hoặc giảm lượng nước tiểu thì cần phải khám và xét nghiệm các chỉ số trên lại.
  • Bệnh nhân có thai mắc hội chứng quá kích buồng trứng càng cần phải đặc biệt lưu ý. Vì hCG huyết thanh tăng khi có thai sẽ là tác nhân làm tình trạng quá kích buồng trứng nặng thêm.
  • Nếu bệnh nhân đang trong chu kỳ hỗ trợ sinh sản, bác sĩ sẽ đề xuất bệnh nhân xem xét việc trữ phôi toàn bộ và chờ đến chu kỳ sau, khi các triệu chứng quá kích buồng trứng biến mất.

Bệnh nhân được yêu cầu nhập viện điều trị

Khi bệnh nhân có một trong các triệu chứng sau sẽ phải nhập viện điều trị:

  • Bệnh nhân đau bụng nhiều hoặc có dấu hiệu tràn dịch màng bụng
  • Bệnh nhân bị buồn nôn, không thể ăn uống bình thường
  • Đi tiểu ít hoặc hầu như không đi tiểu
  • Bệnh nhân khó thở hoặc thở nhanh, bị hạ huyết áp, chóng mặt
  • Bệnh nhân bị rối loạn điện giải nặng (hạ natri, tăng kali máu) hoặc bị cô đặc máu; Bệnh nhân có một số dấu hiệu bất thường trong chức năng.

Bệnh nhân quá kích buồng trứng nặng sẽ dễ bị vỡ buồng trứng. Chính vì vậy mà bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao, phát hiện kịp thời nếu có triệu chứng đau bụng, tràn dịch màng bụng.

Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân cần được truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Ban đầu bệnh nhân có thể được truyền dịch nhanh qua đường tĩnh mạch. Liều lượng là 500 đến 1000 ml, nhằm duy trì lượng nước tiểu phù hợp và chống cô đặc máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc quá kích buồng trứng sẽ có xu hướng hạ natri máu. Vì vậy, cần dùng dextrose 5% trong dung dịch muối sinh lí. Khi các triệu chứng được cải thiện và bệnh nhân bắt đầu đi tiểu nhiều thì nên giảm truyền dịch tĩnh mạch, tăng lượng nước uống.

Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định chọc hút dịch. Việc chọc hút dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ, dưới hướng dẫn của siêu âm và dành cho bệnh nhân báng bụng gây đau đớn nặng. Triệu chứng đau bụng nặng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng phổi hoặc thiểu niệu không thuyên giảm. Thực hiện chọc hút dịch qua đường âm đạo hoặc bụng dưới hướng dẫn của siêu âm. Việc chọc hút dịch sẽ được thao tác chậm, theo dõi cẩn thận đáp ứng của bệnh nhân.

6. Phòng ngừa hội chứng quá kích buồng trứng như thế nào?

Có khá nhiều phương pháp phòng ngừa hội chứng quá kích buồng trứng như:

  • Hủy chu kỳ, không cho hCG làm giảm khả năng QKBT nhưng buộc bệnh nhân mất một chu kì
  • Nhưng dùng gonadotropin và trì hoãn hCG cho tới khi nồng độ estradiol bình ổn. Phương pháp này được gọi là coasting, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến xung quanh cách thực hiện coasting
  • Khởi động phóng noãn bằng phương pháp khác
  • Truyền tĩnh mạch albumin 25% vào lúc chọc hút trứng được cân nhắc nếu bệnh nhân có tiền sử bệnh QKBT

Để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình, bệnh nhân là phụ nữ đang điều trị kích buồng trứng hoặc có tiền sử bệnh cần đặc biệt lưu ý hội chứng quá kích buồng trứng. Hội chứng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn có thể gây nhiều biến chứng phức tạp, nguy hiểm. Ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường trong cơ thể, bạn nên đến khám tại các bệnh viện uy tín để nhanh chóng phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Xem thêm:

  • Hướng dẫn cần phải làm gì khi hiếm muộn?
  • Các phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn hiện nay?
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản cho phụ nữ hiếm muộn một cách hiệu quả